Vấn nạn “thực phẩm bẩn”: Đến lúc không thể khoan nhượng Hàng giả, thực phẩm bẩn và trách nhiệm quản lý |
Là người có nhiều năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, chính vì thế, phát biểu tại phiên thảo luận tổ góp ý vào dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều ngày 20/5, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc bỏ một số tội có hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, liên quan các hành vi về hàng giả, đại biểu Nguyễn Hải Trung dẫn tiểu phẩm có nội dung "thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ con tôi chết là thật" và cho rằng trong nhóm hành vi hàng giả thì việc sản xuất thuốc giả phải có mức phạt cao hơn so với các loại hàng giả khác do tính chất nghiêm trọng. Các đại biểu khác cũng cho rằng riêng sản xuất thuốc giả phải khung hình phạt cao nhất vì đây là tội ác liên quan đến sức khỏe nhân dân.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Người dân từ sốc đến cũng quen dần với cụm từ “thực phẩm bẩn”, vì liên tiếp hàng chục năm qua, nhiều vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm bẩn (sử dụng phụ gia, hóa chất, quá thời hạn…) được các cơ quan chức năng phá án, xử phạt đã quá quen với người dân. Song khi hay tin lực lượng Công an phá những chuyên án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến sản xuất sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả thì thực sự sốc.
Sữa, đặc biệt là thuốc tây, thực phẩm chức năng là những loại mà các nhà khoa học nghiên cứu, các công ty dược sản xuất ra để mục đích chữa trị bệnh, cứu người. Đây là sản phẩm (hàng hóa) đặc biệt quan trọng và được quản lý với quy trình vô cùng nghiêm ngặt, từ nghiên cứu, sản xuất - thực hành lâm sàng với nhiều công đoạn mới được cơ quan quản lý về y tế cấp phép cho sản xuất - lưu hành.
Người bệnh bị mắc bệnh số phận đã “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng nếu trong quá trình điều trị, tự mua thuốc mà gặp phải thuốc giả thì “số phận” càng trở nên mong manh hơn. Do đó, cùng với sản xuất, kinh doanh ma túy, thì sản xuất - kinh doanh thuốc giả; sản xuất, tàng trữ, kinh doanh, sử dụng thực phẩm bẩn cũng phải coi là những hành vi tội ác. Hủy hoại sức khỏe và thậm chí là giết người.
Do đó, luật cần phải quy định khung hình phạt nghiêm khắc với loại tội phạm này. Đây là tội phạm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tương lai giống nòi mà còn ảnh hưởng “nghiêm trọng” đến thương hiệu quốc gia. Hàng ngày, hàng tuần báo chí đăng tải liên tục các vụ phá án, bắt ổ nhóm sản xuất hàng giả, thực phẩm bẩn thì thế giới, khách du lịch họ nhìn chúng ta thế nào?
Vì sức khỏe và tính mạng nhân dân, vì thương hiệu quốc gia cần phải xử lý với khung hình phạt cao nhất đối với các hành vi trên để cuộc sống của người dân được an toàn, để Việt Nam cũng là điểm đến “an toàn” cho du khách!
Lê Hà
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/khong-the-nuong-tay-voi-thuoc-gia-thuc-pham-ban-190643.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này