Đề thi mới, chính sách mới: Khi “đường đua” học tập ngày càng khó
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2024 - 2025, lo lắng từ phụ huynh |
Kỳ thi THPT đang đến gần, nhiều học sinh đang chạy nước rút cho kỳ thi này. Ảnh minh họa. |
Học sinh THPT trên cả nước sắp thi hết học kỳ I năm học 2024 - 2025, các em sắp sửa chính thức bước vào cuộc “chạy nước rút” cho kỳ thi quan trọng nhất: Thi THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học. Năm nay, kỳ thi mang tính bước ngoặt khi lần đầu áp dụng định dạng đề thi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước những thay đổi này, học sinh có những kế hoạch ôn tập và xét tuyển đa dạng, nhưng không kém phần căng thẳng.
“Quay xe” khi nghe tin Bộ giáo dục hạn chế tỷ lệ xét tuyển sớm
Chủ trương giới hạn xét tuyển sớm ở mức tối đa 20% chỉ tiêu mỗi ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến nhiều học sinh phải điều chỉnh chiến lược. Quyết định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên và học sinh.
Bạn Nguyễn Hoàng Ngân là học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội), nguyện vọng của Ngân là thi vào Học viện Y học cổ truyền và các trường Y khác. Ngân từng dự định xét tuyển sớm bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 7.0 từ năm lớp 11, nhưng đã chuyển sang phương thức thi THPT Quốc gia.
Hoàng Ngân lo lắng: “Em cảm thấy các bài thi khối B (gồm Toán, Hóa, Sinh) năm nay khó do form đề mới, lại không có tài liệu tham khảo từ các năm trước, nhất là môn Toán. Thực sự em em không tự tin lắm vào khả năng đỗ ngành học yêu thích.”
Trước việc xét chặt các chỉ tiêu tuyển sinh sớm, nhiều bạn học sinh khác cũng thay đổi chiến lược như Hoàng Ngân. Kim Ngân - học sinh lớp 11 trường THPT A Hải Hậu (Nam Định) đặt mục tiêu tháng 9/2025 sẽ thi chứng chỉ Topik (dành cho người học tiếng Hàn) để xét tuyển sớm vào ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của các trường có đào tạo Ngoại ngữ. Tuy vậy, đã phải “quay xe” sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn giữa các phương án.
“Em cảm thấy khó cân bằng việc vừa học chính khóa trên lớp, vừa ôn thi chứng chỉ. Thêm vào đó em còn mong muốn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh. Việc học quá nhiều khiến em kiệt sức và thường xuyên bị ốm. Em quyết định sẽ tập trung ôn thi THPT Quốc gia thật tốt và lấy đó làm căn cứ xét tuyển Đại học. Hy vọng năm sau Bộ giáo dục sẽ giữ nguyên chủ trương này, không thay đổi gì để chúng em yên tâm ôn thi” - Kim Ngân cho hay.
"Thử mọi cách" để đạt mục tiêu
Ngược lại, Tú Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân Văn (Hà Nội), quyết tâm thử tất cả các cách có thể để trúng tuyển đại học. Tú Anh đã chuẩn bị chứng chỉ HSK4 (tiếng Trung), ôn thi đánh giá năng lực và vẫn đầu tư cho kỳ thi THPT Quốc gia.
Tú Anh chia sẻ: “Phương thức xét tuyển đa dạng là cơ hội, nhưng cũng là áp lực với em. Chúng em có nhiều con đường hơn để đến được ngôi trường mình mong muốn, nhưng cũng mệt mỏi hơn vì phải ôn thi nhiều kỳ thi khác nhau. Dù Bộ siết xét tuyển sớm, em vẫn nỗ lực tận dụng mọi phương thức đã chuẩn bị. Ngoài ra em cũng ôn thi đánh giá năng lực và dự kiến sẽ thi hai lần đánh giá năng lực trong năm 2025.”
Cùng quan điểm ấy, Như Quỳnh (học sinh Trường THPT A Hải Hậu) chia sẻ phải thức đến 3 giờ sáng mỗi ngày để học. Quỳnh vừa học chính khóa trên lớp, vừa ôn thi đánh giá năng lực và cũng vừa học tiếng Trung Quốc để chuẩn bị cho việc xét tuyển sớm.
Như Quỳnh nỗ lực hết mình cho việc xét tuyển Đại học. |
Chia sẻ về cách cân bằng ngủ nghỉ sao cho không bị kiệt sức khi ngày nào cũng học đến 3 giờ sáng, Quỳnh cười: “Em áp dụng cách tính giờ ngủ theo chu kỳ giấc ngủ để ngủ ít mà vẫn không bị mệt. Em cũng quen với lịch sinh hoạt này rồi nên cảm thấy không vấn đề gì, miễn là đảm bảo việc học là được.”
Nỗi niềm phụ huynh và giáo viên
Nhiều phụ huynh vừa xót xa khi chứng kiến con vất vả, vừa ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô Lại Thị Vui, mẹ của Kim Ngân, cho rằng, siết xét tuyển sớm tạo công bằng hơn: “Những năm trước, xét tuyển sớm chiếm tỷ lệ lớn, khiến điểm chuẩn THPT Quốc gia rất cao, ảnh hưởng đến tâm lý các bạn học sinh vùng sâu, xa. Gia đình tôi có cháu sắp thi đại học, nhìn điểm thi cao như năm ngoái tôi lo không biết con mình có đỗ nổi không, dù cháu chăm chỉ học hành và học cũng khá.”
Đồng thời cô cũng bày tỏ: “Việc thay đổi này nói thật là hơi đột ngột. Tôi hy vọng, mỗi khi ra đề xuất mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giữ nguyên chính sách trong khoảng 4-5 năm để thấy được độ ổn định và cũng là để bớt ảnh hưởng đến tâm lý các con”.
Trao đổi về vấn đề thi THPT Quốc gia theo định dạng đề thi mới, cô Trang, giáo viên Trường THPT A Hải Hậu, nhận định: “Đề thi mới là thách thức lớn cho cả học sinh lẫn giáo viên. Việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ tăng lợi thế cho học sinh vùng sâu, nhưng cũng là bất lợi cho các bạn trường chuyên đã đầu tư học chứng chỉ. Dù vậy, do đây là năm đầu tiên thi đề định dạng mới, chắc chắn phương thức thi THPT Quốc gia sẽ được ưu tiên hơn.”
Cô Trang gửi lời khuyên đến các sĩ tử rằng, trong năm đầu tiên áp dụng định dạng bài thi tốt nghiệp mới, các em nên tập trung ôn thi tốt nghiệp thật tốt, bởi phương thức này chắc chắn sẽ được ưu tiên nhất định. “Đây là lần đầu tiên với tất cả mọi người, vì vậy, các em không cần quá lo lắng. Hãy ôn tập chắc chắn, phân bổ thời gian và sức lực hợp lý giữa các phương thức xét tuyển,” cô nhấn mạnh. Cô cũng bày tỏ hy vọng rằng, với sự đồng hành của thầy cô và phụ huynh, các em sẽ tự tin vượt qua kỳ thi quan trọng này.
Nên xem
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân đón Tết
Bắc Giang: Hơn 7.000 công nhân làm việc xuyên Tết
Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản lớn
Hà Nội: Duyệt bổ sung thêm 2 dự án nhà ở
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú
Tin khác
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Trường học đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận an toàn thực phẩm ISO 22000:2018
Giáo dục 21/01/2025 12:54
Nhiều trường đại học bổ sung tổ hợp tuyển sinh
Giáo dục 21/01/2025 06:05
Đáp án các môn thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/01/2025 22:05
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2025
Giáo dục 20/01/2025 17:29
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Giáo dục 18/01/2025 16:56
Công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 18/01/2025 15:54
Hà Nội chưa "chốt" môn thi thứ ba vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Giáo dục 17/01/2025 13:32
Gặp mặt, tặng quà vợ, con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Giáo dục 16/01/2025 16:08
Sân chơi lành mạnh cho học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc
Giáo dục 16/01/2025 06:08