Thêm nhiều tour du lịch “độc, lạ” ở Lâm Đồng Lâm Đồng: Hơn 1.200 công nhân lao động phấn khởi với "Bữa cơm Công đoàn" Cú hích cho tỉnh Lâm Đồng cất cánh |
Phát biểu tại buổi họp báo về "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025" chiều 6/5, ông Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233 km², quy mô dân số 3.324.400 người, đưa Lâm Đồng vào top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, theo trục Đông - Tây, tỉnh vừa có đường biên giới với Campuchia và vừa giáp biển, mở ra không gian phát triển rộng lớn với tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế - du lịch - nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
![]() |
Ông Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi họp báo. |
"Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025" được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa và sức sáng tạo của người dân Lâm Đồng - Đà Lạt, bao gồm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và làng nghề tiêu biểu.
Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động chính như Diễn đàn kết nối "Văn hóa - Du lịch - Thương mại" diễn ra sáng ngày 17/5/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo các cấp, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó là chương trình Khai mạc kết hợp biểu diễn nghệ thuật "Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội" diễn ra từ tối ngày 17/5/2025 tại không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng, khu vực hồ Hoàn Kiếm; trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch và sản vật của Lâm Đồng kéo dài suốt 3 ngày sự kiện (16-18/5/2025) tại khu vực hồ Hoàn Kiếm; triển lãm Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt giới thiệu các định hướng phát triển của tỉnh sau sáp nhập, từ ngày 16-18/5/2025; không gian trà và trưng bày các sản phẩm trà giới thiệu đặc sản nổi tiếng của vùng cao nguyên.
![]() |
Phối cảnh sự kiện. |
Là vùng đất có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, Lâm Đồng mang đến Thủ đô Hà Nội sự phong phú về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng và sắc thái văn hóa. Đặc biệt, "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên" - di sản được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới" (năm 2005) và "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" (năm 2008) - sẽ được giới thiệu tới công chúng.
Nhiều phong tục đặc trưng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, tục bắt chồng của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Lâm Đồng cũng sẽ được tái hiện, tạo nên bức tranh đa dạng và độc đáo về đời sống văn hóa vùng cao nguyên.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh Lâm Đồng mà còn là dịp để kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch - dịch vụ. Đây là cơ hội để lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thể hiện tinh thần cởi mở chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đồng thời cam kết tạo điều kiện tối đa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Thông qua diễn đàn kết nối "Văn hóa - Du lịch - Thương mại", tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế vùng, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển du lịch, thương mại và quảng bá văn hóa.
Sự kiện do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chủ trì, với sự phối hợp của nhiều đơn vị như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.
Phương Bùi
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ngay-van-hoa-lam-dong-tai-ha-noi-nam-2025-tinh-hoa-47-dan-toc-hoi-tu-tai-thu-do-189594.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này