Thống nhất cao giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non
Ngày 6/5, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo tại kỳ họp của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, giáo viên mầm non không được coi là đối tượng làm việc trong các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tuy nhiên, giáo viên mầm non thực hiện công việc đặc thù, có áp lực rất lớn về công việc và thời gian lao động; khi tuổi cao sẽ khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đều thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non theo các chế độ quy định trong dự thảo luật.
![]() |
Khi thực hiện công tác giáo dục, giáo viên Mầm non phải múa, hát, vận động thể dục, vận động nhảy múa theo nhạc; nếu phải làm việc đến 60 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay thì rất khó đáp ứng với yêu cầu đặc thù chuyên môn của cấp học Mầm non. Ảnh minh họa. |
Bày tỏ niềm vui khi nhiều đại biểu Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo, trao đổi về nội dung này, nhiều giáo viên mầm non cho rằng: Công việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non đòi hỏi sự kiên nhẫn, năng lượng và cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần rất lớn. Áp lực công việc hàng ngày, sự tương tác liên tục với trẻ nhỏ, cùng với trách nhiệm đảm bảo an toàn và phát triển toàn diện cho các em có thể gây ra những căng thẳng và mệt mỏi tích tụ theo thời gian. Việc xem xét cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn sẽ giúp các cô có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình, cũng như tận hưởng cuộc sống sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở lứa tuổi nền tảng quan trọng này.
Là giáo viên đã có thâm niên 20 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thanh - giáo viên trường Mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) trải lòng: Giáo viên mầm non thực sự rất vất vả, vừa dạy, vừa dỗ, ngoài việc chăm nuôi giáo dục các bé thì còn nhiều việc khác như: Lau dọn phòng học, thu dọn, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh phòng chống dịch bệnh cho trẻ; tham gia các phong trào thi đua, làm đồ dùng tự tạo, thiết kế bài giảng điện tử, tổ chức các ngày hội, ngày lễ… Qua tuổi 50, nhiều cô giáo già - kinh nghiệm thì có đấy, nhưng múa không còn dẻo, hát không còn hay nữa. Do vậy, rất mong Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến giáo viên mầm non.
Giáo viên mầm non có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm Điều 30 Dự thảo Luật Nhà giáo về Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo quy định: 1. Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định của pháp luật có liên quan trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. |
Bày tỏ đồng tình cao với quan điểm thảo luận tại Quốc hội, nhà giáo Phạm Thị Miên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) cho rằng: Giáo viên mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ nhỏ, phải đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần. Khi thực hiện công tác giáo dục, giáo viên phải múa, hát, vận động thể dục, vận động nhảy múa theo nhạc; nếu phải làm việc đến 60 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay thì rất khó đáp ứng với yêu cầu đặc thù chuyên môn của cấp học Mầm non, sẽ rơi vào tình trạng “bà giáo già dạy trẻ”.
Cạnh đó, theo nhà giáo Phạm Thị Miên, trong thời đại phát triển mạnh về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhiều giáo viên lớn tuổi không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và thích ứng với các phần mềm hiện tại.
“Chúng tôi mong mỏi và kính đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa bày tỏ.
Cần cải thiện chế độ cho nhân viên nuôi dưỡng trong trường mầm non
Cũng bàn đến chế độ của giáo viên, nhân viên hiện đang công tác ở bậc học Mầm non, trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, nhiều giáo viên cho biết: Hiện nay công việc của các cô nuôi trong các trường Mầm non khá vất vả, thường xuyên tiếp xúc với khí ga độc hại mà chưa được thêm phụ cấp nào từ ngân sách Nhà nước. Lương của họ đang được trả theo Hợp đồng 68 (hợp đồng lao động được ký theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ) còn thấp. Vì vậy, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn các cấp quan tâm hỗ trợ thêm để tiền lương của các cô nuôi dưỡng được đảm bảo, yên tâm công tác, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao.
Chia sẻ cụ thể hơn về chế độ của nhân viên nuôi dưỡng, nhà giáo Tạ Thị Dưỡng (Trường Mầm non Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) cho biết: Hiện nay, nhân viên nuôi dưỡng (cấp dưỡng) tại các trường mầm non công lập ở Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn về chế độ đãi ngộ. Mức lương cơ bản thấp, thường dao động từ khoảng 2,6 đến 4,4 triệu đồng/tháng tùy theo bậc lương và thâm niên công tác. Ngoài lương, hầu hết các cô đều không có phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.
Từ thực tế trên, nhà giáo Tạ Thị Dưỡng đề nghị: Cần xem xét bổ sung phụ cấp độc hại, nặng nhọc cho nhân viên nuôi dưỡng bởi công việc nấu ăn trong môi trường bếp thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, tiếng ồn và nguy cơ tai nạn lao động.
Cạnh đó, nhiều nhân viên nuôi dưỡng mong muốn được chuyển lương sang ngạch viên chức để được hưởng đầy đủ các chế độ như giáo viên, bao gồm lương theo bằng cấp, phụ cấp thâm niên và các chế độ bảo hiểm xã hội.
“Chúng tôi mong muốn các cấp quản lý xem xét tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho nhân viên nuôi dưỡng, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề”, giáo viên Trường Mầm non Ngọc Liệp bày tỏ.
B.Duy
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giao-vien-mam-non-mong-duoc-nghi-huu-o-tuoi-55-189680.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này