Dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học: Thay đổi tư duy tiếp cận với học sinh |
Ngày 7/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã gửi lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988, nhằm điều chỉnh quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh theo hướng nhân văn, giáo dục và hỗ trợ sự tiến bộ của học sinh.
Theo đó, dự thảo nhấn mạnh nguyên tắc kỷ luật phải tôn trọng, khách quan, không định kiến, không bạo lực hay xúc phạm học sinh.
Học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
![]() |
Cần phải có chế tài và quy định nghiêm khắc để tạo lớp học sinh - những chủ nhân tương lai nhân ái, bao dung và có trí tuệ (Ảnh minh họa). |
Một số hoạt động hỗ trợ chủ yếu để khắc phục hành vi vi phạm là khuyên bảo động viên, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Quy định gần nhất về khen thưởng, kỷ luật học sinh có từ năm 1988. Trong đó, các hình thức kỷ luật học sinh là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.
Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường học. Các hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị bỏ. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn, thường là 1-4 tuần. Việc này gây tranh cãi trong thời gian qua, đặc biệt với các vụ học sinh đánh, làm nhục bạn.
Nếu quy định mới được thông qua, mức kỷ luật cao nhất với học sinh THCS, THPT là viết bản tự kiểm điểm.
Cô Lại Thị Vui, giáo viên lớp 9 tại một trường THCS ở Nam Định bày tỏ nhiều băn khoăn: “Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề giáo, tôi có nhiều băn khoăn khi biết Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ hình thức cảnh cáo và đình chỉ học. Tôi hiểu rằng đây là một chính sách nhân văn, tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh và nhà trường chung tay giải quyết các vấn đề thay vì làm gián đoạn việc học của các em.
Nhưng với những trường hợp học sinh hút thuốc trong trường, rồi bạo lực học đường, đánh đập hội đồng, chẳng lẽ chúng tôi chỉ cho viết bản kiểm điểm là hết? Không phải tôi muốn những việc kinh khủng đó xảy ra, nhưng hơn 20 năm dạy học, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh bất hảo, thậm chí là “côn đồ”, bắt nạt bạn bè nhiều lần, để ngoài tai lời răn dạy của thầy cô, cha mẹ, không thể uốn nắn nếu chỉ sử dụng những biện pháp nhẹ nhàng. Với những học sinh như thế, một học kỳ viết không biết bao nhiêu bản kiểm điểm, nhưng đâu vẫn vào đó, không có sự thay đổi. Chúng tôi bắt buộc phải sử dụng những biện pháp mạnh hơn như đình chỉ học vài ngày tới một tuần để răn đe.
Nếu bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ học, giáo viên như bị “trói tay” và không có các công cụ để giáo dục các em một cách nghiêm khắc”.
![]() |
Nhiều giáo viên bày tỏ sự băn khoăn khi bỏ hình thức kỷ luật cảnh cáo và đình chỉ học. (Ảnh mang tính minh họa). |
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Nhung (giáo viên một trường tư thục tại Hà Nội) cũng chia sẻ: “Trên thực tế, không ít những vụ bắt nạt, bạo lực học đường gây rúng động dư luận từng xảy ra. Chẳng hạn, mới đây, hai nữ sinh lớp 7 tại Tiền Giang đã hẹn một nữ sinh lớp 8 cùng trường đến nói chuyện rồi xúm vào đánh bạn và thậm chí có hành vi làm nhục em này, quay video đăng lên mạng xã hội.
Nhà trường tất nhiên phải mời phụ huynh của các em lên làm việc, đưa các em ra cơ quan Công an tường trình, lấy lời khai và làm cam kết thu hồi clip. Hai em này sau đó đã bị hạ hạnh kiểm và bị kỷ luật với hình thức buộc nghỉ học một tuần. Tôi nghĩ, trong những trường hợp như thế, viết bản kiểm điểm hoàn toàn không đủ sức răn đe và buộc nghỉ học là mức kỷ luật hợp lý.
Tuy thế, trong trường hợp này, không nên hiểu buộc nghỉ học là từ chối đào tạo, “trả lại” các em cho gia đình. Thời gian đình chỉ học hiện nay phổ biến khoảng vài ngày tới 1 tuần. Trong khoảng thời gian ấy, rất cần có những buổi làm việc chung của các bên, gồm cả nhà trường, phụ huynh và các em, bình tĩnh, từ tốn để giải thích cho các em hiểu và từ từ uốn nắn hành vi sai lầm. Khi ấy, đình chỉ học sẽ không chỉ còn là “kỷ luật” nữa, mà còn là cách giáo dục và động viên các em, giúp các em vượt qua những sai phạm”.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra không đơn thuần bắt nguồn từ sự “hư hỏng” của học sinh, mà còn từ sự thiếu kết nối, thiếu quan tâm đúng mức từ cả gia đình và nhà trường. Khi một đứa trẻ sai, không chỉ chính em đó phải có trách nhiệm sửa sai, mà còn là trách nhiệm của cả hệ sinh thái giáo dục xung quanh em.
“Kỷ luật nhân văn không có nghĩa là loại trừ, từ chối các em. Nhà trường áp dụng kỷ luật cũng chỉ vì muốn các em có thời gian tĩnh tại, suy nghĩ về sai lầm và gia đình có thời gian chia sẻ để cùng nhà trường giáo dục con cái”, cô Nhung nhìn nhận.
Kim Quyên - Phương Mai
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/neu-hoc-sinh-hut-thuoc-danh-ban-chi-phai-viet-ban-kiem-muc-phat-chua-du-suc-ran-de-190212.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này