Đổi mới lề lối làm việc theo phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị hiện đại"

15:37 | 17/05/2025
Sáng ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.
Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy động lực cống hiến trong cộng đồng Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Nhiều kết quả tích cực

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong thời gian qua. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 26 nghị quyết, 31 quyết định, 9 chỉ thị, 13 công điện về chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. Tổ chức 6 phiên họp và hội nghị trực tuyến toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. Phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số".

Chuyển đổi số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Đẩy mạnh triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc (4 tháng đầu năm 2025 đã xây dựng 11.500 trạm BTS). Tốc độ internet di động tăng mạnh, vào top 20 thế giới. Cấp phép, triển khai thí điểm internet vệ tinh.

Đổi mới lề lối làm việc theo phương châm
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (4 tháng đầu năm 2025 tăng 22%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, tăng 28,7%; máy bán hàng, thiết bị chấp nhận thẻ được triển khai mạnh mẽ, tăng 29,8%; 70% người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hằng ngày.

Công nghiệp ICT có bước phát triển khá (xuất khẩu sản phẩm công nghệ số 4 tháng đầu năm 2025 đạt 49,4 tỷ USD, tăng 16,2%; doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 423.300 tỷ đồng, tăng trưởng 44,4%).

Công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (4 tháng đầu năm 2025 đã xử lý 1,3 tỷ hóa đơn, tăng 15%); thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (4 tháng đầu năm 2025 đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 19%).

Về triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực (hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 63,4 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 43 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 12 tiện ích so với cuối năm 2024; làm sạch 12,8 triệu dữ liệu giấy phép lái xe).

Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại (đã triển khai 58/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; 200 thủ tục hành chính có thể cắt giảm thành phần hồ sơ).

Đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và Bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (với 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử); mở rộng triển khai Học bạ số. Đã có trên 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Đổi mới lề lối làm việc theo phương châm
Các bộ, ngành, địa phương sớm đăng ký dự án, nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ; đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp).

Quyết tâm "tăng tốc và bứt phá"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, như phân cấp, phân quyền chưa triệt để; nhiều nhiệm vụ tại triển khai còn chậm tiến độ, chưa có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động đăng ký nhu cầu kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06.

Chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức tới cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhận thức có nơi, có lúc chưa đúng tầm, nên lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa quyết liệt, kịp thời; chậm triển khai một cửa quốc gia về xúc tiến, thu hút đầu tư và trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã ở một số nơi...

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải quyết tâm "tăng tốc và bứt phá", thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 (tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%) và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số. Phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị hiện đại".

Cùng với đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số, gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số. Đẩy mạnh nguồn lực thực hiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng chi cho khoa học công nghệ lên 3% chi ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương phải trình các dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đổi mới lề lối làm việc theo phương châm
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư, Thủ tướng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân cả về nguồn lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo động lực, truyền cảm hứng.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, động lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Công an sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Nghị định quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, hoàn thành trong tháng 6/2025;

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành 19 luật và 3 nghị quyết liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Về phát triển hạ tầng số, kinh tế số và chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp mình, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Tổ chức triển khai thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh. Bộ Tài chính sớm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung số hóa toàn diện và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy mạnh triển khai Đề án 06;

Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "nghĩ thật, làm thật, kết quả thật, nhân dân thụ hưởng thật", đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và bền vững, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này