Quận Tây Hồ vận dụng nhiều chính sách hợp lý trong GPMB Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên Công khai tiến độ, quy hoạch, khung giá đền bù giúp Dự án xây dựng cầu Tứ Liên đẩy nhanh tiến độ |
Cần sự phối hợp chặt chẽ, liên ngành và liên cấp
Tài liệu từ Sở NN&MT Hà Nội cho thấy, thời gian qua, Sở NN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất trong việc kiểm tra nguồn gốc sử dụng đất, xác minh hồ sơ địa chính, đặc biệt tại các khu vực đất đai có tranh chấp, đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất.
Đối với các dự án như: Dự án Đường Vành đai 3.5; Dự án nạo vét hồ Tây; Dự án đường Trường Sa; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu... công tác rà soát pháp lý đã giúp phân loại rõ nhóm đối tượng được bồi thường hỗ trợ – tái định cư, xác định rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất là cơ sở pháp lý để xây dựng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; để từ đó tạo cơ sở tuyên truyền đảm bảo tính minh bạch, có trọng tâm.
Đặc biệt, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu chạy qua địa bàn các quận, huyện Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh, dự án khởi công vào ngày 19/5 rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, quận, huyện.
Dự án có điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ và điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa huyện Đông Anh với tổng chiều dài phạm vi nghiên cứu khoảng 5,15km. Tổng mức đầu tư dự án là 20.171.000 triệu đồng.
![]() |
Công tác phối hợp tốt giữa các sở, ngành, quận, huyện sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB, bảo đảm quyền lợi của người dân, tổ chức. (Ảnh: K.H) |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, các Phòng NN&MT cấp quận, huyện đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở để thống nhất nguyên tắc tính giá đất, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa quyết định giá đất cũ và mới.
Việc phối hợp giữa Sở NN&MT và các địa phương trong xác định suất đầu tư, bố trí kịp thời quỹ nhà tái định cư cũng giúp giảm thiểu các khiếu kiện phát sinh. Bên cạnh đó, Tổ công tác liên ngành (được UBND Thành phố giao nhiệm vụ) đã chủ động phối hợp với các quận huyện từ khâu đo đạc kiểm đếm, rà soát các cơ chế chính sách, phân tích các tình huống phát sinh từ thực tiễn để tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ bổ sung ngoài khung bồi thường theo hướng “hỗ trợ chuyển tiếp sinh kế” dựa trên nguyên tắc linh hoạt nhưng có kiểm soát, đảm bảo hài hoà giữa việc GPMB và việc chăm lo đời sống nhân dân.
Các buổi đối thoại do lãnh đạo địa phương chủ trì có sự tham gia của đại diện các Sở như NN&MT, Xây dựng, Tài chính... đã giúp tháo gỡ ngay tại chỗ những khúc mắc về cơ chế, chính sách, là một kênh quan trọng về ghi nhận các tình huống phát sinh thự thực tiễn.
Đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc niêm yết công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời từ chủ trương, các quy định của pháp luật về GPMB, bồi thường hỗ trợ tái định cư, số liệu điều tra khảo sát, đo đạc kiểm đếm… giúp người dân có thể “kiểm chứng thông tin” thay vì truyền miệng, tạo minh bạch và giảm khiếu nại.
Đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, đề cao tính hiệu quả
Theo Phó Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Anh Quân, trong công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến không ít dự án vẫn còn một số tồn tại như: Việc cập nhật và khai thác dữ liệu quản lý đất đai ở cơ sở, thậm trí tại các phòng chuyên môn của Sở còn thiếu khoa học, chưa đầy đủ, kịp thời khiến thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, ảnh hưởng tiến độ tuyên truyền và vận động.
Nhận thức của một số cán bộ chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm chưa cao, việc tuyên truyền giải thích qua loa hình thức dẫn đến việc: Có thời điểm người dân không phân biệt được vai trò của Sở NN&MT với UBND quận/huyện, từ đó dẫn đến hiểu nhầm, nghi ngờ tính minh bạch.
Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm so với tiến độ dự án, khiến quận/huyện lúng túng trong giải thích và vận động.
Để hoàn thiện cơ chế phối hợp đa tầng, liên thông, Phó Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Anh Quân đưa ra giải pháp: “Cần làm tốt công tác phối hợp liên ngành, liên cấp, nhất là quy định rõ trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ, đầu mối liên lạc giữa các Sở ngành và quận/huyện theo từng giai đoạn: rà soát hồ sơ thẩm định - tuyên truyền - bàn giao mặt bằng.
Duy trì Tổ công tác liên ngành của Thành phố đối với các dự án trọng điểm, phức tạp. Tổ công tác sẽ được phân công theo nhóm dự án lớn, với cơ chế làm việc song song, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, đề cao tính hiệu quả.
Đưa tiêu chí “hiệu quả phối hợp tuyên truyền GPMB” vào đánh giá thi đua giữa các cấp. Việc đánh giá này cần khách quan, có số liệu định lượng như tỷ lệ bàn giao đúng tiến độ, tỷ lệ hộ dân đồng thuận từ lần đầu vận động.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai số hóa, dùng chung. Đảm bảo công khai – minh bạch – truy xuất nguồn gốc đất đai, hỗ trợ cán bộ tuyên truyền giải thích có cơ sở, nâng cao lòng tin của người dân”.
Theo ông Quân, công tác GPMB chính là phép thử cho năng lực phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân. Nếu làm tốt, không chỉ đẩy nhanh tiến độ dự án, mà còn củng cố niềm tin, tăng sự gắn bó giữa chính quyền với người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động GPMB không chỉ là một hoạt động chính trị - hành chính mà còn là một quá trình “dân vận khéo” đòi hỏi sự kết hợp giữa luật pháp, sự lắng nghe và chia sẻ.
Khắc Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/pho-giam-doc-so-nnmt-ha-noi-cong-tac-gpmb-la-phep-thu-nang-luc-giua-cac-don-vi-lien-quan-189234.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này