Nơi lưu giữ kỷ vật một thời khói lửa Nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày chiến thắng trở về |
Nơi vun bồi lòng yêu nước
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của thôn Nam Quất, xã Nam Triều, Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày không mang dáng vẻ đồ sộ, không ồn ào khách du lịch. Ấy vậy mà nơi ấy lại có một sức sống rất riêng – âm thầm, kiên định, dung chứa trong lòng nó những câu chuyện bi tráng của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên. Ở đó, mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi dòng chú thích như thì thầm kể lại những tháng ngày rực lửa – khi lòng yêu nước là điều duy nhất dẫn đường giữa đêm đen tù ngục.
Đứng sau không gian đầy cảm xúc ấy là một người đàn ông bình dị – ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng. Gọi là “Giám đốc” cho oai, chứ thực ra chính ông cũng tự trào mình là “Giám đốc làng quê” – một cách nói nửa đùa nửa thật nhưng chứa đựng cả sự tự hào và trách nhiệm.
![]() |
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là một trong những “địa chỉ đỏ” trao truyền tình yêu đất nước. |
Nghe kể, ông Bảng nhập ngũ năm 1965, là chiến sĩ trung đoàn Bình Giã, từng bước qua lằn ranh sống – chết trong một trận đánh ác liệt. Với bảy lần lên bàn mổ, chỉ còn sống với một quả thận, ông tưởng như đã có thể yên nghỉ sau những đau đớn về thể xác. Nhưng số phận lại đưa ông vào nhà tù Phú Quốc – “địa ngục trần gian” nơi hàng vạn người chiến sĩ từng bị giam cầm.
Những năm tù đầy, chứng kiến đồng đội bị tra tấn bằng những cách tàn khốc nhất – đóng đinh vào đầu, nhốt chuồng cọp giữa nắng, đổ nước sôi lên người – ông Bảng và các đồng chí của mình vẫn kiên trung, một lòng son sắt với Đảng, với lý tưởng cách mạng.
Ra tù năm 1973, trở về quê hương trong một cơ thể chẳng còn lành lặn, ông Bảng tiếp tục cống hiến trong ngành giao thông vận tải. Nhưng điều khiến ông đau đáu nhất lại là ký ức về những người đã không còn trở về. “Tôi muốn có một nơi để anh em có thể gặp nhau, nhớ lại và thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống”, ông nói giản dị.
Từ tâm nguyện lập một phòng truyền thống nhỏ tại tư gia, ông đi xa hơn là lập nên một bảo tàng. Để có được kết quả như vậy, người thương binh già Lâm Văn Bảng đã đi khắp đất nước để sưu tầm kỷ vật, cũng như bán cả đất, cả nhà để xây dựng bảo tàng. Ông giấu vợ bán mảnh đất ở Phủ Lý (Hà Nam) đi mua đất liền kề đất nhà. Ông cũng vận động được dòng tộc hiến tặng 1.600m2 đất hương hỏa để có quỹ đất mở bảo tàng. Bên cạnh đó là hàng trăm chuyến đi trên khắp đất nước đến các nhà tù của chế độ cũ, nhà những đồng đội cũ, những nhân chứng lịch sử để tìm kiếm, quyên góp kỷ vật chiến tranh. Và năm 2006, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức ra đời – là kết quả của gần nửa đời người gom góp, gìn giữ từng mảnh ký ức.
Không ngân sách, không biên chế, ông Bảng và những người đồng đội cũ tự nguyện góp sức người, sức của. Gần 5.000 hiện vật quý giá được trưng bày ở đây – không chỉ là sắt thép, giấy tờ hay hình ảnh mà là chứng tích sống động của lòng quả cảm, của những tấm gương oanh liệt, những người đồng chí thủy chung từng bước qua ngục tối.
Tôi ngồi nghe ông kể chuyện, giọng ông trầm trầm như gió qua đồi, chậm rãi nhưng đầy sức nặng. Ông không nói nhiều về mình - mà luôn nhắc đến những người đã hy sinh. Giọng ông nghèn nghẹn khi kể về đồng đội bị nhổ hết răng, bị đóng đinh vào đầu rồi vẫn hát, vẫn tin, vẫn động viên nhau giữ lòng kiên trung. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt ông lúc đó - sợ nước mắt mình sẽ phản bội cảm xúc đang dâng trào.
Trao truyền tình yêu đất nước
Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày được chia thành các không gian chuyên đề: từ khu trưng bày hiện vật về nhà tù Phú Quốc, các thủ đoạn tra tấn man rợ, đến những tấm gương kiên trung, những vật dụng của chiến sĩ trong tù, của gia đình liệt sĩ, thương binh trên khắp cả nước. Không gian, hiện vật phong phú nhưng không choáng ngợp. Từng hiện vật được đặt trong sự tôn trọng như đang giữ một phần linh hồn của người nằm lại.
Ông Kiều Văn Uỵch – Phó Giám đốc bảo tàng dẫn tôi đến phòng trưng bày số 7. Giọng ông trầm lại khi kể về những hiện vật “biết nói”. Ông bảo, có người khách từng bật khóc khi đọc đến câu chuyện ông Trương Bá Ngãi (xã Phú Túc, Phú Xuyên), bị địch đập đầu, đánh gãy tay, giẫm giày đinh đến khi ngừng thở. Hay ông Trần Văn Viêm (xã Hồng Minh, Phú Xuyên) tổ chức cho 30 chiến sĩ vượt ngục, bị bắt tra tấn dã man, rồi bị buộc vào xe kéo lê đến chết. Rồi cả ông Vũ Văn Kim (Thuận Thành, Bắc Ninh) – người tự mổ bụng để phản đối chế độ nhà tù hà khắc…
Cứ như vậy, các ký ức hiện về trong ánh đèn vàng nhạt. Những câu chuyện vượt khỏi khuôn khổ hiện vật để bước thẳng vào tâm trí người nghe, để rồi nhức nhối mãi. “Có những chiến sĩ đã tự thiêu để đấu tranh. Có những người tuyệt thực suốt tuần. Mỗi lần kể lại, tôi vẫn xúc động như thuở nào,” ông Uỵch lặng lẽ nói.
![]() |
Ông Lâm Văn Bảng và những đồng đội của mình nguyện dành nốt quãng đời còn lại gìn giữ Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. |
Không chỉ có ông Bảng hay ông Uỵch, bảo tàng còn có ông Nguyễn Tiến Mộc – Phó Giám đốc khác – cùng với 25 tình nguyện viên, phần lớn là cựu chiến binh, ngày ngày cần mẫn thu nhặt hiện vật, kể chuyện cho học sinh, sinh viên, du khách.
Giờ đây, điều khiến những người neo giữ “địa chỉ đỏ” vui nhất là ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên đến thăm bảo tàng. Những bước chân non trẻ bước đi giữa những bức tường dày kỷ niệm, chăm chú lắng nghe những câu chuyện tưởng chừng xa lạ – nhưng lại là máu thịt của cha ông mình.
Bảo tàng nhỏ giữa thôn quê ấy không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật. Nó là nhịp cầu ký ức – nơi người sống tri ân người đã khuất, nơi quá khứ gặp gỡ tương lai. Những câu chuyện về đau thương, về lòng kiên trung ấy tiếp tục được kể, không phải để khơi gợi hận thù, mà để nhắc nhở mỗi người hôm nay rằng: Hòa bình – là món quà lớn nhất mà lịch sử đã trả bằng máu.
Rời bảo tàng, chúng tôi ngoái nhìn lại ngôi nhà nhỏ nép mình dưới bóng tre làng – nơi mà mỗi viên gạch, mỗi tấm ảnh, mỗi dòng chữ đều đang lặng lẽ kể lại những câu chuyện máu và nước mắt của một thời khốc liệt. Ở đó, những kỷ vật không chỉ là hiện thân của lịch sử, mà còn là chứng nhân sống động về ý chí kiên cường, lòng trung thành sắt đá và khát vọng tự do cháy bỏng của những người chiến sĩ cách mạng từng bước qua "địa ngục trần gian".
Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh để cho hôm nay được gọi tên bằng hai chữ: hòa bình. Và giờ đây, trong không gian bình dị của một làng quê ngoại thành Hà Nội, những câu chuyện ấy vẫn đang tiếp tục được kể lại – không chỉ để nhớ, mà để nhắc nhở; không chỉ để tiếc thương, mà để truyền lửa cho các thế hệ mai sau.
Bảo tàng ấy như chính ông Lâm Văn Bảng từng nói – không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà là một ngọn lửa âm ỉ, cháy mãi giữa lòng dân, để mỗi người khi ghé qua đều lặng lẽ tự hỏi: "Mình đã sống xứng đáng với những người đi trước hay chưa?".
Rời bảo tàng, chúng tôi ngoái nhìn lại ngôi nhà nhỏ nép mình dưới bóng tre làng – nơi mà mỗi viên gạch, mỗi tấm ảnh, mỗi dòng chữ đều đang lặng lẽ kể lại những câu chuyện máu và nước mắt của một thời khốc liệt. Ở đó, những kỷ vật không chỉ là hiện thân của lịch sử, mà còn là chứng nhân sống động về ý chí kiên cường, lòng trung thành sắt đá và khát vọng tự do cháy bỏng của những người chiến sĩ cách mạng từng bước qua "địa ngục trần gian". |
Đinh Luyện
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/noi-nhung-cau-chuyen-hoa-binh-duoc-ke-lai-189182.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này