Bất cập trong công tác tự chủ tài chính tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh:

Bài 3: Vì sao lãnh đạo “né” báo chí

15:47 | 30/09/2020
Trước những bức xúc của cán bộ, viên chức Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (Học viện), Bệnh viện Tuệ Tĩnh về các quyết định sai trái và những “lùm xùm” trong việc đề xuất sử dụng quỹ phúc lợi xã hội, để chi thu nhập tăng thêm cho một đơn vị tự chủ tài chính khác từ lãnh đạo Học viện…để có thông tin phúc đáp lại người lao động, phóng viên đã đặt lịch làm việc tuy nhiên vị lãnh đạo Học viện này lại tìm mọi cách “né” trả lời báo chí.
Bài 2: Đề xuất “cầu cứu” chi phúc lợi Bài 1: “Nóng vội” xin tự chủ?

Như bài viết trước đã đề cập, trong khi nội dung tại hai điều 35 và điều 36 trong Dự thảo bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2020 của Học viên chưa được ban lãnh đạo Học viện giải thích rõ cho cán bộ, viên chức tại Học viện, thì mới đây, cán bộ, viên chức tại Học viên lại bức xúc hơn khi nhận được công văn trả lời của Bộ Y tế phúc đáp lại đề xuất của Học viện về việc, Học viện xin ý kiến chỉ đạo về chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho các đơn vị trực thuộc từ nguồn sau chênh lệch thu chi của đơn vị.

Bài 3: Vì sao lãnh đạo “né” báo chí
Nhiều "lùm xùm" xung quanh vấn đề tự chủ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Trước công văn phúc đáp từ Bộ Y tế cán bộ, viên chức Học viện cho rằng, họ sẵn sàng chia sẻ với cán bộ, viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng đó là chia sẻ theo cách khác như: Hỗ trợ 1 tháng tiền lương, hỗ trợ ngày lao động, còn việc chi thu nhập tăng thêm từ quỹ phúc lợi xã hội của Học viện thì họ không đồng ý... Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện đã tự quyết khi gửi văn bản đề xuất mà chưa có sự đồng thuận của cán bộ, viên chức và tổ chức Công đoàn cơ quan. Thậm chí, nhiều người cho rằng, hành động của Giám đốc Học viện khi đề xuất lên Bộ Y tế về việc sử dụng quỹ phúc lợi xã hội của Học viện, chi thu nhập tăng thêm cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh là việc làm trái luật, bởi thực tế đây là hai đơn vị độc lập song song về tài chính.

Ngoài ra cán bộ, viên chức Học viện cho rằng, đề xuất trên của lãnh đạo Học viện là nhằm mục đích “hợp thức hóa” việc chi sai ngân sách của Học viện từ trước đến nay. Cụ thể, đó là việc Học viện đã cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh vay tiền từ ngân sách để chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức Bệnh viện.

Để làm rõ những phản ánh của cán bộ, viên chức Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh về vấn đề tự chủ, cũng như các quyết định được cho là trái luật từ lãnh đạo Học viện… chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và cũng là Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tuy nhiên, gần 1 tháng trôi qua chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời “anh sắp về hưu”, còn các thông tin báo chí đề cập thì vị Giám đốc này viện đủ lý do không trả lời, đồng thời đẩy việc tiếp báo chí cho một cán bộ phụ trách thông tin của Học viện.

Liên quan đến những “lùm xùm” tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Bộ Y tế và được đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, đối với Đề án tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thì về nguyên tắc, nếu đơn vị tự đề xuất thì Bộ Y tế sẽ ủng hộ. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện ngân sách 3 năm liền kề từ (2016 -2018) của đơn vị và thấy có sự chênh lệch thu chi; trên cơ sở đó, Bộ Y tế rà soát lại số liệu, cộng với Đề án của đơn vị, Bộ sẽ gửi công văn kèm theo hồ sơ liên quan sang Bộ Tài chính xin ý kiến thống nhất. Trên cơ sở công văn thống nhất từ Bộ Tài chính, Bộ Y tế mới giao cho đơn vị thực hiện tự chủ.

Liên quan đến việc chi sử dụng quỹ phúc lợi xã hội đối với hai đơn vị độc lập về tài chính, cụ thể là việc Học viện đề xuất sử dụng quỹ phúc lợi xã hội chi hỗ trợ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh – đơn vị đã được giao tự chủ, theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, thì hiện tại không có nghị định hay quy định cụ thể nào về vấn đề này. Còn về việc sử dụng quỹ phúc lợi xã hội của Học viện, chi chia sẻ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh về chủ trương Bộ ủng hộ, tuy nhiên, đề xuất này phải được thông qua tại Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động.

“Đơn vị đề xuất thì Bộ Y tế phải có văn bản trả lời, dưới góc độ quản lý thì Bộ Y tế rất ủng hộ với chủ trương chia sẻ của Học viện và mong muốn Bệnh viện Tuệ Tĩnh ổn định, đảm bảo chuyên môn hoạt động. Hiện tại, sau khi Bệnh viện có văn bản đề nghị Bộ Y tế xin chuyển đổi lại loại hình hoạt động, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sang Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa đồng ý và cho biết, trước mắt vẫn thực hiện theo Quyết định mà Bộ Y tế đã giao về tự chủ, tự bảo đảm kinh tế hoạt động thường xuyên cho đơn vị”, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cho hay.

Từ những “lùm xùm” tại Học viện và Bệnh viện Tuệ Tĩnh thời gian qua cho thấy, việc triển khai các kế hoạch của lãnh đạo Học viện cho thấy sự yếu kém, cứng nhắc trong lãnh đạo. Đặc biệt, đó là sự yếu kém trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Học viện và Bệnh viện đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị và cụ thể chính là việc có 15/16 tổ Công đoàn của Học viện không đồng thuận về việc chi sử dụng quỹ phúc lợi xã hội hay vấn đề tự chủ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh...

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để vấn đề trên, cũng như để cán bộ, viên chức, người lao động tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh yên tâm công tác, cống hiến, rất cần sự vào cuộc thanh tra, kiểm tra từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế…

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này!

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này