“Bốc thuốc” ổn định thị trường vàng
Bình ổn thị trường vàng bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn nữa Yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5 |
“Bắt bệnh” giá vàng một mình phi mã
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng/lượng vào tháng 4, trước khi vượt 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5 - mức cao nhất lịch sử. Chênh lệch với giá thế giới cũng neo ở mức cao, có thời điểm tới 20 triệu đồng/lượng. Vì sao có khoảng cách “vô lý” này. Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chênh lệch giá đó “không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu”. Vậy nguyên nhân do đâu?
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã phân tích rõ vấn đề này tại phiên thảo luận “Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định”.
Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, cần làm rõ những khái niệm trước khi xác định những nguyên nhân. Trước tiên là vấn đề “vàng hóa”, vị chuyên gia cho biết: “vàng hóa, đô la hóa, hay nhân dân tệ hóa, muốn hóa được nó phải trở thành tiền gửi trong ngân hàng thương mại, tức là tiền đẻ ra tiền. Nhìn chung, nó sẽ tạo ra bội số nhân của tiền mà ta gọi chung là tiền đẻ ra tiền”.
Năm 2009 nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng và kinh doanh vàng. Các ngân hàng thương mại đã lợi dụng điều đó để nhận tiền gửi bằng vàng rồi mang vàng đi kinh doanh tạo nên sự hỗn loạn cả về phương tiện thanh toán lẫn thương mại. Vàng hóa trở thành nỗi ám ảnh cho đến bây giờ. “Bây giờ mà nghe nói đến chuyện vàng hóa chúng ta cảm thấy ớn lạnh”, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, mỗi năm sản lượng vàng thế giới tăng 1,5%, tiền đô la mỹ tăng 3,5%. Số lượng vàng của cả thế giới nếu mang xây một tòa nhà chỉ rộng 20m, dài 20m và chiều cao cũng chỉ 20m. Vỏn vẹn chỉ có 8.000 khối vàng, không quá nhiều để khiến thị trường này phức tạp đến mức “hoảng loạn”.
Trong vòng 10 năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương không nhập khẩu vàng, nhưng vàng buôn lậu qua biên giới chưa chắc đã không có. Hội đồng Vàng thế giới thống kê, nhu cầu thực tế, có những thời gian Việt Nam nhập cao nhất 50 tấn vàng/năm. Năm 2020 khi bắt đầu có Covid-19, nhập lậu bị chặn lại. Sau đó có những vụ bắt bớ buôn lậu được làm rất ráo riết khiến nguồn cung từ ngoài vào không còn như cũ. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, đây là những nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao, kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới.
Dẫn thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, chuyên gia cho hay, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ đô la - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
“Chúng ta đang coi vàng như một vấn đề “bí hiểm” và điều này càng khiến dân chúng hoang mang. Trước hết tư duy về chính sách, phải coi đây là thị trường bình thường, không có gì ghê gớm và hoàn toàn có thể xử lý nhanh”, ông Nghĩa bình luận.
Cùng với đó, một nguyên nhân nữa khiến vàng miếng SJC cũng có giá cao hơn các loại vàng khác, đó là do nhà nước độc quyền loại vàng này khiến người dân đặt vào đây một niềm tin rất lớn. Ông Nghĩa cho rằng, về chất lượng, SJC cũng như các thương hiệu vàng khác, có thể chênh lệch một chút chứ không đến mức chênh lệch tiền triệu như bây giờ.
“Giải mã” thêm nguyên nhân khiến giá vàng tăng, kéo dài khoảng cách với thế giới, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng, cơ chế đấu thầu là một tác nhân khiến giá vàng tăng. “Giá sàn đấu thầu ban đầu cao hơn giá thị trường, thì đương nhiên người trúng thầu phải trả cao hơn giá sàn. Mà đã trúng thầu thì tức sẽ là người trả cao nhất, giá cao nhất, thì bán ra phải cao hơn nữa. Vậy mục tiêu của đấu thầu là chọn được người nào trả giá cao chứ không phải mục tiêu kéo giá vàng sát với thị trường”, chuyên gia Hoàng Văn Cường phân tích sâu hơn.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu muốn giảm xuống sát thế giới thì phải đấu thầu ngược. Đơn vị nào trả giá thấp nhất thì người đó thắng thầu. Giá sàn đấu thầu phải tham chiếu từ giá vàng thế giới chứ không phải là lấy giá trong nước.
“Thuốc” nào cho thị trường vàng?
Nhìn rộng ra trên thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đều có cách điều tiết và quản lý riêng thị trường kim loại quý này. Trước năm 2001, chính quyền Bắc Kinh quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc độc quyền phân phối và kiểm soát giá vàng trong nước, khiến giá vàng không tuân theo quy luật cung cầu, vàng nhập lậu tăng mạnh. Sau đó, nước này đã thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, nếu muốn nhập khẩu vàng cần có sự cho phép của Ngân hàng Trung ương và Tổng cục Hải quan. Tất cả vàng tiêu chuẩn nhập khẩu trước tiên phải được qua sàn giao dịch giao ngay như Sở giao dịch vàng Thượng Hải. Sàn vàng ra đời đã chấm dứt cơ chế độc quyền vàng của Trung Quốc. Hiện có 4 ngân hàng trong nước và 9 ngân hàng nước ngoài được phép nhập khẩu vàng vào nước này.
Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ nhập khẩu vàng cho hai mục đích là tăng cường dự trữ quốc gia và tiêu thụ trong nước. Bộ Công Thương Ấn Độ sẽ quyết định danh sách các tổ chức cá nhân được phép nhập khẩu vàng để dễ dàng quản lý. Ấn Độ được chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở giao dịch hàng hóa Ấn Độ. Cuối tháng 6/2022, đất nước này chính thức ra mắt sàn giao dịch vàng quốc tế đầu tiên nhằm cố gắng mang lại sự minh bạch cho loại kim loại quý này.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam có lợi thế là ngành thủ công mỹ nghệ và việc chế tác vàng đã tạo được uy tín trên thế giới. Thậm chí, nếu giá vàng trong nước và quốc tế không chênh lệch nhau nhiều như hiện tại, các công ty sản xuất vàng trang sức còn có thể xuất khẩu được vàng trang sức với hàm lượng giá trị gia tăng cao, đủ bù đắp phần lớn ngoại tệ phải chi ra để nhập khẩu vàng nguyên liệu. |
Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho rằng cần xác định vàng là một loại tiền đặc biệt hay chỉ là một loại hàng hóa thì mới có thể đưa ra giải pháp quản lý tốt nhất. Nếu coi vàng miếng là kênh đầu tư thì phải quản lý nó như một kênh đầu tư. Nếu vàng được coi là hàng hóa thì có nhiều biện pháp kiểm soát hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân. Vậy phải xác định rõ vàng nào là tiền, vàng nào là hàng hóa? Tại sao chúng ta phải duy trì vàng miếng? Nếu vàng miếng là một loại tiền cần kiểm soát, hay là một loại hàng thì chúng ta có thể nhìn ngay được khoảng trống về tính chất quản lý.
“Nếu như coi vàng là tiền thì chúng ta có những giải pháp gì? Có thể là tránh dập vàng miếng như một kim bản tệ, còn nếu là một loại hàng hóa thì chắc chắn chúng ta phải có giải pháp tăng cung cho người dân”, ông Tuấn nêu giải pháp. Về quan điểm cá nhân, ông Tuấn coi vàng SJC là một sản phẩm đầu tư chứ không phải là một loại hàng hóa. Và sản phẩm đầu tư phải được quản lý, ứng xử như một sản phẩm đầu tư.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, các nước trên thế giới đều quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế. Việt Nam cũng chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.
“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, do độc quyền, cấm nhập khẩu nên mới gây ra tình trạng này. Nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế. Còn về đấu thầu vàng, nên xem lại chính sách đấu thầu, nhất là việc tham chiếu giá vàng cho sát với giá vàng thế giới để thu hẹp khoảng cách trong nước và thế giới. Cùng với đó, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng sẽ là các biện pháp đặc biệt quan trọng để đảm bảo minh bạch thị trường.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng ADB nhận định, Việt Nam không phải nước duy nhất nằm trong làn sóng biến động giá vàng và điều này không có gì bất thường. Nhưng bất thường của Việt Nam là cách phản ứng về chính sách. Đối với những nước khác việc phản ứng chính sách không quá mạnh. Còn tại Việt Nam, dường như những phản ứng chính sách đang mạnh hơn những gì cần thiết trong việc quản lý thị trường vàng, từ đó tạo nên tâm lý đám đông. Những phản ứng đó dường như bị thị trường dẫn dắt nhiều hơn là dựa trên những thông tin xác thực và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, theo ông Cường không nên phản ứng vội vã mà cần có những giải pháp chắc chắn, dài hơi hơn. |
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Thị trường 24/01/2025 07:08
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Thị trường 23/01/2025 15:59
Giá xăng dầu hôm nay (23/1): Giá dầu thế giới tiếp tục giảm, trong nước chiều nay dự báo tăng
Thị trường 23/01/2025 09:18
Tỷ giá USD hôm nay (23/1): Đồng USD có dấu hiệu phục hồi
Thị trường 23/01/2025 07:41
Giá xăng ngày 23/1 có thể giảm gần 200 đồng/lít
Thị trường 22/01/2025 14:04
Giá xăng dầu hôm nay (22/1): Giá dầu thế giới giảm mạnh
Thị trường 22/01/2025 07:34
Tỷ giá USD hôm nay (22/1): Đồng USD thế giới lao dốc
Thị trường 22/01/2025 06:26
Tỷ giá USD hôm nay (21/1): Đồng USD trong nước và thế giới đồng loạt giảm
Thị trường 21/01/2025 10:02
Giá dầu thế giới ngày 21/1: Tiếp tục giảm sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức
Thị trường 21/01/2025 07:31
Dự báo giá vàng: Chịu tác động từ việc ông Donald Trump nhậm chức?
Thị trường 20/01/2025 10:15