Bài 2: Cần có những giải pháp căn cơ
Hà Tĩnh: Mưa lớn gây sạt lở núi, ách tắc giao thông trên Quốc lộ 8A Kỳ 1: Khi sạt lở nguy cơ ngày càng tăng |
Nơm nớp nỗi lo sạt lở bờ sông
Theo ghi nhận báo Lao động Thủ đô, tại huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu rất nghiêm trọng.
Cụ thể, bờ sông Ngàn Sâu đang diễn ra sạt lở tại xã Đức Liên (sạt lở nghiêm trọng khoảng 100m sát đường sắt Bắc Nam tại thôn Liên Hòa). Tại xã Đức Giang (sạt lở nghiêm trọng đoạn qua thôn 2 Văn Giang - Đức Giang dài khoảng 500m ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến giao thông ngõ xóm và nhà ở, công trình phụ và đất vườn của 8 hộ dân).
Bờ Hữu sông Ngàn Sâu chảy qua các xã Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang... huyện Vũ Quang đang sạt lỡ nghiêm trọng |
Là hộ chịu ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng bên sông Ngàn Sâu, ông Trần Đình Tứ (ở xóm 2 Văn Giang, xã Đức Giang) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, tình trạng sông ăn lấn vào nhà dân bắt đầu từ năm 2010 cho đến nay, cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua là dòng sông mở rộng thêm, diện tích đất nhà dân ngày càng bị thu hẹp.
Tôi còn nhớ, khoảng năm 2013 có đợt lũ lớn, khi cả gia đình đang trú trong nhà bỗng nhiên nghe tiếng rầm, liền chạy ra xem thấy cây sung cổ thụ sập xuống rồi cuốn theo dòng nước, vực lở ngày càng khoét sâu vào tận sân nhà ông Phạm Sơn (nhà cạnh bên). Nay, mùa mưa lại cận kề, người dân chúng tôi tiếp tục sống thấp thỏm khi con nước lên và chính quyền chưa có phê duyệt làm kè chống sạt lở đoạn này", ông Tứ kể lại.
Ông Nguyễn Minh Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đức Giang, cho biết: "Tại địa phương đang có điểm sạt lở nghiêm trọng tại thôn 2 Văn Giang. Sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Vũ Quang và đã có nhiều đoàn về khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để xây bờ kè. Để đảm bảo an toàn cho người dân, cứ đến mùa mưa lũ là chúng tôi thông báo trước và cử người túc trực khi có tình trạng sạt lở là phải di dời người dân đến nơi an toàn".
Xét thấy sự nguy hiểm của dòng chảy, chính quyền xã Đức Giang qua các thời kỳ đã huy động người dân trồng tre, tạo ra những thành lũy che chắn bao bọc. Thế nhưng những bụi tre cổ thụ giờ đây cũng bị nước lũ đánh bật. Hiện tại nước sông Ngàn Sâu đang tiếp tục xâm hại đến hàng chục héc ta đất nông nghiệp, đất vườn, đất ở của người dân, nhiều tuyến đường dân sinh cũng bị sạt lở cuốn trôi.
Sạt lở bờ sông Ngàn Sâu ăn tận vào nhà ông Phạm Sơn thôn 2 Văn Giang, xã Đức Giang |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, cho biết: "Những năm gần đây tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng gia tăng, tỷ lệ sạt lở sông và đồi núi khiến người dân lo lắng. Hiện, chúng tôi đã khảo sát những điểm sạt lở nghiêm trọng vào báo cáo để xin nguồn vốn xây dựng bờ kè chống sạt lở, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên địa phương mới làm được một số công trình ở những điểm xung yếu. Đồng thời, trên địa bàn hiện đang có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, ngoài điểm tại xã Đức Giang và xã Đức Liên ra còn có điểm sạt lở gần chân mố cầu Chợ Quánh thuộc xã Quang Thọ"...
Có thể nói, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, thế nhưng giải pháp khắc phục thì vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhất định.
Làng Soi trước nguy cơ "biến mất"
Làng Soi thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, vốn là một bãi đất nhô lên, chia dòng sông La chia làm 2 nhánh rồi hợp lại về phía cuối bãi. Đầu nguồn bãi Soi là bến Tam Soa, nơi gặp nhau của 2 dòng sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu. Từ khi nạn khai thác trái phép cát hoành hành đã làm cho người dân làng Soi luôn phải sống trong bất an vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Làng Soi có diện tích khoảng 40ha và có khoảng 90 hộ dân sinh sống từ bao đời nay, cuộc sống của người dân vốn đang bình yên. Nhưng gần đây dấy lên tình trạng khai thác cát trái phép đã làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Theo ông Nguyễn Đình Trường (cư dân ở làng Soi), tình trạng sạt lở nơi đây có nhiều nguyên nhân khiến diện tích đất bị mất dần như mưa lũ. Những nguyên nhân chính đó là do nạn khai thác cát ngày đêm trên dòng sông. Đến thời điểm này làng Soi đã bị mất hơn 10ha đất. "Tình trạng sạt lở ngày một trầm trọng và trong nay mai cái làng Soi này chắc sẽ biến mất, nếu không có các giải pháp hiệu quả", ông Trường nhấn mạnh.
Làng Soi trước nguy cơ xóa sổ, do sạt lở ngày càng ăn lấn vào đất nông nghiệp và vườn nhà dân |
Tuy rằng cách biệt, đi lại hết sức khó khăn nhưng đây là vùng đất khá trù phú, đất đai màu mỡ nên đã có biết bao thế hệ người dân bám trụ sinh sống. Những năm gần đây ngôi làng này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, bởi mỗi năm có hàng trăm m2 đất lại bị sông cuốn trôi, nên nhiều gia đình đã tìm cách di dời đến chỗ khác sinh sống.
Theo tìm hiểu, từ năm 2001-2003, UBND xã Tùng Ảnh đã có chính sách hỗ trợ cấp đất có thu phí cho các hộ dân sinh sống tại làng Soi có nguyện vọng. Hiện đa số các hộ dân đã có chỗ ở mới, nhưng vì chỗ mới không có đất canh tác nên họ vẫn chèo thuyền sang đây trồng hoa màu.
Liên quan đến tình hình sạt lở, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, cho biết: “Có tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương diễn ra nhiều năm nay, nhưng để giải quyết tình trạng khai thác cát là rất khó, vì họ chủ yếu hoạt động vào ban đêm và có người canh gác. Các tàu hút cát này đều không có biển số, không đăng kiểm nên rất khó quản lý, xử phạt.
Còn về sạt lở tại làng Soi nó có nhiều nguyên nhân, ngoài việc hút cát gây nên sạt lở thì mùa mưa lũ cũng tác động ít nhiều. Khi nguồn nước dồn từ các nhánh sông khác đổ về đây như một biển nước cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng, để hạn chế tình trạng sạt lở này thì phải ngăn chặn được nạn khai thác cát trái phép", ông Dũng thông tin thêm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, cho hay: "Bắt đầu vào mùa mưa, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của huyện đã thành lập đoàn, tổ chức kiểm tra tại các địa phương. Hiện nay, các xã đã kiện toàn lại các Ban Chỉ huy PCTT-TKCN theo quy định, đồng thời tổ chức ký hợp đồng về vật tư, phương tiện để phục vụ cho công tác “4 tại chỗ” từ hộ gia đình đến thôn, xã một cách cụ thể, sát thực.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN nắm chắc các điểm xung yếu, vùng trọng điểm, trước mắt, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; củng cố, nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành phòng chống lũ quét, sạt lở đất và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả”.
Biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến khó lường, với một địa phương địa hình phức tạp như Hà Tĩnh, nên chăng chính quyền tỉnh phải phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các viện nghiên cứu, các chuyên gia về thủy lợi để tìm những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục và chống lại tình trạng sạt lở cửa sông, cửa biển như hiện tại.
Theo ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, trong những năm gần đây, do biến đổi của khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường và phức tạp, ngày càng xuất hiện nhiều hình thế thời tiết cực đoan, lượng mưa phân bố không đều, gia tăng lượng mưa lớn bất thường vào mùa mưa lũ đã tạo ra dòng chảy lớn, nguy cơ sạt lở cao. Về nguyên tắc cơ bản nhất của phòng chống thiên tai là phòng ngừa chủ động, cần quy hoạch các khu dân cư, các công trình xây dựng hạn chế bố trí ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần bám sát các thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai để phòng ngừa ngắn hạn. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn những khu vực nào xung yếu nhất để xây dựng trước. Về an toàn hồ đập, cần có vốn đầu tư rất lớn, nếu không có làm mới thì phải thường xuyên có kinh phí duy tu bảo dưỡng để hạn chế rủi ro. Năm nay dự báo thời tiết khá phức tạp, mưa lũ có thể xảy ra sớm, vào tháng 10 tháng 11, không khí lạnh rất dễ kết hợp với các hình thế khác gây ra các trận mưa lớn bất thường. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54