Nam Cát Tiên - Khu rừng cổ tích
Cảnh đẹp tạo nên hồn nhiếp ảnh | |
"Lịm tim" ngắm những bãi biển nước sạch nhất thế giới | |
CNN gợi ý 18 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018 | |
5 điểm đến dịp Tết Dương lịch cách Hà Nội chưa đầy 100 km |
Tôi thường nhắm mắt lắng nghe tiếng gió rít qua ngàn cây, chìm đắm trong cái thâm u huyền bí của chốn mà nhà thơ Thế Lữ gọi là: “Nơi mà giống hùm thiêng ta ngự trị.”
Nguyễn Một-Bút danh (dùng cho truyện thiếu nhi) Dạ Thảo Linh Sinh ngày 14/12/ 1964 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Từng là: Hội viên hội nhà văn Việt Nam (2006); Phóng viên báo Tiền Phong từ năm 1998 đến 2007 và hiện là Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Không được hưởng hạnh phúc như bao trẻ thơ khác, Nguyễn Một bị mất mát quá lớn về mặt tình cảm khi cả cha lẫn mẹ đều mất sớm trong chiến tranh từ khi mới chào đời. Anh đã sống cùng bà ngoại những tháng ngày tuổi thơ vừa êm ả, vừa dữ dội tại quê nhà, 9 tuổi đã phải phiêu dạt vào Nam mưu sinh với đủ loại công việc. Từ làm ruộng, chặt củi, đốt than, làm mướn, bán cà rem, vẽ quảng cáo, chân dung, chụp hình dạo… Có thể nói đây là quãng thời gian vừa khổ hạnh, song cũng là phép thử bản lĩnh, tạo nên chất rắn của chàng trai xứ Quảng nắng gió. Những năm tháng tuổi thơ dữ dội, nhọc nhằn mưu sinh đã ăn sâu vào tiềm thức anh, để rồi khi trở thành thầy giáo, nhà văn, nhà báo… những tác phẩm của anh đa số viết cho thiếu nhi, viết về những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, của tình yêu quê hương đất nước chan hòa. Những Hoa dủ dẻ (Tập truyện - Nxb Kim Đồng 1997); Năm đứa trẻ xóm đồi – (Truyện dài - Nxb Kim Đồng 1999); Long lanh giọt nắng – (Truyện dài– Nxb Kim Đồng 2003); Mùa trái chín – Truyện vừa – Nxb Đồng Nai 2004) với bút danh Dạ Thảo Linh; Hay các tác phẩm Tha Hương (Tập truyện ngắn – NXB Đồng Nai 1996); Giữa đời thường (Tập bút ký – NXB Đồng Nai 2005); Dòng sông độ lượng (Tập bút ký – NXb Văn nghệ 2008) mang tên Nguyễn Một là minh chứng sống động. Hiện tại dù không theo nghề báo, đầu quân cho một công ty vào loại lớn nhất miền Trung và xứ Quảng nhưng không vì thế Nguyễn Một quên cây bút, quên nghề viết. Tần suất ít hơn, nhưng những tác phẩm từ truyện ngắn đến kịch bản của anh lại dường như sâu lắng hơn và đầy tính nhân văn trong dòng chảy bất tận của cuộc sống đương đại. Đón xuân Mậu Tuất, Lao động Thủ đô xin giới thiệu bài ký sự của Nguyễn Một về một trong khu sinh quyển lớn nhất cả nước và khu vực để độc giả có thể “thưởng ngoạn” qua từng trang báo… |
Rừng miền Đông hiện lên trong truyện ngắn của cố nhà văn đường rừng Lý Văn Sâm, hoang dã, thơ mộng và đầy huyền thoại. Đó là thời của cụ, cái thời mà vùng đất này dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um, cái thời miền Đông rừng nối tiếp rừng.
Ngày xưa nói đi rừng là nghĩ ngay đến sự gian khổ của chuyện phá sơn lâm, đâm hà bá, nếu không vì miếng cơm manh áo chẳng ai đi rừng làm gì. Ngày nay nghe chuyện đi rừng ai cũng háo hức, bởi bây giờ rừng đã lùi xa tít tắp. Những con thú may mắn còn sống sót trước bàn tay săn đuổi của con người, đang co cụm lại trong mảnh rừng hiếm hoi của miền đất mênh mông này.
Một già làng người Mạ ở Bù Cháp kể cho tôi nghe: Ngày xửa ngày xưa khi mà loài người và muông thú còn sống chung với nhau một cách thân thiện, các Yang cùng tiên nữ xuống trần trong những đêm trăng, tụ tập uống rượu cần với dân làng. Các tiên cùng trai làng, gái làng vỗ chiêng múa hát. Yang Bri vung tay tạo ra cánh rừng cho muông thú sinh sống, Yang Đăk vạch tay xuống đất tạo ra dòng sông.
Dòng sông Đồng Nai thuở ấy trong vắt. Dưới ánh trăng, bãi cát vàng lấp lánh như dát vàng. Nhảy múa thỏa thích, các tiên nữ và gái làng xuống tắm sông và nô đùa trên bãi cát, nên có tên gọi là Cát Tiên. Còn ông Hai Qúy, người Kinh sống lâu năm ở vùng đất này kể rằng: Khi xưa Ngọc Hoàng chọn vùng đất màu mỡ ở thượng nguồn sông Đồng Nai, rồi sai thiên binh, thiên tướng trồng các loại gỗ quý nhất mang từ thiên đình xuống lập vườn thượng uyển, để mỗi khi hạ giới, ngài cùng các tiên nữ ngự lãm…
Tôi nghĩ những câu chuyện có vẻ hoang đường tổ tiên đã kỳ công dựng nên không phải để con cháu nghe chơi, mà để dạy con cháu biết giữ gìn sự quý hiếm của cây cối và muông thú tạo hóa đã hào phóng ban cho con người.
Trong dịp đi thực tế sáng tác ở rừng Cát Tiên do hội nhà văn tổ chức, tôi thật sự ngạc nhiên khi bắt gặp Eđen, một thực tập sinh người Anh, quỳ trên nền lá mục nâng niu giò phong lan mà du khách nào đó vô tình bứt ném xuống đất. Qúy đến vậy ư? – Tôi tự hỏi. Người gác rừng quay qua nói với tôi: Cây phong lan trông mỏng mảnh vậy nhưng vĩ đại ở chỗ nó không phải là loại cây ký sinh. Nhờ nước và không khí, phong lan nở ra những bông hoa đẹp hơn bất kỳ loại hoa nào. Riêng phong lan có hơn sáu trăm loài, nhiều loài đã trở thành của hiếm trên thế giới.
Thác Bến Cự.Ảnh: vietnamvisa |
Bằng giọng sôi nổi, ông giới thiệu cho chúng tôi biết ở rừng có gần một ngàn sáu trăm loài thực vật. Hầu hết các loài thực vật quý hiếm trên thế giới như: cẩm lai, gõ đỏ, trắc, chò, sao đen… đều có ở đây. Thậm chí có những dược liệu quý mà theo tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chỉ xuất hiện trên các đỉnh núi phía bắc Trung Nguyên như: sa nhân, kim cang… Họ cây thuốc có đến một trăm chín mươi bốn loài. Điều lạ là cây thuốc Trinh nữ hoàng cung mà ngày xưa các thái y trồng trong hoàng thành để chữa bệnh kín cho các cung tần mỹ nữ cũng tìm thấy ở đây.
Động, thực vật đa dạng, phong phú. |
Trong đời, tôi mê nhất là mùi bùn đất và những cánh rừng. Rừng luôn gợi cho tôi nhớ về những giấc mơ cổ tích. Những giấc mơ dìu tôi vượt qua thời thơ ấu khổ ải trên dải đất miền Trung trùng điệp núi rừng và hun hút gió lào. Vì vậy, dù đã đến rừng Cát Tiên hàng chục lần, tôi vẫn cứ mê mẩn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dại của nó.
Tôi thường nhắm mắt lắng nghe tiếng gió rít qua ngàn cây, chìm đắm trong cái thâm u huyền bí của chốn mà nhà thơ Thế Lữ gọi là: Nơi mà giống hùm thiêng ta ngự trị.Bên cây gõ lớn, tôi dừng chân để thưởng thức mùi hương quý phái của nữ hoàng các loài hoa. Cây gõ có đến mười vòng ôm, cao hơn năm chục mét, trên tàng lá xanh um vô số hoa phong lan khoe sắc.
Muôn hồng nghìn tía là đây, thế mới biết tại sao tiến sĩ J.Boulbet (Pháp) khi về nghiên cứu văn hóa Châu Mạ, đã gọi xứ này là: Lãnh thổ của thần linh. Một luồng gió lạnh thoảng qua, trời đã về chiều, những con vắt cong mình búng tách, tôi khẽ rùng mình, buột miệng hỏi anh bạn kiểm lâm: Ở đây có ông ba mươi không? Anh nói khẽ: Có đấy, nhiều lần đi kiểm tra rừng, chúng tôi bắt gặp, nhưng chưa tấn công người bao giờ, các nhà khoa học khảo sát cho biết còn khoảng bảy vị đang ngự trị trong rừng.
Cát Tiên còn có tê giác Java mà năm 1997 tổ chức WWF đặt bẫy ảnh chụp được một số con. Thông tin gây xôn xao dư luận thế giới, làm nức lòng những người yêu thiên nhiên.Vừa qua chúng tôi còn chụp được tấm ảnh về đàn bò rừng hàng trăm con, các chuyên gia đánh giá đây là đàn bò đông nhất trên thế giới được phát hiện.
Con đường xuyên rừng Nam Cát Tiên - Ảnh: timeoutvietnam |
Mặt trời khuất dần sau các tàng cây, lũ chim rừng đua nhau hót vang, nhiều chú to như con ngỗng vỗ cánh bay về tổ. Với ba trăm lẻ năm loài, thuộc sáu mươi hai họ, chúng chiếm hơn nửa số loài chim trong cả nước. Trong đó có hai mươi loài nằm trong sách đỏ thế giới như: hạc cổ trắng, già đẩy, diejc mỏ vằn, gà lôi tía, cò quắm cánh xanh… Núp trong thảm thực vật dày đặc, tít trong rừng sâu có đến mười tám trên năm mươi sáu loài thú được IUCN xếp vào danh sách bảo vệ.
Anh bảo về rừng Cát Tiên chỉ cho tôi xem cây cẩm lai ngã đổ và cho biết nếu mang một phiến gỗ trong thân cây này ra khỏi rừng, bạn có thể đổi được chiếc xe ô tô. Rừng Cát Tiên như cái bánh ga-tô khổng lồ mà chỉ cần quẹt được một chút vụn nhỏ cũng đủ sống cả đời. Vì vậy, nó luôn là đối tượng của lòng tham con người. Các quán nhậu tại Tân Phú, Định Quán, Long Khánh và cả Biên Hòa, đều có bán đủ loại thịt thú rừng quý hiếm.
Có lần một người bạn đưa tôi đến quán nhậu đặc sản ẩn trong rừng tràm cạnh hồ Núi Le, ông chủ quán tiết lộ, nguồn thịt thú rừng ông mua lại của bọn săn trộm trong rừng Cát Tiên! Rừng Cát Tiên hiện nay có đến bảy chục ngàn héc ta, trên một trăm nhân viên kiểm lâm chạy quanh cánh rừng không thể cản nổi bọn săn thú với trăm phương nghìn kế tấn công vào rừng.
Ở Cát Tiên, những năm 90 trở về trước khi rừng Cát Tiên chưa được chú ý bảo vệ, lâm tặc mang chất nổ vào đặt dưới gốc các cây gỗ quý cho nổ tung, vài ngày sau vào khai thác. Hàng ngàn cây quý trong rừng biến thành vàng, thành bạc, thành nhà cao cửa rộng cho một số người. Buồn thay! Sự tàn phá của con người đáng sợ biết bao!
Trong vài năm trở lại đây, Vườn quốc gia Cát Tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái đã thu hút khá đông du khách. Hàng năm, lượng khách du lịch tham quan và nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên ngày càng đông, dù phương tiện phục vụ du khách chưa phải là tốt nhất. Tuy nhiên du khách đến với rừng không phải để hưởng thụ cảnh chăn êm nệm ấm mà để tìm lại hương vị hoang dã ngày càng xa dần tầm tay con người…
Tác giả (bên phải) một lần đi thực tế. |
Du khách đến với rừng để gần hơn với thiên nhiên, buổi tối mai phục ở bàu rau muống, chúng tôi mê mẩn chứng kiến những người đẹp thể hình của núi rừng thong dong uống nước, lâu lâu vài chú nai động tình nhảy cỡn cọ đôi sừng cầu kỳ của mình vào hông mấy chị nai cái, khiến mấy chị càng e thẹn lắc mông một cách điệu nghệ như siêu sao điện ảnh Marilyn Monroe, người có cú lắc hông nổi tiếng làm xiêu đổ bao nhiêu đấng mày râu của Holywood thập niên bảy mươi.
Trên đường đi về, chúng tôi còn được chứng kiến từng bầy nai đủng đỉnh gặm cỏ ven đường, cách du khách vài chục mét. Cô Cristina người Bồ Đào Nha là tình nguyện viên cố vấn du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chỉ có ở đây du khách mới có thể tiếp cận được với thú rừng ở khoảng cách gần như vậy. Để kéo những con vật hiền lành ấy lại gần con người, chính con người đã phải tốn khá nhiều mồ hôi và máu để trả giá cho sai lầm trong quá khứ!
Trong lúc các bạn ồn ào bên đống lửa trại và ché rượu cần, tôi lững thững ra ngắm dòng sông Đồng Nai uốn mình đón ánh trăng, lặng lẽ mang phù sa về phía hạ lưu. Tiếng reo của thác nước đầu nguồn vọng lại dìu dặt như tiếng B’ló gọi bạn tình của các chàng trai Châu Mạ ngày xưa. Trong làn sương bàng bạc dưới các tàng mai cổ thụ chớm nụ gọi xuân về, dường như có hình bóng các tiên nữ đang uốn lượn thân ngà trong vũ điệu nghê thường.
Nguyễn Một
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54