Đánh giá hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế hiện nay tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng ban Chính sách công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Mặc dù hành lang pháp lý đã được hoàn thiện đáng kể trong những năm qua, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn không ít bất cập trong việc bảo vệ quyền sở hữu, gia nhập thị trường, hoạt động kinh doanh và rút lui khỏi thị trường - đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp SME.
Cụ thể, ở góc độ pháp luật bảo vệ quyền sở hữu, hệ thống quy định đã thiết lập nền tảng khá đầy đủ, song hiệu quả thực thi vẫn là điểm yếu. Việc xử lý vi phạm bản quyền còn thiếu nhất quán, nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ hiệu quả đồng nghĩa với việc họ có thể mất trắng công nghệ hoặc ý tưởng chỉ vì khoảng trống trong thực thi pháp luật.
Trong khi đó, quá trình gia nhập thị trường dù đã cải cách mạnh mẽ, vẫn tồn tại các rào cản hành chính phức tạp, đặc biệt trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng địa bàn hoạt động. Với các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, chia sẻ tài nguyên, hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp loay hoay giữa rủi ro và kỳ vọng.
![]() |
Ảnh minh họa: P.D |
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, không ít đơn vị vẫn bị ràng buộc bởi các quy định chuyên ngành can thiệp sâu, thiếu linh hoạt và dễ bị lạm dụng. Hệ thống văn bản chồng chéo, thay đổi nhanh chóng khiến chi phí tuân thủ gia tăng, tác động lớn đến doanh nghiệp nhỏ vốn hạn chế về nhân lực pháp lý và năng lực quản trị.
Đặc biệt, thủ tục rút lui khỏi thị trường như giải thể, phá sản, vẫn bị đánh giá là phức tạp và kéo dài, dẫn đến tình trạng “tồn tại hình thức” trong không ít doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận thủ tục phá sản do chi phí pháp lý quá cao so với quy mô và khả năng chi trả.
Giữa bức tranh đó, sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là một trong những bước chuyển quan trọng trong tư duy và hành động của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết đã định vị lại vai trò của kinh tế tư nhân không chỉ là “bổ trợ”, mà còn là “động lực quan trọng” của nền kinh tế, cần được đối xử bình đẳng và hỗ trợ phát triển thực chất.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 68 đã “thắp lửa” kỳ vọng về một môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn. Trong đó, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là yêu cầu tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như vốn, đất đai, hạ tầng, đào tạo và khoa học công nghệ.
Theo nhiều doanh nghiệp, trong ba yếu tố nền tảng của môi trường cạnh tranh, gồm vốn, thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất - thì việc tiếp cận đất đai là rào cản lớn nhất. Không ít doanh nghiệp SME muốn mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nhưng lại bị “trói chân” vì không có mặt bằng phù hợp. Chính sách đất đai nhiều năm qua chưa đủ linh hoạt, thiếu ưu đãi cần thiết và đặc biệt là khó tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ vốn hạn chế về tài chính và thủ tục.
GS.TS Tô Trung Thành: “Tăng trưởng cao phải đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô. Cần cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách tài khóa lành mạnh, cải thiện an sinh xã hội và chú trọng phát triển kinh tế tư nhân như động lực trung tâm. Đồng thời, cần đẩy mạnh tái cơ cấu chuỗi sản xuất, thu hút FDI chất lượng cao, tận dụng hiệu quả các FTA, phát triển kinh tế số và các ngành công nghiệp chiến lược”. |
Nghị quyết 68 lần này đặt trúng và “mổ đúng” vào điểm nghẽn đó. Chủ trương cho phép địa phương sử dụng ngân sách để đầu tư hạ tầng gắn với phân quyền, đặc biệt trong phát triển các khu, cụm công nghiệp – được đánh giá là một trong những bước đột phá đáng chú ý. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành chủ động quy hoạch, đầu tư và vận hành các cụm công nghiệp vệ tinh, mở ra “bến đỗ” ổn định cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức sản xuất dài hạn.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi như giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cũng được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, thay vì duy trì mô hình phân tán, thiếu chuẩn hóa như hiện nay.
Không chỉ tháo gỡ những rào cản hữu hình, Nghị quyết 68 còn mở ra hướng tiếp cận thể chế theo hướng phân tầng – tức là có chính sách riêng phù hợp cho từng quy mô doanh nghiệp: Từ tập đoàn, doanh nghiệp vừa đến hộ kinh doanh. Việc định vị rõ đặc điểm, nhu cầu và khả năng hấp thụ chính sách của từng nhóm đối tượng sẽ giúp các giải pháp hỗ trợ “trúng đích”, giảm tình trạng cào bằng hoặc ưu ái thiếu kiểm soát.
Giới chuyên gia nhận định, để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải cụ thể hóa các nội dung vào văn bản pháp luật và thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, yếu tố minh bạch, ổn định và nhất quán trong áp dụng chính sách là then chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
GS.TS Tô Trung Thành cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa cần mở rộng theo hướng chọn lọc, tập trung vào đầu tư công hiệu quả và giảm thuế có mục tiêu. Chính sách tiền tệ cần cẩn trọng, không gây rủi ro cho ổn định tài chính. Quan trọng nhất là tạo dựng môi trường phát triển nội lực, nơi doanh nghiệp SME có thể phát huy vai trò thực chất, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu và đóng góp giá trị gia tăng bền vững.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi xanh và tận dụng tốt các FTA thế hệ mới cũng được xem là “cánh tay nối dài” cho doanh nghiệp tư nhân cất cánh, đặc biệt là nhóm SME nếu được tiếp cận công bằng với hạ tầng và cơ hội.
Bảo Thoa
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nghi-quyet-so-68-mo-rong-canh-cua-tiep-can-nguon-luc-cho-doanh-nghiep-sme-189952.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này