Quận Hoàn Kiếm đề xuất 10 khu phát triển thương mại và văn hóa Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều chính sách ưu đãi |
Khai thác giá trị di sản ngàn năm làng gốm Bát Tràng
Tại Hội thảo "Các giải pháp để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội" do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, nghệ nhân Hà Thị Vinh cho biết, Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có quá trình gắn bó lâu dài với Thăng Long - Hà Nội.
Qua thời gian, cộng đồng làng Bát Tràng với 23 dòng họ đã hình thành nên bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa quý báu. Làng gốm Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội và là thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Bát Tràng còn được biết đến là vùng địa linh với hệ thống di sản văn hóa phong phú, bao gồm 4 di tích lịch sử văn hóa có giá trị như Đình Bát Tràng, Đền Mẫu, Chùa Kim Trúc, Văn Chỉ Bát Tràng. Nơi đây cũng là điểm di tích cách mạng kháng chiến, nơi Nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên Bài hát "Tiến quân ca" - Quốc ca. Khu làng cổ rộng 5,2ha với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ.
![]() |
Bảo tàng gốm Bát Tràng, một điạ điểm nổi tiếng khi đến thăm Làng gốm Bát Tràng. |
Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho biết, trong những năm gần đây, Bát Tràng đã được công nhận là Điểm du lịch của thành phố Hà Nội (2019), Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (2022). Năm 2024, "Lễ hội truyền thống Hội làng Bát Tràng" được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, và Bát Tràng trở thành một trong hai làng nghề đầu tiên của Việt Nam là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Từ mong muốn giúp làng gốm Bát Tràng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người già trong làng cổ, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt phối hợp với Ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng đã xây dựng Đề án thiết lập mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh nhấn mạnh, đề án này được xây dựng trên nguyên tắc "người dân là chủ sở hữu, là chủ thể vận hành và người dân tự hưởng lợi", nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó làng nghề được xác định là một trong năm trụ cột trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Mô hình này hướng đến thiết lập vùng bảo vệ di sản văn hoá, giữ vững cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường của Làng cổ Bát Tràng; tôn tạo và phát huy không gian văn hoá đặc thù; tu bổ các địa điểm lịch sử - văn hoá; bảo tồn các công trình kiến trúc cộng đồng và dân dụng truyền thống; duy trì và chuyển giao biểu đạt văn hoá và thực hành văn hoá, lấy nghề gốm Bát Tràng làm trọng tâm.
Mô hình phát triển bền vững và đề xuất cơ chế đặc thù
Theo nghệ nhân Hà Thị Vinh, mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng tập trung vào hai khu vực chính: Vùng lõi (Làng cổ Bát Tràng) và Vùng phụ cận.
Tại Vùng lõi, các hoạt động chính bao gồm nghiên cứu, trưng bày, bảo vệ và phát huy các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên; xây dựng chương trình du lịch giới thiệu về lịch sử và quy trình sản xuất nghề gốm, lịch sử truyền thống gia đình, dòng họ, ẩm thực truyền thống; và chỉnh trang cảnh quan làng cổ để gìn giữ những nét đẹp của làng quê Bắc Bộ.
![]() |
Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tinh xảo, bắt mắt. |
Đối với Vùng phụ cận, các hoạt động nhằm bổ trợ cho Vùng lõi, hạn chế những tác động tiêu cực đến cảnh quan và lối sống truyền thống. Các hoạt động dự kiến bao gồm xây dựng tuyến du lịch ven sông với "Cổng làng", "Con đường lửa" (công trình mỹ thuật bằng gốm), khu cảng sông và các nhà dân; tổ chức các hoạt động triển lãm, giao lưu giữa các nghệ nhân; hình thành không gian công cộng, trưng bày và thực hành di sản; cung cấp dịch vụ lưu trú cho du khách; và xây dựng Trung tâm Thiết kế Đổi mới Sáng tạo.
Bà Vinh cho biết, dự án đặc biệt nhấn mạnh việc chỉnh trang và tổ chức lại không gian Chợ Gốm và các cơ sở mua sắm theo hướng quy củ, tạo không gian thoáng để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và an toàn cho du khách. Vùng phụ cận cũng sẽ bố trí các điểm tiếp đón du khách, bán vé, điểm chụp ảnh, bãi đỗ xe và các tiện ích khác.
Theo đánh giá của nghệ nhân Hà Thị Vinh, mô hình này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực: Giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; gia tăng giá trị các di sản văn hóa với tư cách là tiềm năng kinh tế; gắn kết bảo vệ di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa; cải thiện sinh kế của 350 hộ dân và 1.100 nhân khẩu; tăng cường giá trị truyền thống cộng đồng; hình thành cơ chế hợp tác công tư trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa.
Để thực hiện được mô hình này, nghệ nhân Hà Thị Vinh đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất quan trọng về cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư và chính sách ưu đãi.
Về cơ chế chính sách, bà Vinh đề xuất cho phép khai thác không gian cảng sông du lịch; tạo điều kiện để đơn vị quản lý vận hành được phối hợp quản lý khai thác cảng du lịch; cho phép các nhà dân trên tuyến phố ven sông được xây cao đến 5 tầng; cho phép mở rộng mốc giới từ cột thuỷ văn ra mép bờ sông Hồng để có thêm không gian phát triển.
Về quy hoạch và đầu tư, nghệ nhân đề xuất quy hoạch và xây dựng các bãi đỗ xe; đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại xã Bát Tràng; nâng cấp tuyến đường nối từ cầu Chương Dương về đến làng Bát Tràng; phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện cơ giới trong khu vực làng cổ; hỗ trợ tuyến xe bus du lịch hai tầng có trợ giá từ trung tâm Hà Nội.
Về chính sách ưu đãi, bà Vinh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế trong 8 năm đầu, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo. Đây được xem là những "bệ đỡ, cú hích" quan trọng khích lệ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia vào mô hình, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa và thúc đẩy các hoạt động thương mại.
Nếu thành công Khu phát triển thương mại và văn hoá Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng không chỉ là một dự án nhằm bảo tồn di sản văn hóa, mà còn là mô hình phát triển bền vững kết hợp văn hóa truyền thống với kinh tế hiện đại, từ đó tạo sinh kế cho cộng đồng và đưa Bát Tràng trở thành điểm đến văn hóa - du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/phat-trien-khu-thuong-mai-van-hoa-nhin-tu-bao-tang-sinh-thai-lang-co-bat-trang-188774.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này