-->
Để biến dòng sông ô nhiễm thành “sông xanh”, “sông lụa” một cách bền vững, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải, nước thải; thường xuyên tổ chức các hoạt động vớt rác và nạo vét lòng sông; huy động cộng đồng chung sức ủng hộ… là những giải pháp cần thiết và đồng bộ để cứu sông Tô Lịch giai đoạn này. Nhìn ở tương lai xa hơn, giới nghiên cứu cho rằng hoàn toàn có thể lạc quan vào sự hồi sinh của sông Tô Lịch khi nơi đây trở thành một tuyến du lịch văn hóa. |
Ở câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch, các nhà nghiên cứu cho rằng cần thống nhất phương án làm lâu dài và cần làm đồng bộ theo từng bước. Chẳng hạn, đầu tiên cần gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch. Từ nguồn này, sau khi đảm bảo về chất lượng mới thải ra sông. Tiếp đến là dùng công nghệ xử lý bùn lắng lòng sông, thứ nữa là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả rác, chất thải chưa qua xử lý ra sông… |
Cụ thể hóa hơn câu chuyện này, ông Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chia sẻ, ngoài thu gom nước thải để có thể đưa về nhà máy xử lý tập trung thì trước mắt cần phải thu gom được các điểm xả phân tán. Theo ông Hạ, hiện nay tuyến sông có khoảng 456 điểm xả phân tán, với ước tính khoảng 8.000 đến 12.000m3 nước thải, chiếm khoảng 8-10%, đây là lượng nước thải khó thu gom vào hệ thống. Sông thì phải có dòng chảy và theo ông Hạ, dòng chảy muốn có nước sạch thì có thể bổ cập bằng nước sông Hồng kết hợp nước thải sau xử lý. Hình thức này có nhiều ý nghĩa, thứ nhất là tạo dòng chảy nước sạch cho sông Tô Lịch, ngoài ra còn góp phần phục vụ nước tưới tiêu cho hạ du... Thậm chí, hoàn toàn có thể nghĩ đến câu chuyện như nước sông Tô Lịch sau khi sạch và đảm bảo có thể cấp cho các hồ như Linh Đàm, Định Công… Cuối cùng, khi đã thu gom được nước thải thì cần xử lý lượng bùn tồn đọng dưới đáy sông. |
Cần có giải pháp xử lý bùn nhưng giữ lại hệ sinh thái, các mầm vi sinh của dòng sông. Đặc biệt, khi đã làm sạch sông Tô Lịch rồi cần kết hợp kè bờ để bảo đảm hệ sinh thái, những chỗ nào có điều kiện đất đai thuận lợi phù hợp đưa về trạng thái sông tự nhiên, những vị trí khó thì tiến hành kè bờ như hiện nay… Khi đồng bộ được những giải pháp trên sẽ trực tiếp tăng cường quá trình tự làm sạch, tự chuyển hoá các chất ô nhiễm của dòng sông. |
Thực tế cho thấy, để giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên sông, đặc biệt là khai thác hiệu quả không gian cảnh quan dòng sông Tô Lịch luôn được chính quyền Thành phố coi trọng. Dễ thấy, hiện hai bên bờ sông Tô Lịch đã được xây kè kiên cố. Việc nạo nét cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Hệ thống thực vật như Phượng Vỹ và Bằng Lăng cũng được trồng dày hai bên bờ để làm dịu bớt vẻ chật hẹp và ô nhiễm của dòng sông. Bờ kè bên phía Đường Láng cũng được Thành phố cải tạo thành nơi đi bộ, của người dân... Những hoạt động trên là đáng ghi nhận và được nhân dân đánh giá cao. |
Ở câu chuyện cải tạo sông Tô Lịch thời điểm hiện tại, ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị bên cạnh công tác duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước ở lòng sông để giảm thải lượng bùn lắng đọng thì tiếp tục xây dựng các trạm xử lý rác thải cục bộ để giảm tải cho hai bên bờ sông Nhuệ và sông Đáy như: Trạm xử lý nước thải Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) công suất 500 m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) công suất 8.000 m3/ngày đêm...; ngoài ra Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị thu gom toàn bộ rác thải trong ngày toàn bộ tuyến 2 bên bờ các sông. |
Đáng chú ý, ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 9 m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho hai con sông. Về lâu dài, việc xử lý rác thải tại các con sông cần sự đồng hành của nhân dân và sự tham gia của toàn xã hội. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng khẳng định, ở các tuyến sông trên, Thành phố sẽ hướng tới việc cố gắng thu gom và tách nước thải sinh hoạt để tương lai các dòng sông chỉ còn nước mặt, trả lại cảnh quan cho các dòng sông. Thành phố cũng đã chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ lượng nước thải từ việc kiểm soát các chế phẩm từ các hộ dân, khuyến cáo người dân sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường... |
Khi xưa, sông Tô Lịch được xem là long mạch của thành Thăng Long. Nó chứa đầy ắp những sự tích và di tích lịch sử văn hóa. Chẳng khó để thấy, khi con sông này lấy nước từ sông Thiên Phù (chi lưu của sông Hồng) rồi chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy xuống phía nam, qua huyện Thanh Trì, một nhánh chảy qua các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Thụy Khuê, qua phố Quán Thánh, Hàng Lược, ngoặt lại qua chợ Đồng Xuân xuống Ngõ Gạch chạy ra Hàng Buồm, nối với sông Hồng gọi là Giang Khẩu (sau kiêng húy chúa Trịnh Giang đổi thành Hà Khẩu). |
Quanh dòng sông này, đời sống vật chất và tinh thần của người dân diễn ra hết sức phong phú. Nhờ sự vun bồi của dòng sông, dân cư ven Sông Tô cũng sống sung túc hơn từ các nghề thủ công nổi tiếng. Chẳng hạn, Tô Lịch là nơi cung cấp nguồn nước cho các làng Hồ Khẩu và Yên Thái làm giấy. Các làng Trích Sài thì trở nên nổi tiếng về nghề dệt Thổ cẩm. Ngoài ra, nhiều làng xã nằm ven sông còn có các nghề nổi tiếng như kim hoàn ở Định Công, nghề làm quạt và kẹo bột bỏng gạo ở Kim Lũ… |
Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, để sông Tô Lịch có thêm những giá trị, không còn hoang phí hoặc chỉ mặc định là nơi thoát nước thải thì trước tiên cần trả lại cho sông Tô cái sự trong ngần như câu thơ: Sông Tô nước chảy trong ngần/ Có con buồm trắng chạy gần chạy xa. “Đây không phải buồm nâu mà là buồm trắng tinh khôi mà lại còn chạy trên nước sông nước trời trong ngần…” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh. |
Tương lai nào cho sông Tô Lịch? Đây là phạm trù mở và khó đoán định. Đã có ý kiến đề xuất, nên chăng việc cải tạo dòng Tô Lịch được xem xét và học hỏi từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở thành phố Hồ Chí Minh. Bởi cách đây vài chục năm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè được mệnh danh là "dòng kênh thối nhất Sài Gòn". Do yếu tố lịch sử mà hệ thống cống thoát nước của lưu vực kênh nhận cả nước thải sinh hoạt và nước mưa. Nước kênh bị ô nhiễm, hôi thối và có màu đen đặc. Mọi sự chuyển biến từ năm 2003, khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án Vệ sinh môi trường Thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, áp dụng biện pháp xây dựng hệ thống cống bao đường kính 2.500mm - 3.000mm dọc bờ kênh, sau đó thu toàn bộ nước thải và nước mưa về đây, dẫn về các giếng tách dòng. Trong mùa khô, tất cả nước thải sẽ được dẫn thẳng về trạm bơm rồi từ đây bơm về các nhà máy xử lý nước thải. Tại nhà máy xử lý, nước thải sẽ được lắng lọc, cho ra loại nước đạt tiêu chuẩn (có thể dùng trong sinh hoạt) rồi đổ lại ra kênh. Ít năm trở lại đây, khi dòng kênh trở lên trong xanh, người dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động như đua thuyền, các hoạt động dưới nước vào cuối tuần… |
Từ góc nhìn thành công của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ trăn trở và đưa ra câu hỏi mở cho Hà Nội: “Tại sao thành phố Hồ Chí Minh cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tốt như vậy, rồi làm tiếp 2 con đường tạo cảnh quan...? Đây là ưu việt của thành phố Hồ Chí Minh. Vậy Hà Nội có làm được như thế và cần phải làm như thế không?". Hết |
Nội dung: Đinh Luyện |