Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động
Buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động và chủ sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Đến dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố; bà Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Phạm Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội; các đồng chí đại diện các Ban của Liên đoàn Lao động Thành phố; lãnh đạo Công đoàn các quận, huyện, ngành, thị xã.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Phía lãnh đạo Hapulico có ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc; ông Đặng Quốc Nam - Phó Tổng Giám đốc; ông Thái Trần Đức - Phó Tổng Giám đốc; bà Lại Thị Len - Chủ tịch Công đoàn Công ty; cùng gần 300 đại biểu là công nhân, viên chức, lao động thuộc Hapulico.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia trong lĩnh vực Luật Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Công nhân, viên chức, lao động sát khuẩn tay trước khi vào hội trường tham gia buổi giao lưu. |
8h30: Khai mạc buổi giao lưu
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành với rất nhiều điều chỉnh mới liên quan đến quyền lợi của người lao động. Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người lao động, người sử dụng lao động, để giúp chúng ta thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Do đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động là một nhiệm vụ quan trọng được tổ chức Công đoàn và các cấp ngành thường xuyên quan tâm thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động.
Ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu. |
Nhận thức rõ điều này, với chức năng là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động Thành phố, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động, thời gian qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, báo Lao động Thủ đô cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức. Và buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động” hôm nay là kênh thông tin phổ biến pháp luật trực tiếp cho người lao động. Báo đã mời các chuyên gia là Luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ ngành bảo hiểm xã hội - những nhà hoạch định và triển khai chính sách, rất am hiểu về pháp luật lao động và các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách mà người lao động quan tâm.
“Chúng tôi mong muốn công nhân, viên chức, lao động tham gia buổi giao lưu hôm nay sẽ mạnh dạn đặt câu hỏi về những khúc mắc của mình, của bạn bè, người thân liên quan đến kiến thức pháp luật, chế độ chính sách để các chuyên gia của chúng tôi có thể giải đáp và có những tư vấn hữu ích”, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến |
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết: Nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động, trong những năm qua Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn Thành phố, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả.
Trong đó Công đoàn Ngành đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Hapulico chia sẻ tại buổi giao lưu. |
Công đoàn Ngành và các công đoàn cơ sở đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền tư vấn pháp luật lao động cho người lao động, đồng thời tham gia kiểm tra, giám sát từ 20 đến 50% đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, giao kết Hợp đồng lao động… qua đó đã phát hiện các vi phạm, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Để có được những kết quả tích cực trong hoạt động công đoàn, Công đoàn Ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của báo Lao động Thủ đô. Chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay do Công đoàn Ngành phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khẳng định sự hữu ích của các buổi giao lưu trực tuyến, giải đáp vướng mắc về chính sách liên quan đến người lao động |
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố biểu dương, đánh giá cao hiệu quả thiết thực của hoạt động giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô và các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức, đặc biệt đánh giá cao nội dung, chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến “Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động”. Theo ông Ngô Văn Tuyến, những buổi giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua đã tạo một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả, hữu ích với công nhân viên chức lao động.
"Tới dự và chứng kiến những buổi giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức trong thời gian qua, tôi và các đồng chí Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố nhận thấy, nhu cầu tìm hiểu về kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách của người lao động rất lớn, đồng thời những câu hỏi, những băn khoăn của người lao động, thậm chí cả của người sử dụng lao động tại các buổi giao lưu này cũng cho thấy quá trình thực thi pháp luật lao động, việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Đáng mừng là, những băn khoăn, vướng mắc của người lao động, người sử dụng lao động đều được các khách mời của buổi giao lưu - những chuyên gia về pháp luật giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao hiệu quả hoạt động giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô và các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức.
Các đại biểu chụp ảnh cùng chuyên gia buổi giao lưu |
Đây cũng là lý do để năm 2021 này và thời gian tiếp theo, Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động", ông Ngô Văn Tuyến khẳng định.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố mong muốn, với những kiến thức hữu ích được các chuyên gia cung cấp, sau buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người lao động, các cán bộ, công nhân viên chức lao động sẽ nắm rõ hơn về chính sách, quy định mới của pháp luật, từ đó hiểu rõ hơn về quyền lợi, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động.
9h: Các chuyên gia bắt đầu trả lời các câu hỏi của người lao động
Chị Cẩm Ly (Phòng Tổ chức) hỏi: Tôi đang nuôi con nhỏ, vì vậy tôi muốn nghỉ ở nhà một thời gian để chăm con, trong trường hợp này tôi có thể đề nghị người sử dụng lao động để được tạm hoãn hợp đồng lao động không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Luật Lao động khi chị nghỉ hết thời gian thai sản (6 tháng) chị có thể lựa chọn hình thức nghỉ tiếp. Có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ việc không trả lương.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Theo Bộ luật Lao động 2019 không quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động để nuôi con nhỏ… Tuy nhiên căn cứ pháp lý để người lao động có thể tạm hoãn được xác định: Đi nghĩa vụ quân sự, bị tạm giữ, tạm giam hoặc vì lý do nào đó phải vào cơ sở giáo dưỡng… Riêng đối với lao động nữ không thuộc các trường hợp này thì có thể chủ động thỏa thuận với đơn vị chủ sử dụng lao động.
Chị Nguyễn Hồng Vân (Xí nghiệp quản lý) hỏi: Theo điểm mới của Bộ luật Lao động về tăng tuổi nghỉ hưu, tôi xin hỏi người sinh tháng 1/1975 thì bao giờ được nghỉ hưu và muốn nghỉ hưu sớm thì cần những điều kiện gì?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi; đủ 55 tuổi đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.
Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi.
So với hiện nay theo Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn.
Trường hợp của chị sinh tháng 1/1971 thì tháng 6/2021 sẽ được nghỉ hưu sớm, còn về hưu đúng tuổi thì sẽ là năm 2028 trong điều kiện lao động bình thường. Còn đối với trường hợp lao động độc hại thì sẽ có quy định cụ thể.
Chị Đinh Thanh Thúy (Nhà máy chế tạo thiết bị chiếu sáng) hỏi: Hiện người lao động vào làm việc tại Công ty chúng tôi được thử việc 2 tháng với các công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, còn lại là thử việc 1 tháng. Xin hỏi doanh nghiệp thực hiện như vậy có đúng không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Quy định về thời gian thử việc trong Bộ Luật 2012 và 2019 có những điểm khác nhau. Trong đó, đối với Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm trường hợp thử việc với người lao động như sau:
Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đồng thời, vẫn giữ nguyên các trường hợp thử việc khác, gồm:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác. Như vậy, trong trường hợp chị hỏi, doanh nghiệp đã thực hiện đúng pháp luật.
Chị Nguyễn Hồng Vân (Xí nghiệp chiếu sáng) đặt câu hỏi liên quan đến tuổi nghỉ hưu. |
Anh Nguyễn Ngọc Huấn (Công nhân Nhà máy Thiết bị chiếu sáng) hỏi: Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 thì người lao động và người sử dụng lao động có những quyền và nghĩa vụ gì? Và Bộ luật lao động năm 2019 có những điểm khác biệt gì về quyền và nghĩa vụ của người lao động so với Bộ luật lao động năm 2012?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động đó chính là toàn bộ Bộ luật lao động năm 2019 với 17 chương, 220 điều. Và Bộ luật lao động năm 2019 đã có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn Bộ luật lao động năm 2012 như các vấn đề như thuật ngữ cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục, tuổi nghỉ hưu… Điều đó thể hiện sự cập nhật của Bộ luật Lao động, toàn bộ các chương, điều đều thể hiện quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Trong thời gian hạn hẹp của buổi sáng nay, tôi mong người lao động có những câu hỏi và vướng mắc cụ thể để chuyên gia có thể tư vấn hợp lý.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Nhà máy Thiết bị chiếu sáng) hỏi: Tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng lại đi khám ở Bệnh viện Xanh - Pôn thì có được hưởng bảo hiểm y tế không?. Thời hạn 5 năm ghi trên thẻ bảo hiểm y tế được hiểu như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Năm nay, bảo hiểm y tế đã có quy định thông tuyến khi khám chữa bệnh trong tỉnh, thành phố. Cần nhấn mạnh rằng, việc thông tuyến này là trong tỉnh,thành phố chứ không phải giữa tỉnh này với tỉnh khác.
Về vấn đề anh hỏi, bảo hiểm y tế chỉ chi trả khi nằm viện, không áp dụng cho việc điều trị ngoại trú.
Về thời hạn 5 năm liên tục là 5 năm tham gia bảo hiểm liên tục, không ngắt quãng quá 3 tháng thì những chi phí khám chữa bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả (những chi trả này phải theo trong quy định của bảo hiểm y tế).
Chị Đặng Thị Lan Anh đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề nghỉ phép. |
Chị Đặng Thị Lan Anh (Phòng Tài chính kế toán) hỏi: Khi người lao động tự ý bỏ việc liên tục 5 ngày thì người sử dụng lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không và thủ tục làm thế nào? Nếu người lao động không nghỉ hết phép năm thì có được thanh toán những ngày phép còn lại không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong quy định của Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động nghỉ việc liên tục 5 ngày không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải trả bất cứ khoản trợ cấp nào (như trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm). Tuy nhiên người sử dụng lao động phải báo trước với người lao động trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp nghỉ phép, nếu người lao động không nghỉ hết phép năm, thì những ngày chưa nghỉ phép sẽ được trả. Còn việc trả bằng tiền hay không thì chưa có quy định cụ thể, có thể theo quy định thỏa ước lao động tập thể.
Trong trường hợp người lao động không đi làm cả năm mà chỉ làm 6 tháng thì số ngày nghỉ phép chỉ được tính là 7 ngày (14 ngày đối với trường hợp đi làm đủ năm).
Anh Đinh Hồng Cương (Nhà máy Thiết bị chiếu sáng) hỏi: Tôi xin hỏi 2 câu, thứ nhất do điều kiện làm việc đặc thù của Công ty chúng tôi là thường phải làm thêm giờ hoặc làm ca. Trong trường hợp nếu lao động nữ có con dưới 1 tuổi thì có phải làm ca làm đêm hay không? Câu thứ hai là hiện Công ty trả lương qua tài khoản ngân hàng, thì chúng tôi làm sao để biết chi tiết bảng lương của mình?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Theo quy định của pháp luật, đối với trường hợp người lao động đang nuôi con nhỏ nếu doanh nghiệp muốn huy động đi làm thêm thì phải thỏa thuận và phải có sự đồng ý của người lao động. Đối với câu hỏi thứ 2 của anh về việc làm thế nào biết lương hàng tháng thì theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, khi trả lương, người sử dụng lao động phải xác nhận bảng chi trả lương trong đó liệt kê tất cả các khoản lương chính, phụ cấp cho người lao động.
Ngoài ra, Luật 2019 khuyến khích trả lương qua tài khoản ngân hàng, chi phí dịch vụ phát sinh trong quá trình trả lương qua tài khoản cho người lao động do người sử dụng lao động phải chi trả, như vậy việc trả lương rất công khai, minh bạch.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố trao quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Chị Quản Thúy Hằng hỏi: Theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 - 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Như vậy, theo Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng vì bất cứ lý do riêng nào; chỉ cần đảm bảo về thời gian báo trước cho người sử dụng lao động.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, chỉ có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do nhưng cũng phải đáp ứng việc báo trước 45 ngày.
Anh Đinh Hồng Phương (Nhà máy) đặt câu hỏi |
Chị Nguyễn Thị Cúc (Phòng Tổ chức) hỏi: Sau khi phỏng vấn người lao động nếu đạt yêu cầu thì công ty nhận người lao động vào thử việc bằng Quyết định tiếp nhận thử việc có được không hay bắt buộc phải thực hiện giao kết Hợp đồng Lao động thử việc? Người sử dụng lao động có được thử việc nhiều lần đối với người lao động không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Liên quan đến thử việc trong Bộ luật Lao động 2019 quy định về quá trình thử việc rất đơn giản. Đây là thời gian để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận việc làm để biết có phù hợp hay không. Khi có phù hợp thì lúc đó mới xác lập Hợp đồng lao động, nếu không lúc đó sẽ chấm dứt. Luật có quy định quá trình thử việc có thể cùng thỏa thuận trong Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng riêng biệt. Luật cũng quy định bất kì văn bản nào chỉ cần 2 bên thỏa thuận với nhau, xác định thời gian thử việc công việc; có thỏa thuận về chế độ liên quan đến quá trình thử việc đó thì cũng xác định là thời gian thử việc... Hình thức thể hiện thế nào cũng được quan trọng là bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Bộ luật Lao động năm 2019 có điểm khác biệt, phạm vi điều chỉnh thì giống nhau nhưng đối tượng điều chỉnh thì khác nhau. Nếu Bộ luật Lao động 2012 chỉ điều chỉnh quan hệ lao động thì Bộ luật mới còn điều chỉnh thêm các vấn đề việc làm không phát sinh từ quan hệ lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 bao trùm rộng tránh tình trạng doanh nghiệp xác lập quan hệ lao động với người lao động không thông qua hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Về việc người lao động có được thử việc nhiều lần không, theo Luật người lao động chỉ được thử việc cho 1 lượt tuyển dụng của doanh nghiệp. Nếu qua một lần thử việc nhưng lần sau công ty lại tiếp tục tuyển dụng vị trí thì người lao động tiếp tục có thể tham gia tuyển dụng và thử việc lại.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapulico) tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động |
Anh Nguyễn Ngọc Chiến (Phòng Quản lý) hỏi: Xin cho biết cách tính lương cho người lao động nghỉ hưu đã đủ tuổi nghỉ hưu và đủ năm công tác? Người lao động sinh năm 1971 nhưng đến năm 2004 mới đóng bảo hiểm xã hội thì đã đủ tuổi nghỉ hưu chưa và cách tính thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Lương hưu hàng tháng được xác định bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bắt buộc; hoặc bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân và mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với nam:Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 01/01/2021 đến 31/12/2021: Đóng đủ 19 năm bảo hiểm xã hội thì được 45% (hiện tại chỉ cần đóng đủ 18 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%); Trường hợp nghỉ hưu từ 01/01/2022 trở đi: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%. Lưu ý tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%; trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.
Trường hợp sinh năm 1971 thì nếu đủ 62 tuổi nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn đủ tuổi tối thiểu để về hưu nhưng chưa đủ tuổi để hưởng 75%.
Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được xác định bằng tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định + tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, chia cho tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Phòng Kế hoạch Kinh doanh) đặt câu hỏi |
Anh Nguyễn Ngọc Chiến hỏi: Xin hỏi các chuyên gia về cách tính lương cho người lao động nghỉ hưu đã đủ năm công tác và độ tuổi theo luật mới? Với trường hợp người lao động sinh 1971 vào công ty năm 2004, theo Luật Lao động mới nghỉ hưu năm 62 tuổi nhưng thời điểm 62 tuổi mới được 27 năm công tác thì đã đủ tuổi nghỉ chế độ chưa?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, người lao động sẽ được nghỉ hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và đã tham gia đóng bảo hiểm từ 20 năm trở lên. Như vậy, trường hợp bạn hỏi, người lao động sinh năm 1971, nghỉ hưu tuổi 62 (nam giới), nếu đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn đủ điều kiện nghỉ hưu.
Về cách tính lương hưu: Đối với người lao động làm doanh nghiệp nhà nước căn cứ thời điểm đóng bảo hiểm xã hội để tính bình quân 5 năm hoặc 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động làm việc hưởng lương của chủ sử dụng lao động thì tính bình quân cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Phòng Kinh doanh) hỏi: 1. Người lao động nghỉ sinh con thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?; 2. Nếu người lao động làm việc tại hai nơi khác nhau thì việc đóng bảo hiểm xã hội phải tiến hành như thế nào?; 3. Hiện nay, nhiều người lao động đổi thẻ căn cước hay thế cho chứng minh nhân dân, việc này có ảnh hưởng gì đến việc tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: 1. Đối với trường hợp nghỉ thai sản thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. Việc này đã được quy định rõ trong Luật; 2. Nếu người lao động làm việc tại hai nơi thì phải đóng bảo hiểm xã hội ở nơi ký hợp đồng lao động đầu tiên; 3. Nếu người lao động đổi thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân thì người lao động chỉ cần báo cho Công ty để Công ty báo lại cho đơn vị bảo hiểm xã hội. Việc này cũng không có gì phức tạp. Bảo hiểm xã hội sẽ cập nhật thông tin mới của người lao động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Hapulico) tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Anh Nguyễn Ngọc Tường hỏi: Đối với người lao động đã thừa năm công tác và đủ 25 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì có phải đóng tiếp không. Do sức khỏe yếu không lao động muốn nghỉ hưu sớm thì được tính chế độ nghỉ hưu như thế nào? Nếu nghỉ hưu lĩnh theo chế độ một cục thì có được hưởng bảo hiểm y tế không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Số năm người lao động đóng Bảo hiểm xã hội được quy định tối thiểu là 25 năm và tối đa để hưởng 75% thì người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm với nữ là 30 năm, nam là 35 năm. Trưởng hợp của anh đóng 25 năm là chưa đủ, vẫn phải tiếp tục. Người lao động còn ký hợp đồng lao động và vẫn đang làm việc thì dù trên 35 năm thì vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thời gian thừa sẽ được tính khi 1 lần khi nghỉ hưu.
Về việc chế độ nghỉ hưu như anh hỏi, về hưu sớm 5 năm do với thời gian nghỉ hưu vẫn được nếu người lao động suy giảm 61% khả năng lao động, không có chế độ chi trả 1 lần cho người có khả năng lao động bình thường khi chưa đóng đủ thời gian. Đối với những người bệnh nặng, suy giảm 81% khả năng lao động và không tự chủ được thì vẫn thược chi trả lần.
Khi đã thanh toán 1 lần Bảo hiểm 1 lần sẽ không hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp này tôi khuyến nghị các gia đình nên mua bảo hiểm y tế hộ gia đình
Anh Đỗ Hoàng Quân (Xí nghiệp thiết kế) đặt câu hỏi. |
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Phòng Tổ chức) hỏi: Lao động nữ cần đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bao nhiêu tháng trước khi sinh để hưởng chế độ thai sản. Trường hợp mẹ trong thời gian nghỉ thai sản, con mới sinh bị ốm đau mà mẹ đang hưởng chế độ thai sản, như vậy người cha có được hưởng chế độ con ốm hay không? Lao động nữ trong thời gian thử việc 2 tháng chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà có thai 1 tháng thì có được hưởng chế độ nghỉ đi khám thai không? Người lao động có thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội thì giải quyết như thế nào?
Chuyên gia Dương thị Minh Châu: Theo quy định của pháp luật, lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh đối với trường hợp bình thường, đóng đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh với trường hợp mang thai bệnh lý thì được hưởng chế độ thai sản.
Về quy định bố nghỉ chăm con ốm, thì pháp luật bảo hiểm xã hội quy định quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội cả nam và nữ như nhau nên nếu bố có đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn được nghỉ chăm con ốm theo quy định.
Còn trường hợp chị hỏi lao động nữ trong thời gian thử việc 2 tháng chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà có thai 1 tháng thì không được hưởng chế độ thai sản vì chế độ ốm đau thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chị chưa tham gia đóng thì không được hưởng.
Chị Phạm Linh Chi (Phòng Tài chính - Kế toán) đặt câu hỏi liên quan đến việc ký Hợp đồng lao động. |
Chị Phạm Linh Chi (Phòng Tài chính kế toán) hỏi: Hiện tại, Công ty Hapulico có nhiều văn phòng ở các tỉnh, thành phố khác nhau nên việc ký kết hợp đồng khó thực hiện ký kết trực tiếp giữa người lao động và Lãnh đạo Công ty. Vậy, Công ty có thể ký kết hợp đồng với người lao động bằng bản Hợp đồng scan không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Hợp đồng lao động thông thường được ký trực tiếp nhưng do điều kiện làm việc của người lao động và chủ sử dụng lao động; đồng thời để phù hợp với sự phát triển của công nghệ số nên Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 14 Bộ luật này quy định: Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18, Điểm a Khoản 1 Điều 145 và Khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này, thay cho việc giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng như quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động. |
Một bạn đọc hỏi: Việc đối thoại giữa người sử dụng lao động và chủ sử dụng lao động có điểm mới gì trong bộ Luật 2019?
Chuyên gia Tại Văn Dưỡng: Trong điều 63 của Bộ luật Lao động quy định doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm, ít nhất 1 năm/1 lần, việc tổ chức nhiều hơn cũng không sao. Ngoài ra có thể đối thoại đột xuất khi có vụ việc, lấy ý kiến người lao động tham gia vào các văn bản của doanh nghiệp...
Thành phần đối thoại có 2 phía, về phía chủ sử dụng lao động bắt buộc phải có người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền, về phía người lao động do Công đoàn lựa chọn và có danh sách gồm đại biểu là đoàn viên công đoàn và những người không phải đoàn viên công đoàn.
Anh Lê Việt Anh (Phòng tổng hợp) hỏi: Khi phải tạm hoãn hợp đồng lao động để thực hiện quân sự 2 năm thì 2 năm đó người sử dụng lao động có tính vào thời hạn của hợp đồng lao động không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong Bộ luật Lao động đã quy định rõ, trong thời gian đi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc dân quân tự vệ, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng thời gian tạm hoãn này không được tính vào thời hạn hợp đồng lao động. Chủ sử dụng lao động không được tính thời gian này vào thời hạn của hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Khi người lao động thực hiện nghĩa vụ trở về có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc dân quân tự vệ, nhà nước sẽ mua bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Cụ thể, nếu anh đi làm 2 năm, tham gia nghĩa vụ quân sự 2 năm thì anh được đóng bảo hiểm xã hội 4 năm.
Ông Trần Đức (Phó Tổng Giám đốc Hapulico) tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Một bạn đọc gửi câu hỏi: Tôi được biết hiện nay bảo hiểm xã hội đang khuyến khích cài đặt mã số bảo hiểm xã hội và đang triển khai sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số VSSID, tôi xin hỏi tác dụng của ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID là như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội đang triển khai giao dịch điện tử cá nhân với Bảo hiểm xã hội, triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng VSSID - bảo hiểm xã hội số. Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số hiện được cung cấp trên hai kho ứng dụng App Store - hệ điều hành IOS và Google Play - hệ điều hành Android.
Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: Theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tra cứu các thông tin: mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7.
Sử dụng ứng dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng thời, ứng dụng VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
Anh Lê Mạnh Phương (Phòng Kế hoạch - Kinh doanh) đặt câu hỏi. |
Một người lao động hỏi: Nếu người lao động mất thẻ bảo hiểm y tế hoặc không mang theo thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh thì có thể sử dụng ứng dụng VssID hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện tại, ứng dụng VssID chưa được sử dụng tại Hà Nội. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đang đề xuất Bộ Y tế để đưa ứng dụng này vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Một bạn đọc hỏi: Công ty tôi sau khi tập sự có yêu cầu chế độ tập sự hưởng 80% lương. Ngoài ra phải ký cam kết làm việc trong 3 năm. Nếu nghỉ việc phải hoàn trả tiền lương do công đào tạo, điều này có đúng luật không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp này có thể xác định công ty đã làm không đúng luật. Thời gian tập sự được xem là thời gian thử việc, mức lương theo quy định trong thời gian thử việc là 85% mức lương chính thức. Như vậy về lương công ty đã làm không đúng.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc yêu cầu người lao động viết bản cam kết buộc người lao động làm 3 năm nếu không đáp ứng hoàn trả lương là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Nếu rơi vào trường hợp như vậy bạn có thể thông qua hòa giải viên lao động hoặc kiện ra tòa trong trường hợp công ty không giải quyết thỏa đáng.
Anh Đào Ngọc Quý (Phòng Kế hoạch) hỏi:
1. Công ty có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật thay cho thưởng bằng tiền được không?
2. Bộ luật Lao động 2019 quy định doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người lao động. Vậy doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có phải báo cáo chủ sở hữu (Ủy ban nhân dân Thành phố) phê duyệt thang bảng lương trước khi áp dụng không? Trước kia là chúng tôi phải xây dựng và báo cáo chủ sở hữu phê duyệt tồi mới được áp dụng.
3. Hiện nay công ty chúng tôi thực hiện đối thoại với người lao động tại Hội nghị người lao động được tổ chức hằng năm, vậy cho tôi hỏi ngoài việc đối thoại theo định kỳ này ra sao thì còn phải đối thoại trong những trường hợp nào khác?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà:
1. Riêng khoản tiền thưởng thì Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thưởng bằng tiền mặt. Nhưng Bộ luật Lao động năm 2019 quy quy định không nhất thiết chỉ duy nhất thưởng bằng tiền mà còn có thể qua nhiều phương thức khác, nhưng không được ép buộc. Ví dụ một công ty sản xuất tã, bỉm, đồ chơi trẻ em… thì không được ép người lao động nhận hiện vật là những sản phẩm của công ty. Nhìn chung các doanh nghiệp cần thực hiện hài hòa trong vấn đề này.
2. Đối với Bộ luật Lao động 2012, kể cả doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước đều phải đăng ký thang bảng lương. Bộ luật Lao động 2019 thì dành toàn bộ quyền chủ động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phê chuẩn của cấp trên quản lý, cơ quan chủ quản đối với thang bảng lương do doanh nghiệp xây dựng hoàn toàn không vi phạm Bộ luật Lao động 2019.
3. Theo luật năm 2012 thì mỗi năm doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động 3 tháng/lần. Theo luật 2019 thì mỗi năm chỉ tổ chức tối thiểu một lần, còn việc tổ chức đối thoại đột xuất thêm phụ thuộc vào sự cần thiết của doanh nghiệp, tuy nhiên phải dựa trên sự hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc buổi giao lưu. |
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Hapulico bày tỏ: “Mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia hoạt động giao lưu trực tuyến nhưng cảm nhận của cá nhân tôi và mọi người đều thấy rằng đây là hoạt động thật sự thiết thực, bổ ích, hiệu quả ngoài sự mong đợi. Buổi giao lưu trực tuyến không chỉ giúp cập nhật kiến thức pháp luật mới tới người lao động và cả ban lãnh đạo Công ty để vận dụng trong quan hệ lao động mà còn là cơ hội quý để lãnh đạo Công ty nắm bắt tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của người lao động. Từ đó, chúng tôi sẽ có những giải pháp khắc phục những vấn đề còn lúng túng trong thực tiễn triển khai chế độ chính sách, đồng thời chúng tôi thêm tự tin khi hiểu rằng Công ty đang thực thi đúng luật và phù hợp với xu thế thời đại”. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Hà Nội: Cho phép một số loại phương tiện được rẽ phải liên tục
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Ngày cuối trước kỳ nghỉ Tết: Giao thông Thủ đô "tăng nhiệt"
Tin khác
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Hoạt động 24/01/2025 10:30
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết
Đề án TLĐ 23/01/2025 11:29
Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết
Hoạt động 23/01/2025 09:07
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
Hoạt động 22/01/2025 17:45
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên
Hoạt động 21/01/2025 22:14
“Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” đưa 450 lao động và người thân về quê đón Tết
Hoạt động 21/01/2025 19:12
Nỗ lực chăm lo tốt hơn cho đoàn viên Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ
Hoạt động 21/01/2025 17:53
Rộn ràng “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” của đoàn viên, người lao động quận Hai Bà Trưng
Hoạt động 20/01/2025 17:29
LĐLĐ huyện Phú Xuyên tổng kết công tác công đoàn năm 2024
Hoạt động 20/01/2025 14:28