Khi Công đoàn lắng nghe và thấu hiểu

13:21 | 09/05/2025
Mỗi dịp tháng 5 về, Tháng Công nhân lại khởi động với nhiều hoạt động tôn vinh, tri ân, chăm lo đời sống cho người lao động. Nhưng bên cạnh các phần quà, suất ăn, công nhân hôm nay còn mong gì hơn? Lắng nghe kỳ vọng từ chính họ, những người đang hàng ngày bám dây chuyền, bám công trường - là cách để Tháng Công nhân trở thành tháng hành động đúng nghĩa.
Công đoàn Công ty Cổ phần FECON: Đồng hành cùng người lao động trong Tháng Công nhân 2025 LĐLĐ quận Long Biên: Tri ân người lao động bằng những phần quà thiết thực Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Những kỳ vọng lớn không nằm ở vật chất

Giờ nghỉ trưa trong một xưởng gia công bao bì ở Thanh Trì (Hà Nội), giữa những chiếc quạt công nghiệp quay đều và tiếng máy may vẫn còn rền rĩ từ ca trước, một công nhân nữ nói nhẹ mà đủ khiến cả phòng nghỉ lặng đi: “Tôi quý phần quà của Công đoàn tặng lắm. Nhưng điều tôi cần hơn là có người đứng ra bảo vệ công nhân khi bị nợ lương mà không ai dám lên tiếng”.

Câu nói ấy không phải là lời than trách, mà là một niềm kỳ vọng - kỳ vọng được lắng nghe. Bởi với người lao động, điều họ mong muốn ở Tháng Công nhân không chỉ là quà, là lễ phát động, mà là sự hiện diện thực sự của những người đại diện tiếng nói của họ. Là khi họ yếu thế, mỏi mệt hay chịu thiệt, có một “cái ô” để họ yên tâm ngẩng đầu mà làm việc.

Được bảo vệ, được nghe, và được phát triển, đó là những kỳ vọng âm thầm nhưng mạnh mẽ mà người lao động đang đặt vào Tháng Công nhân - tháng mà người lao động sẽ không bị bỏ quên.

Bởi đâu đó vẫn còn những băn khoăn. “Bảo hộ lao động cấp phát thì có, nhưng không đủ, hoặc chất lượng kém. Có hôm trời nắng nóng 38 độ, chúng tôi vẫn làm trong nhà xưởng bí bức, không có quạt phụ trợ”, một công nhân ngành thực phẩm chia sẻ.

Khi Công đoàn lắng nghe và thấu hiểu
Được bảo vệ, được nghe, và được phát triển, đó là ba kỳ vọng âm thầm nhưng mạnh mẽ mà người lao động đang đặt vào Tháng Công nhân.

Thực tế cho thấy, điều kiện làm việc an toàn vẫn là nỗi lo hàng đầu của nhiều công nhân, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhỏ, lẻ, tư nhân. Họ không mong điều gì lớn lao, chỉ cần được cấp phát đồ bảo hộ đúng quy định, có phòng nghỉ tạm giữa ca, có hệ thống cảnh báo khi làm việc trên cao hay gần hóa chất. Đó là những điều tưởng chừng tối thiểu nhưng đôi khi lại “xa xỉ” với một số lao động giản đơn.

Ở nhiều nơi, người lao động vẫn bị “vô hình” trong các quyết định liên quan đến ca kíp, tăng ca, hay phúc lợi nội bộ. Những chính sách được ban hành từ bàn giấy của quản lý, chưa qua lắng nghe tiếng nói từ dưới xưởng.

“Tôi từng nghỉ thai sản 6 tháng xong quay lại thì bị xếp vào tổ khác, công việc nặng hơn, không được thỏa thuận trước. Chỉ biết… chịu thôi”, một nữ công nhân chia sẻ trong một buổi đối thoại.

Công đoàn cơ sở có thể làm gì? Vai trò thương lượng tập thể, vốn được coi là "vũ khí mềm" của công đoàn, cần phát huy đúng lúc. Bởi, Tháng Công nhân sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu người lao động không thấy quyền được tham gia vào chính sách mà họ đang chịu tác động trực tiếp.

Cùng với điều kiện làm việc ở một số nơi chưa được đảm bảo, thì trong thời đại chuyển đổi số, một bộ phận không nhỏ người lao động vẫn đang đứng ngoài “cuộc chơi công nghệ”. Một số công ty đã triển khai các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nhưng chưa đủ, chưa đều. Nhiều người mong được học vận hành máy móc mới, nâng cao kỹ năng mềm, học thêm nghề phụ để dự phòng rủi ro thất nghiệp.

Tháng Công nhân không chỉ nên là dịp tri ân mà phải là bước khởi đầu cho hành trình nâng cấp người lao động, từ tay nghề đến năng lực số.

Khi Công đoàn lắng nghe và hành động

Tại nhiều địa phương, mô hình “Hội nghị đối thoại với người lao động” đang chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Như ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, các buổi đối thoại trực tiếp đã giúp nhiều kiến nghị được giải quyết ngay tại chỗ, từ chuyện tăng ca quá nhiều, tới bữa ăn giữa ca thiếu dinh dưỡng.

Tại huyện Mỹ Đức, Tháng Công nhân mang chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”. Các cấp Công đoàn trong huyện được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động trọng tâm như: chương trình “Cảm ơn người lao động”, “Công nhân sáng tạo”, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy… Lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức khẳng định, đây không chỉ là dịp tri ân người lao động mà còn là bước đệm quan trọng để chuẩn bị lực lượng lao động vững mạnh, chủ động trong hội nhập và chuyển đổi công nghệ, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Với Liên đoàn Lao động quận Long Biên tri ân người lao động bằng những phần quà thiết thực. Đặc biệt, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống và sức khỏe của người lao động bằng việc trao tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho thân nhân của đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con.

Khi Công đoàn lắng nghe và thấu hiểu
Người lao động được trao đổi thẳng thắn về những chính sách, quyền lợi liên quan đến bản thân trong các cuộc Đối thoại - Giao lưu trực tuyến trước thềm Tháng Công nhân 2025.

Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì thì triển khai chương trình “Cảm ơn người lao động” gắn với khảo sát thực trạng đời sống, làm căn cứ để thiết kế chính sách phúc lợi phù hợp từng nhóm ngành nghề. Không còn là tặng quà dàn trải mà là hành động sát thực.

Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì, huyện Mê Linh, quận Bắc Từ Liêm,… và hàng loạt các quận, huyện khác tổ chức khám sức khỏe và tầm soát ung thư miễn phí cho người lao động. Nhiều đơn vị phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức các buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến để giúp người lao động được giải đáp về quyền lợi lao động và các chính sách liên quan trực tiếp đến công việc và bản thân người lao động.

Người lao động không mong quá nhiều, nhưng họ đủ nhạy cảm để biết đâu là sự quan tâm thật sự. Một phần quà được trao kèm lời hỏi han chân thành giá trị hơn rất nhiều so với những băng rôn màu mè. Một cuộc đối thoại công khai giá trị hơn một cuộc phát động rầm rộ nhưng xa rời thực tế.

Hướng tới Tháng Công nhân năm 2025, từ rất sớm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2025 trong các cấp Công đoàn Thành phố, đặc biệt là 8 hoạt động trọng tâm, thể hiện sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Theo đó, phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động. Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và công nhân; tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô; khám, tư vấn sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhiều nội dung khác cũng được triển khai như truyền thông pháp luật lao động, Luật Thủ đô; học tập và làm theo Bác; tặng quà cho công nhân khó khăn, bị tai nạn lao động; tổ chức Giải bóng đá công nhân viên chức, lao động lần thứ X. Chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò công nhân, đồng thời động viên lực lượng lao động tích cực rèn luyện, nâng cao kỹ năng, thích ứng với thời đại mới.

Tháng Công nhân, nếu chỉ còn là dịp tặng quà, văn nghệ, khẩu hiệu, sẽ dần mất đi lý do tồn tại. Nhưng nếu biến thành tháng để lắng nghe người lao động, hành động vì người lao động, thì đó sẽ là tháng để giữ chân nhân lực, giữ gìn sự ổn định cho doanh nghiệp và xã hội.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này