Nhân rộng các mô hình để xây dựng xã hội học tập

14:08 | 21/05/2025
Với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, kết quả thực hiện các mô hình học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã đi vào thực chất và từng bước được nhân rộng. Việc đẩy mạnh các mô hình học tập được xác định là nền tảng xây dựng xã hội học tập, đưa Hà Nội sớm gia nhập Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO.
Góp phần xây dựng một xã hội học tập Đẩy mạnh học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ cho công nhân lao động Xây dựng xã hội học tập, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời

Hiệu quả từ các mô hình học tập

Thời gian qua, phong trào xây dựng các mô hình học tập (“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” , “Công dân học tập”…) luôn được các cấp Hội Khuyến học thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt để thực hiện xây dựng xã hội học tập.

Ghi nhận tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), Chi hội Khuyến học các thôn, khu dân cư đã chú trọng xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” phù hợp với địa phương và tổ chức tập huấn, triển khai bộ tiêu chí đến từng đơn vị; khuyến khích các thôn, khu dân cư xây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng cho học sinh, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn. Tổng quỹ khuyến học của xã đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Trong 5 năm (2020 - 2025), đã có gần 3.000 học sinh được nhận học bổng với tổng số hơn 900 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ đơn vị đăng ký, đạt tiêu chuẩn mô hình “Cộng đồng học tập” ngày càng tăng.

Nhân rộng các mô hình học tập để xây dựng xã hội học tập
Các mô hình học tập đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân. (Ảnh: B.P)

Hay như tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), nếu như năm 2002, chỉ có 2 chi hội dòng họ tham gia công tác khuyến học thì đến nay có 16 dòng họ. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa Nguyễn Thị Tạo, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc học tập, giải pháp được Hội Khuyến học phường tập trung triển khai là tham mưu chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm tổng hợp sức mạnh toàn dân. Việc tiếp cận, vận động từng gia đình đăng ký xây dựng mô hình “Gia đình học tập” được chú trọng, làm cơ sở để xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”.

Xác định việc xây dựng thành công mô hình “Công dân học tập” là mục tiêu cơ bản, có ý nghĩa quan trọng để xây dựng thành công các mô hình học tập còn lại; đồng thời là cơ sở để xây dựng một cộng đồng học tập, tiến tới xây dựng thành công một xã hội học tập; thời gian qua, Hội Khuyến học quận Tây Hồ thường xuyên tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên đề bàn về các giải pháp xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình học tập, trong đó trọng tâm là mô hình “Công dân học tập”; thảo luận trao đổi về các tiêu chí đánh giá đạt danh hiệu “Công dân học tập” cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị trên cơ sở bộ tiêu chí khung của mô hình “Công dân học tập”.

Ngoài ra, Hội Khuyến học quận cũng tổ chức thí điểm mô hình “Công dân học tập” đối với đơn vị hoạt động có nền nếp, triển khai bài bản, có hiệu quả từ việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công dân về vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình đến tổ chức việc đăng ký thực hiện của công dân, phương pháp quản lý trên hệ thống sổ sách, triển khai phần mềm trong quản lý và đánh giá, thành lập các tổ tư vấn hỗ trợ đến việc tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện... từ đó rút kinh nghiệm và nhân diện rộng; khắc phục tình trạng triển khai đại trà mà hoạt động hình thức, kém hiệu quả.

“Với nhiều biện pháp tích cực, Hội Khuyến học quận Tây Hồ đã triển khai xây dựng các mô hình học tập nói chung và mô hình “Công dân học tập” nói riêng đạt được những kết quả bước đầu, làm tiền đề để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các mô hình học tập còn lại. Theo báo cáo tổng hợp năm 2024 về thực hiện mô hình “Công dân học tập”, công dân đăng ký đạt tỷ lệ 87,27%; nhóm nông dân và lao động ở tổ dân phố đạt tỷ lệ 54%; nhóm công nhân lao động, lao động tự do đạt tỷ lệ 71,68%; nhóm cán bộ quản lý, công chức, viên chức đạt tỷ lệ 100%…”, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Tây Hồ Phương Ngọc Ánh chia sẻ.

Tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

Theo ghi nhận, việc triển khai các mô hình học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã ngày càng đi vào nền nếp, phát triển, phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân.

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ và được giao cụ thể cho Hội Khuyến học các cấp triển khai. Phong trào xây dựng các mô hình học tập luôn được các cấp Hội Khuyến học Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt để thực hiện xây dựng xã hội học tập. Kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp cũng như các tiêu chí cụ thể của từng mô hình học được các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc tự học, học tập thường xuyên.

Với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, Hà Nội luôn xác định giáo dục và phát triển con người là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Những năm qua, Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với nhiều phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đến địa bàn thôn xóm, tổ dân phố.

Cùng đó, Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tạo điều kiện cho người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập, toàn Thành phố học tập.

Trong 5 năm (2020 - 2025), các cấp Hội Khuyến học Thành phố đã tổ chức được 145 cuộc hội thảo, tọa đàm về xây dựng các mô hình học tập với hơn 11.000 đại biểu tham gia. Công tác xã hội hóa quỹ khuyến học được quan tâm. Hàng năm, Hội Khuyến học Thành phố đều xây dựng và ban hành Kế hoạch xây dựng quỹ khuyến học với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển đa dạng hóa các loại quỹ khuyến học, khuyến tài và trao học bổng “Học không bao giờ cùng” thống nhất trên địa bàn toàn Thành phố.

Cũng theo Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, để phát triển phong trào khuyến học, Hội Khuyến học Thành phố đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể về công tác khuyến học, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập, tạo thành phong trào thi đua học tập suốt đời trong mỗi đơn vị.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các địa phương và tâm huyết của đội ngũ cán bộ khuyến học, các mô hình học tập đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự tận tình, tâm huyết, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ khuyến học từ tỉnh đến cơ sở trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập ngày càng vững mạnh ở các địa phương.

Thảo Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này