Xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội: Vì sao tiểu thương chưa muốn bỏ chợ tạm?
Quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm Quyết liệt giải tỏa chợ cóc, chợ tạm |
“Lý lẽ” của tiểu thương
Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) gồm có 3 thôn là: Thôn Đoài, Thượng Thôn và thôn Quý. Theo người dân tại đây, từ nhiều năm nay, vào các buổi chiều tại khu vực cổng làng thôn Đoài tiếp giáp với đê sông Hồng, đã trở thành địa điểm buôn bán, kinh doanh các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân địa phương. Tuy nhiên, năm 2022, người dân nhận được thông báo của UBND xã Liên Hà về việc giải tỏa, lấy đất chợ thôn Đoài để làm vườn hoa.
![]() |
Khu vực chợ chiều thôn Đoài. |
Phản ánh đến Báo Lao động Thủ đô, bà Nguyễn Thị Thu (65 tuổi), tiểu thương buôn bán tại chợ thôn Đoài cho biết, chợ thôn Đoài trước đây có tên gọi là chợ Cầu. Chợ có diện tích khoảng 1.300m2 và được hình thành từ rất lâu. Hiện tại, chợ được họp tại khu vực đất công do UBND xã Liên Hà quản lý, trong đó có khoảng 10 gian ki-ốt được xã cho thuê để kinh doanh, buôn bán.
“Trước năm 1987, các hộ gia đình bán hàng tại chợ đã dựng lều bán hàng bằng tre nứa, lá cọ. Cạnh khu chợ, mặt đường trục chính của làng còn là khu đất trũng hoang hóa, có nhiều vũng, ao được một số gia đình đổ đất tôn tạo mặt bằng; xây dựng nhà cấp 4 vừa ở, vừa bán hàng ổn định cho đến nay. Năm 1988, UBND xã đầu tư xây dựng cầu chợ cho nhân dân bán hàng và hiện cầu chợ vẫn còn tồn tại”, nội dung đơn thư bà Thu trình bày.
Đang kinh doanh ổn định, đầu năm 2022, các tiểu thương buôn bán tại chợ thôn Đoài nhận được thông báo của UBND xã Liên Hà về việc di dời, xóa bỏ chợ lấy đất xây vườn hoa. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, điều khiến họ lo lắng là việc chính quyền địa phương không có kế hoạch bố trí nơi họp chợ mới cho các tiểu thương, điều này dẫn đến việc nhiều người dân mất việc làm, việc trao đổi, buôn bán của người dân địa phương bị ảnh hưởng.
Phản ánh về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiềng, tiểu thương đang kinh doanh tại chợ thôn Đoài cho biết: “Chúng tôi không thấy bố trí khu vực họp chợ mới ở đâu nên đến xã để hỏi thì được biết là chợ sẽ chuyển sang chợ mới ở thôn Thượng Thôn. Thế nhưng, cuối năm 2022 chợ Thượng Thôn làm xong, diện tích chỉ khoảng 1.600m2, không đủ chỗ cho người dân thôn Thượng Thôn buôn bán, nhiều tiểu thương phải bày bán hàng hóa ra đường. Dó đó, nếu dồn tiểu thương ở chợ thôn Đoài lên chợ Thượng Thôn thì sẽ không đủ chỗ. Vì thế, việc xã lấy đất chợ thôn Đoài để làm vườn hoa mà không bố trí nơi họp chợ mới cho dân là rất vô lý”.
Khẳng định của chính quyền
Làm việc với chúng tôi về nội dung phản ánh của người dân và một số tiểu thương tại chợ chiều thôn Đoài, ông Đinh Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, khu vực chợ thôn Đoài hiện nay thực chất không phải là chợ. Trước đây, người dân thường họp chợ tại khu vực bên ngoài đê, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông. Sau khi chính quyền chấn chỉnh, người dân đã di chuyển vào bên trong cổng làng, trước các khu vực ki-ốt để kinh doanh, buôn bán và lấn chiếm lòng đường, từ đó tạo ra chợ cóc, chợ tạm.
Theo ông Thành, một số ki-ốt (hai bên đường cổng làng Liên Hà) thuộc đất của xã, trước đây cho người dân thuê kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Thành phố và của huyện Đan Phượng; từ cuối năm 2021, UBND xã Liên Hà đã chấm dứt hợp đồng cho thuê ki-ốt đối với gần 10 hộ tại khu vực hai bên đường cổng xã Liên Hà. Vấn đề này xã đã gửi thông báo đến các tiểu thương và nhân dân. Trong khi đó, khu vực chợ cóc này lại gần đình làng và có diện tích khoảng 1.300m2, không đủ diện tích để cải tạo, đầu tư xây dựng chợ theo chủ trương của Thành phố. Vì vậy, để bảo vệ di tích cũng như tạo cảnh quan, không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân trong thôn, huyện đã có Quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng vườn hoa tại đây. Về chủ trương này xã đã làm việc với các tiểu thương và người dân để trao đổi cụ thể.
“Việc triển khai dự án xây dựng vườn hoa tại vị trí thôn Đoài xã đã tổ chức họp và lấy ý kiến; theo đó, người dân cơ bản đều đồng thuận với chủ trương của huyện và xã, chỉ một vài trường hợp có ý kiến khác. Cùng đó, để giải quyết vấn đề kinh doanh, buôn bán cho các tiểu thương chợ chiều thôn Đoài, trước đó xã đã cải tạo chợ tạm ở thôn Thượng Thôn với diện tích 1.600m2. Các tiểu thương có nhu cầu kinh doanh buôn bán thì vào đó…”, ông Thành cho hay.
Trước ý kiến của một số tiểu thương và người dân trong việc không đồng thuận di dời, chuyển đổi chợ thành vườn hoa, ông Đinh Hữu Thành cho biết, xã đã ghi nhận ý kiến và báo cáo lên huyện. Về chủ trương, hiện xã vẫn tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán; đồng thời, mong muốn huyện và Thành phố đầu tư xây dựng chợ đạt quy mô và tiêu chuẩn cho người dân xã Liên Hà. Cũng theo ông Thành, hiện vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, do đó, trong năm 2024 dự án cải tạo chợ thành vườn hoa tại xã Liên Hà tạm thời chưa thể triển khai.
Cũng liên quan đến phản ánh của người dân thôn Đoài xã Liên Hà, trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Viết Đạt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, hiện xã Liên Hà không có chợ. Điểm người dân họp chợ tại thôn Đoài chỉ là chợ cóc và có một số ki-ốt bán hàng mà người dân trước đây thuê lại của xã. Số còn lại chủ yếu kinh doanh dưới lòng đường. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân, chính quyền đã bố trí xây dựng 2 chợ tạm tại thôn Thượng Thôn và chợ Dày (phục vụ nhu cầu người dân 2 xã Liên Trung và Liên Hà)...
Mặc dù đã triển khai 2 chợ tạm, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực chợ tạm thôn Thượng Thôn hiện có diện tích 1.600m2, không đủ để các tiểu thương ở thôn Thượng Thôn vào kinh doanh buôn bán, chưa nói đến tiểu thương tại các thôn khác. Trong khi đó, khu vực chợ Dày lại được bố trí tại vị trí ngoài đê, xa khu dân cư, vì thế người dân và tiểu thương “không mặn mà” vào chợ.
Từ những thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi chợ cóc, chợ tạm thành vườn hoa hay các dự án công cộng tạo cảnh quan, khu vui chơi cho người dân địa phương là chủ trương hợp lý, được nhiều người dân đồng tình. Tuy nhiên, trước mong muốn của một số tiểu thương, chính quyền địa phương cũng cần lắng nghe thường xuyên và xử lý việc thông báo di dời chợ sao cho vừa đúng quy định của pháp luật mà cũng hợp lý và thuận tình.
Tuấn Minh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Quyết tâm thi đấu vì màu cờ sắc áo

77 trường tư thục được giao 27.919 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ về các giải pháp chiến lược phát triển đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu để phát triển

Triển lãm tranh “Thiên thanh”: Ngợi ca đất nước và hướng đến trái tim thiện lành

Chương Mỹ: Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Đồng Nai: Lấy mẫu AND để xác định danh tính của 64 liệt sỹ
Tin khác

TP.HCM: Tạm dừng cập nhật biến động 1.386 thửa đất chuyển mục đích sai quy định ở Hóc Môn
Trật tự đô thị 16/04/2025 12:32

UBND xã Kim Chung huyện Hoài Đức: Cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp
Trật tự đô thị 11/04/2025 22:54

Quận Ba Đình tăng cường “phạt nguội” vi phạm về trật tự đô thị
Trật tự đô thị 11/04/2025 18:10

Cần xử lý dứt điểm công trình sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp
Trật tự đô thị 10/04/2025 20:46

Đảm bảo an toàn tại các “Phố cà phê đường tàu”
Trật tự đô thị 10/04/2025 17:14

Hướng đến đời sống người dân được tốt hơn
Trật tự đô thị 08/04/2025 17:39

Bình Dương: Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Lễ 30/4 và 1/5
Trật tự đô thị 04/04/2025 15:50

Gần 600 dự án, công trình tại TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trật tự đô thị 04/04/2025 15:17

Chung cư cao tầng phải đảm bảo quy định về chống động đất
Trật tự đô thị 01/04/2025 21:10

TP.HCM: Ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Lễ 30/4
Trật tự đô thị 01/04/2025 18:24