Lấy ý kiến về Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách bảo đảm công khai, minh bạch |
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các địa phương hướng dẫn nguyên tắc xử lý tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, yêu cầu quan trọng là phải hoàn thành quyết toán ngân sách năm 2024 trước khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc tiến hành bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nguồn tài chính, ngân sách nhà nước. Từng cơ quan, đơn vị (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước…) phải kiểm kê các nguồn tài chính, lập đầy đủ hồ sơ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán chưa thực hiện, chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, chứng từ liên quan đến thời điểm được cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp.
Khi thực hiện bàn giao nguồn tài chính, ngân sách nhà nước, các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bàn giao, kể cả các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có) và các kết luận thanh tra, kiểm toán chưa thực hiện. Bộ Tài chính yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thất thoát tài chính, ngân sách.
Về công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính yêu cầu hoàn thành theo đúng thời hạn: Cấp xã trước ngày 30/4/2025, cấp huyện trước ngày 31/5/2025, cấp tỉnh trước ngày 30/6/2025. Toàn bộ quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2024 phải được HĐND tỉnh phê chuẩn và gửi về Bộ Tài chính (đồng thời gửi Kiểm toán Nhà nước) trước ngày 15/7/2025 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền.
Bộ Tài chính cũng lưu ý dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2025 của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp phải đảm bảo khớp đúng về tổng mức, lĩnh vực thu, chi đã được cấp có thẩm quyền giao từ trước khi sắp xếp. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện bàn giao, tiếp nhận dự toán giữa các đơn vị hành chính.
Theo đó, trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy, UBND cấp tỉnh phải rà soát toàn bộ dự toán thu, chi ngân sách cấp mình, bao gồm phần đã được giao và phần dự kiến thực hiện đến thời điểm sắp xếp. Các số liệu được tổng hợp từ cấp xã, cấp huyện lên cấp tỉnh.
Sau khi sắp xếp, Sở Tài chính tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Trong đó, việc phân chia nguồn thu giữa ngân sách cấp tỉnh và cấp xã sau sắp xếp cần giữ ổn định, bảo đảm nguồn thu cho xã như trước. Nhiệm vụ chi của cấp huyện trước sắp xếp được chuyển về cấp tỉnh thực hiện. Nếu xã sau sắp xếp đủ khả năng thực hiện một số nhiệm vụ của huyện trước đó thì HĐND tỉnh căn cứ thực tế để quyết định.
Các chế độ, chính sách địa phương ban hành trước đó tiếp tục được duy trì ổn định về đối tượng, mức chi và địa bàn. Các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp sẽ phân bổ, quản lý và quyết toán kinh phí theo đúng quy định.
Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, chính quyền địa phương trước khi sắp xếp có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các nguồn tài chính, kể cả các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có), để bàn giao nguyên trạng cho đơn vị mới sau khi sắp xếp.
Diên Vĩ
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/quan-chat-ngan-sach-khi-ban-giao-188348.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này