Câu chuyện thiêng liêng cột mốc chủ quyền

13:20 | 24/04/2025
Ấn tượng đẹp về những cột mốc biên giới luôn sống mãi trong tôi, nhất là khi đặt chân tới những cột mốc chủ quyền biên giới. Dẫu biết rằng, phía sau mỗi tấm đá hoa cương khắc ghi chủ quyền ấy là câu chuyện bằng lời kể về những hy sinh của người lính, máu nhuộm đỏ từng tấc đất biên thùy. Điều này cũng không ngoại lệ với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum.
“Mỗi cuốn sách, bài thơ, bức ảnh là một cột mốc chủ quyền” Những cột mốc chủ quyền trên biển

Trang sử hào hùng nơi phên dậu biên giới

Đồn Bờ Y được thành lập ngày 15/6/1975. Khi cả một chiều dài biên giới chưa dứt tiếng súng của đám tàn quân ngụy quyền, của nhiều nhóm Fulro thì những người lính của Đồn lại phải cầm súng chống lại những kẻ xâm lấn từ bên kia biên giới do Pôn Pốt cầm đầu.

Ngày 3/5/1978 trên hướng Đồn biên phòng 637, Đồn Mô Ray và Đồn 641, Pôn Pốt đưa lực lượng vũ trang sang đất ta phục kích, cài mìn trên trục đường giao thông, chặn đánh các xe chở lương thực, thực phẩm vào các đồn, yêu cầu ta chuyển đồn biên phòng sâu vào nội địa… Những trận đánh ác liệt giữa ta và địch liên tiếp diễn ra. Cũng trong ngày này, sau khi nhận được tin báo của dân, đồng chí A Nhoong, chỉ huy đồn đã bố trí người mật phục nhóm lính Pôl Pốt tại làng Iệc. Đúng 4g trận đánh nổ ra, địch vừa nổ súng bắn trả vừa rút chạy về bên kia biên giới. Đồng chí Nhoong bị thương nặng, hy sinh khi anh em cáng gần về đến Đồn. Một số người dân xã Bờ Y báo, ở bên kia biên giới có một số nấm mộ mới chôn, đó chính là số lính Pol Pốt đã bị ta tiêu diệt sáng ngày 3/5. Sau trận chiến này, máu của những người lính vẫn tiếp tục đổ, anh A Dương và anh Quyền hy sinh do vướng mìn trên biên giới, anh A Chanh bị thương trong lần phản công quân Pôl Pốt khi chúng tìm cách tấn công vào đồn, anh Nguyễn Ngọc Truyền bị thương khi ở chốt…

Câu chuyện thiêng liêng cột mốc chủ quyền
Chiến sĩ Đồn biên phòng Sêrêpốk tuần tra biên giới.

Đường lên cột mốc ngã ba biên giới, hay còn được gọi với cái tên:“ Ngã ba Đông dương” xoắn tròn hệt chiếc lò xo. Sau hàng chục bậc đi được xây bằng gạch, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới cột mốc hình tam giác được Chính phủ 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia khánh thành vào đầu năm 2008. Ở độ cao 1086m có cảm giác như mây đang xà xuống, hệt tấm chăn bông mềm bao quanh cơ thể. Phóng tầm mắt ra bốn hướng chỉ là hoang vu núi rừng, một vẻ vắng lặng man mác buồn của chiều biên giới.

Từ đây về đến khu dân cư của ta và nước bạn Lào chỉ khoảng 10 cây số, nhưng muốn sang Cam-pu-chia phải băng rừng lội suối gấp bảy tám lần như thế trong điều kiện đi cả ngày đường mà chẳng gặp mặt một ai. Cột mốc biện giới nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe là đây.

Nhớ lại hành trình đặt chân tới đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tôi không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến những con tàu gỗ của ngư dân Lý Sơn như cột mốc sống với cờ đỏ phần phật tung bay trên nóc, ưỡn ngực, đầy bản lĩnh nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến, để lại sau đuôi tàu những đường sóng cong cong mềm mại hình chữ S, hệt dáng hình thân thương của Tổ quốc.

Giờ đây, đứng ngay cạnh cột mốc chủ quyền thiêng liêng nơi ngã ba biên giới, giữa một chiều gió lộng với bạt ngàn cỏ lau, dễ dàng phóng tầm mắt ra bốn hướng để chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, bất chợt trong tôi vang lên những vần thơ của tác giả Lò Ngân Sủn: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương…”. Chiều biên giới đẹp không chỉ bởi màu sắc của núi rừng mà còn đẹp hơn bởi những cột mốc miền biên ải, sừng sững hiên ngang như dáng đứng Tổ quốc, cảm giác tự hào về non sông gấm vóc như được nhân lên gấp bội.

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền

Nãy giờ, Trung úy Nguyễn Viết Đồng, cán bộ Đồn Bờ Y và Trung úy Lưu Ngọc Anh, Quyền trưởng Ban tuyên huấn Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum chọn đứng dưới tán một cây nhỏ vừa nhìn vừa tủm tỉm cười khi thấy các thành viên trong đoàn hết thả hồn ngắm cảnh bốn hướng xung quanh, thích thú chụp ảnh đủ ba mặt cột mốc…Ai lên đây mà chẳng muốn lưu lại chút kỷ niệm. Chỉ về cái vòng lò xo thứ hai, xa tít dưới chân núi, Ngọc Anh khoe: “Nhà em dưới đó, cuối tuần nếu đơn vị cho nghỉ em sẽ về kiếm ống nứa dẫn nước từ suối vào ruộng cà phê của nhà”. Hóa ra anh chàng này là công dân ngã ba biên giới, vậy mà cả chặng đường nghe mọi người háo hức đoàn già đoán non xem cột mốc sẽ như thế nào, cũng chẳng thèm lên tiếng làm hướng dẫn viên lấy một câu.

Cách đây hai năm cậu đang là Đội trưởng trinh sát của Đồn Sa Thày, Ngọc Anh tâm sự: “Mỗi lần hành quân ngang cột mốc trong lòng em cũng dấy lên một cảm xúc thiêng liêng rất khó tả. Những người lính biên phòng luôn ý thức được trọng trách Tổ quốc và nhân dân giao phó nơi tuyến đầu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia. Thường thường mỗi cột mốc cách nhau khoảng chừng trên 5km đường chim bay, nhưng để cắt rừng đi từ mốc này đến mốc khác có khi phải mất cả ngày trời. Một chuyến đi tuần tra đôi khi từ 7 đến 10 ngày. Gặp mưa rừng, lũ quét thì phải mất gần một tháng”.

Lính Đồn Bờ Y, mùa khô “tuyên chiến” với cái nắng, cái gió đến… “héo” cả người, còn khi trời chuyển mưa là phải trên mũ, dưới tất trùm kín để “né” bớt cái lạnh và sự khát máu từ đám ruồi vàng, đỉa khô (vắt). Trung úy Đồng kể, BĐBP Việt Nam thường xuyên tiếp tế lương thực thực phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Cam-pu-chia mà đường giáp biên giới bạn, vắt nhiều lắm. Có khi trao quà xong, thấy ống quần rung rung, bộ đội cúi xuống lôi ra kiểu gì cũng được vài con: “Hiện Đồn đảm nhiệm tuần tra bảo vệ gần 20km biên giới, có 9 cột mốc tiếp giáp với 2 nước là Lào và Cam-pu-chia. Tại mỗi cột mốc, sau khi tiến hành phát quang các cành cây rậm rạp, quan sát, kiểm tra các dấu hiệu cột mốc biên giới thấy không có gì thay đổi, nghi lễ chào cột mốc - chủ quyền Tổ quốc - được các chiến sĩ thực hiện trang nghiêm”, Đồng nói.

Nhớ lại lần ở Đồn Sêrêpốk, Đắk Lắk, tôi chứng kiến trung úy Trần Hữu Phát, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính đang cùng 5 chiến sĩ kiểm tra lại ba lô, vũ khí chuẩn bị cho chuyến làm nhiệm vụ mật phục. Gắn bó với biên thùy nhiều năm nên Phát quá quen với khí hậu, địa hình khắc nghiệt, chỉ nghe mùi gió cậu cũng có thể biết ngày hôm ấy khí hậu sẽ ra sao để chuẩn bị sẵn áo ấm, áo mưa. Không kể ngày đêm, các chiến sĩ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Nhớ một lần, cả đội đang mật phục ở dòng suối thì nửa có mưa rào bất chợt, nước dâng cao khiến cả đêm hôm ấy mọi người ướt sũng, rét cầm cập.

Chuyến hành quân này, đội sẽ dừng chân bên cột mốc số 44 tiến hành quét dọn, thu gom lá khô xung quanh cột. Những người lính tự hào kể về cảm xúc luôn mới của mình khi đứng trước chủ quyền biên giới. Kết thúc nhiệm vụ, bên cây đàn ghi ta, họ lại tự hào cất lên ca khúc do chính đồng đội của mình sáng tác - “Chiều biên giới” của Vũ Hiệp Bình: “Rừng chiều biên giới bao la/ Ngồi bên con suối ngân nga/ Có người chiến sĩ hát với cây đàn ghi ta/ Lời ca theo gió bát ngát/ Suối reo hòa âm miên man/ Hoàng hôn buồn xuống tím ngát/ Khúc ca chiều dâng mênh mang…”. Nếu nơi nào của Tổ quốc say giấc ngủ thì chắc chắn không phải miền biên ải, vì ở nơi này luôn có những người lính biên phòng đang thức cho nhân dân nghỉ ngơi.

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này