Nữ nhà giáo với hành trình “gieo mầm” tri thức trong kỷ nguyên số

06:01 | 08/05/2025
Hơn 15 năm miệt mài trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh (giáo viên tiếng Anh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Giảng Võ 2, quận Ba Đình) luôn hết lòng với công việc, được Ban Giám hiệu, phụ huynh tin tưởng và học sinh yêu mến. Với cô, không có gì quý giá hơn khi thấy học sinh vững vàng bước tiếp trên hành trình học vấn, với ngọn lửa đam mê mà mình đã góp phần nhóm lên.
Giáo viên từ tỉnh xa về Hà Nội "tầm sư học đạo" về "Hạnh phúc trong giáo dục" Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo Người mẹ của những “vầng trăng khuyết”

Năng động, sáng tạo, luôn đặt cái tâm nghề nghiệp lên hàng đầu - đó là ấn tượng rõ nhất của đồng nghiệp khi cùng làm việc với cô giáo Nguyễn Ngọc Anh. Hơn 15 năm miệt mài trên bục giảng, cô luôn tận tụy, hết lòng vì học sinh. Cô được biết đến là một giáo viên có nhiều thành tích xuất sắc và luôn có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy để học sinh không bị áp lực mà vẫn hứng thú với môn học.

Nữ nhà giáo với hành trình “gieo mầm” tri thức trong kỷ nguyên số
Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh (giáo viên tiếng Anh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Giảng Võ 2, quận Ba Đình).

“Tôi luôn tin rằng, nếu học sinh không thấy hứng thú, có thể là do cách dạy học chưa đủ cuốn hút. Chính vì vậy, tôi đã không ngừng đổi mới cách thức tổ chức lớp học, lấy học sinh làm trung tâm.

Tại lớp học của tôi, học sinh không đến lớp để nghe giảng một chiều mà được trải nghiệm các hoạt động học tập tương tác cao như: Đóng vai, tranh biện, thuyết trình, thiết kế dự án học tập… Thông qua các hoạt động này, học sinh không chỉ học ngôn ngữ mà còn rèn luyện kỹ năng 4C - một trong những nền tảng quan trọng của giáo dục thế kỷ 21 - đó là: Communication (giao tiếp) - Collaboration (hợp tác) - Critical thinking (tư duy phản biện) - Creativity (sáng tạo)”, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Cùng đó, cô cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, khai thác các nền tảng học tập số hay xây dựng những trò chơi học tập giúp học sinh tiếp cận kiến thức tự nhiên, hứng thú. Mặc dù tất cả đều là những bước đi mới mẻ, nhưng cô đã kiên trì thử nghiệm, điều chỉnh và lan tỏa. Với cô, công nghệ thông tin không thay thế được giáo viên, nhưng là công cụ giúp giáo viên làm tốt hơn vai trò của mình trong lớp học hiện đại.

Nữ nhà giáo với hành trình “gieo mầm” tri thức trong kỷ nguyên số
Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh trong tiết dạy minh họa ứng dụng công nghệ lớp học thông minh tại Hội nghị liên Sở giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái.

Không chỉ tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh còn là một nhà giáo có nhiều thành tích, đóng góp nổi bật cho sự nghiệp giáo dục. Cô đã nhiều lần liên tiếp đạt giải Xuất sắc tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận; được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo quận Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 9, năm học 2024 - 2025... Đó không chỉ là những phần thưởng danh giá, tự hào mà còn là sự khẳng định cho tinh thần trách nhiệm, lòng tận tụy và khát vọng không ngừng cống hiến của cô trong nghề. Trong hành trình ấy, cô đã âm thầm tiếp sức và nâng bước cho biết bao thế hệ học sinh. Dưới sự dìu dắt của cô, nhiều học sinh đã chinh phục những thành tích ấn tượng: 4 giải Nhất cấp Thành phố môn tiếng Anh, 5 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tại kỳ thi Toán quốc tế Pangea năm 2023...

Ngoài ra, cô còn là tác giả và đồng tác giả của 16 cuốn sách tham khảo môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở; nhiều lần thực hiện vai trò báo cáo viên trong các buổi tập huấn, tọa đàm, chia sẻ chuyên môn; đảm nhận 8 tiết dạy minh họa cho Chương trình giáo dục phổ thông 2028.

Cùng đó, cô cũng là một trong những giáo viên đầu tiên của quận Ba Đình tham gia giảng dạy trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19, góp mặt trong các tiết dạy phát sóng trên truyền hình, giúp học sinh duy trì nhịp học.

Nữ nhà giáo với hành trình “gieo mầm” tri thức trong kỷ nguyên số
Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh đạt giải Xuất sắc tại chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 9, năm học 2024 - 2025.

Đặc biệt, với tinh thần sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng, cô đã dành thời gian kết nối và giảng dạy trực tuyến cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đông An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). “Các học sinh nơi đây vẫn thường gọi tôi trìu mến là “cô giáo Hà Nội”, háo hức chờ đợi khi đến tiết học tiếng Anh với tôi. Mặc dù chỉ gặp nhau qua nền tảng online nhưng cô trò đã có sợi dây kết nối tình cảm đặc biệt. Nhìn các em vui vẻ và phấn khởi, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc”, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ.

Đau đáu với nghề, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh luôn chú trọng đến việc tự bồi dưỡng chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và cập nhật xu hướng giáo dục hiện đại. Cô đã tham gia nhiều khóa học tập và đào tạo chuyên sâu tại: Trường Đại học Western Sydney (Úc), Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á - SEAMEO Innotech (Philippines), Chương trình hợp tác đào tạo giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Singapore (SCP).

Những trải nghiệm học tập và đào tạo quốc tế này đã giúp cô làm mới tư duy nghề nghiệp, đồng thời mang lại những đổi mới thiết thực trong hoạt động giảng dạy.

Với những đóng góp tích cực của mình, vừa qua, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh đã được Hội đồng xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” giới thiệu tham dự xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức.

“Hơn 15 năm gắn bó với nghề, tôi luôn tâm niệm: “Làm nghề giáo, nhất định phải sống và làm việc bằng cả trái tim”. Tôi luôn xem trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ để thi và đạt giải mà là tiền đề khơi dậy trí tuệ và vun đắp bản lĩnh cho các thế hệ học sinh”, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Thảo Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này