Apple mở rộng cánh cửa công nghệ cho người khiếm khuyết Siết chặt SIM rác, tài khoản ảo: Đánh mạnh vào tội phạm công nghệ cao |
Tiện ích len lỏi vào mọi mặt đời sống
Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số - những trụ cột cốt lõi được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát biểu tại lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào “Bình dân học vụ số”...”.
Bằng những cách làm giản dị, gần gũi và thiết thực, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ giúp mọi tầng lớp nhân dân biết dùng, hiểu rõ, mà còn làm chủ công nghệ, tự tin bước vào thời đại số. Đó là cách Hà Nội xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mỗi người dân đều là chủ thể trong xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại và nhân văn.
Điển hình như tại quận Nam Từ Liêm, thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, quận đã tích cực vào cuộc để triển khai phong trào với mục tiêu cổ động kỹ năng số giúp người dân có thể tiếp cận, sử dụng công nghệ tự tin để bước vào thời đại số, không để ai bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Nhiều nơi tại Hà Nội đã thực hiện thanh toán trực tuyến qua mã QR. |
Việc triển khai phong trào với phương châm: Dễ học - dễ hiểu - dễ làm - dễ áp dụng, người dân thành thạo sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… quận Nam Từ Liêm chủ động đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Năm 2024, quận đã số hóa được 3.520 kết quả thủ tục hành chính, gửi kết quả điện tử viễn thông từ cổng dịch vụ công sang quản lý văn bản điều hành của Thành phố. Thực hiện thanh toán trực tuyến qua mã QR trên địa bàn quận, tiến hành 100% thủ tục hành chính phát sinh phí và lệ phí trên địa bàn đều được thực hiện qua hình thức trực tuyến…
Ông Mai Trọng Thái, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. UBND quận đã hoàn thành 36/37 chỉ tiêu chuyển đổi số, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đã hoàn thành 57/59 nhiệm vụ. Quận triển khai các hoạt động ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm và sử dụng ứng dụng Công dân số Thủ đô iHanoi trên địa bàn quận đạt kết quả tích cực.
Quận tiếp tục thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh, xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt UBND quận được UBND Thành phố giao thực hiện thí điểm hệ thống tạo lập, lưu trữ, phân tích dữ liệu và tích hợp trên nền bản đồ phục vụ quản trị đô thị thông minh tại phường Trung Văn.
Trong thời gian tới, để thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, UBND quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung, làm tốt một số nhiệm vụ như: Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở trong việc sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp từ ngày 1/7. Thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, công dân số; chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng để lan tỏa kỹ năng số rộng khắp…
Hào hứng với việc đi chợ mà không phải mang theo tiền mặt, bà Nguyễn Thị Sang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ rằng công nghệ chỉ dành cho người trẻ vì rất phức tạp, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng, tuổi tác không phải là rào cản để học hỏi. Nhờ tự học và được các cháu sinh viên hướng dẫn, tôi đã sử dụng được điện thoại thông minh. Lương hưu hiện nay cũng đã gửi về số tài khoản, tôi đi chợ chỉ cần quét mã QR tại các sạp hàng là xong”.
Bà Sang cũng phấn khởi nói, chiếc điện thoại thông minh giúp bà nhiều tiện ích như thực hiện nộp tiền điện, tiền nước online qua ứng dụng ngân hàng và kết nối với bạn bè, họ hàng ở xa. Tuy nhiên bà Sang mong muốn sẽ được trang bị kiến thức an toàn thông tin trên không gian mạng để tránh bị lừa đảo.
Con đường để bước vào kỷ nguyên vươn mình
Phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu: “Thành phố Hà Nội - Bình dân học vụ số - Toàn dân, toàn diện, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, Hà Nội phấn đấu đạt các chỉ tiêu quan trọng như: 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc;
![]() |
Phong trào “Bình dân học vụ số” len lỏi vào mọi mặt đời sống. |
100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số; trên 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; trên 50% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Không còn là một khẩu hiệu trừu tượng, chuyển đổi số đã và đang được cụ thể hóa bằng những hành động gần dân, thiết thực: Wifi miễn phí, phổ cập kỹ năng số, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công, thương mại điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân...
Tại huyện Đan Phượng, huyện đã thi đua cao điểm phát triển công dân số “Cuộc đua luyện AI”. Chỉ sau 1 tháng triển khai, với cách làm bài bản, khoa học từ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền video hướng dẫn học tập, thành lập tổ tư vấn, hướng dẫn, theo dõi tình hình học tập…
Theo thống kê, toàn huyện có 2.751/2.896 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia “Cuộc đua luyện AI”, đạt 95%. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc UBND huyện tham gia đạt 89,95%; cán bộ, công chức cấp xã tham gia đạt 83,76%; lãnh đạo, giáo viên, nhân viên các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở tham gia đạt 97,84%. Đặc biệt, dòng họ Lê Hữu ở xã Hạ Mỗ tích cực triển khai cuộc đua luyện AI với hơn 200 người trong dòng họ tham gia.
Cũng thiết thực triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, kỹ năng số; hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội; hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; hỗ trợ và hướng dẫn người dân, hộ gia đình tham gia, nâng cao kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín; bảo mật thông tin; tập huấn sử dụng Chat GPT để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày...
Tại các điểm dịch vụ hành chính công ở các quận Tây Hồ, Đống Đa và Nam Từ Liêm, lực lượng thanh niên cũng đã triển khai hỗ trợ người dân khi thực hiện các dịch vụ công trên các nền tảng số. Đây là một việc làm thiết thực vì một bộ phận người già, người khuyết tật, các nhóm dân cư chưa có khả năng tiếp cận với công nghệ sẽ cần hỗ trợ để làm quen với các dịch vụ công.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để bước vào kỷ nguyên vươn mình. Từ sức lan tỏa của phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, xây dựng lực lượng người dân có khả năng làm chủ các tiện ích số trong đời sống thường nhật.
Phương Ngân
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/de-cong-nghe-khong-con-xa-la-voi-nguoi-dan-190664.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này