Đẩy mạnh ứng dụng AI trong hoạt động dạy, học

06:42 | 23/04/2025
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy không chỉ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả công tác mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại, sáng tạo cho học sinh. Nhờ ứng dụng AI, các tiết học trở nên sinh động hơn, học sinh tham gia tích cực hơn, kết quả học tập cũng theo đó cải thiện rõ rệt.
Sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi giáo dục Ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với cơ cở giáo dục Tăng cường, bồi dưỡng tập huấn ứng dụng AI trong giảng dạy

Những giờ học thú vị nhờ ứng dụng AI

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã giúp mở ra những xu hướng mới trong lĩnh vực giáo dục. Ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có AI vào hoạt động dạy, học mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Qua ghi nhận, tại Hà Nội, nhờ giáo viên nhanh nhạy ứng dụng AI, những giờ học của học sinh đã trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Với khả năng ứng dụng công nghệ thông tin tốt, cô giáo Trần Thị Xuân Mỹ (Trường Tiểu học An Dương Vương, huyện Đông Anh) đã xây dựng kho thiết bị dạy học số phục vụ các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội phù hợp với đối tượng học sinh của lớp, gồm các dụng cụ đo lường ảo, thí nghiệm ảo, nguồn tư liệu 3D... Thay vì chỉ học qua các hình ảnh tĩnh trong sách giáo khoa, các học sinh có thể tương tác trực tiếp với mô hình 3D sinh động, chân thực. Học sinh vô cùng thích thú và có trải nghiệm học tập chủ động, hấp dẫn.

Đẩy mạnh ứng dụng AI trong hoạt động dạy, học
AI hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục.

Cùng đó, cô đã khai thác công nghệ AI và các phần mềm hỗ trợ hoạt động của giáo viên để tạo nhân vật AI đồng hành cùng học sinh, sử dụng AI chuyển hình ảnh thành video, chuyển văn bản thành giọng nói, tạo hệ thống bài tập, quản lý lớp học bằng phần mềm… Nhờ những giải pháp trên, học sinh của cô luôn cảm thấy hào hứng, mạnh dạn và chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Nhiều phụ huynh đã trao đổi rằng các em rất vui và háo hức khi kể với bố mẹ về những “bức tranh chuyển động” hay những câu chuyện y như thật vô cùng gần gũi.

Quyết tâm chinh phục những ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất để áp dụng vào công việc giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Đãi (Trường Tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa) luôn tích cực tham gia các chương trình tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa và nhà trường tổ chức; đồng thời chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin. Sau một thời gian nghiên cứu, bám sát mô hình hệ sinh thái chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy của nhà trường, cô đã tiên phong xây dựng và ứng dụng thành công các giải pháp chuyển đổi số vào công tác giảng dạy như dùng AI để sáng tạo nội dung bài học thành phim hoạt hình, dùng phần mềm tương tác xây dựng bài tập, trò chơi cho học sinh...

Những phép tính tưởng chừng khô khan, những bài toán nhiều dữ liệu rắc rối, hay những bài văn khó... qua sự sáng tạo của cô đã trở nên phong phú, hấp dẫn lạ thường. Chưa bao giờ việc “học mà chơi, chơi mà học” lại phát huy hiệu quả đến thế. Một chân trời mới mở ra, mời gọi học sinh khám phá thông qua các trò chơi tương tác. Học sinh được làm chủ các ứng dụng công nghệ thông tin ngay trong những tiết học không mang tên “Tin học”, được khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình), các học sinh lớp 6A9 đã tỏ ra vô cùng hứng thú với tiết học tiếng Anh cùng cô giáo Hoàng Diệu Vy. Cô đã sử dụng hai phần mềm AI hỗ trợ phát âm và game hóa để học sinh vừa vui chơi, vừa thi đấu. Giờ học vì thế trở nên sinh động, hấp dẫn. Học sinh hiểu bài tốt hơn. “Khi gặp một từ học sinh phát âm sai hoặc là chưa biết phát âm, giáo viên sẽ nhập từ vào, sau đó cho các em thử tự phát âm rồi AI chấm điểm. Những bài tập trong sách thì sẽ được game hóa, thông qua trò chơi để vừa học được từ, vừa học được cấu trúc của những kiến thức ngữ pháp. Nhờ vây, các học sinh có thể tăng tính cạnh tranh và cảm thấy buổi học trở nên thú vị hơn”, cô giáo Hoàng Diệu Vy chia sẻ.

Nâng cao năng lực ứng dụng AI cho đội ngũ nhà giáo

Có thể khẳng định, việc ứng dụng AI trong hoạt động dạy, học đã và đang mở ra nhiều cơ hội đột phá, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn không ít giáo viên gặp khó khăn trong việc khai thác tối đa tiềm năng của AI. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu là do hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, thiếu thời gian học tập, thiết bị chưa đồng bộ…; đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực ứng dụng AI cho đội ngũ nhà giáo.

Ghi nhận tại quận Ba Đình, Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Đức Thuận cho biết, việc ứng dụng AI trong giảng dạy không chỉ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả công tác, mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại, sáng tạo cho học sinh. Tháng 2 vừa qua, Phòng GD&ĐT quận đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tomotech tổ chức khảo sát về nhu cầu đào tạo ứng dụng AI trong giảng dạy.

Kết quả khảo sát trên 2.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại các phòng, ban và trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn cho thấy phần lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng công nghệ hằng ngày (chiếm tỷ lệ 78,3%). Tuy nhiên, trong đó chỉ 62,3% đã từng sử dụng AI trong công việc. 37,7% chưa từng tiếp cận AI do thiếu phương tiện, kỹ năng hoặc chưa biết đến các ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Từ thực trạng này, Phòng GD&ĐT quận đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho gần 3.000 học viên, bao gồm 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn. Chương trình được phân chia theo nhóm đối tượng và tập trung vào những nội dung như: Ứng dụng AI trong quản lý nhà trường, phân tích dữ liệu giáo dục, xây dựng báo cáo tự động và bảo mật thông tin nội bộ; ứng dụng AI trong thiết kế trò chơi, tạo tài liệu giảng dạy và quản lý dữ liệu trẻ em; tích hợp AI vào bài giảng, thiết kế học liệu trực quan; thiết kế bài kiểm tra trực tuyến và bảo mật thông tin; sử dụng các công cụ AI (ChatGPT, Gemini, Perplexity, Notebook LM, Canva, Heygen, Gamma, Claude, Microsoft Copilot)…

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ Tô Thị Hải Yến, nhà trường nhận thức được việc ứng dụng AI trong hoạt động dạy, học là xu hướng tất yếu. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về ứng dụng AI, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ khuyến khích các môn học có đánh giá không bằng điểm số cho học sinh thực hiện bài kiểm tra có sử dụng công nghệ AI.

Với phương châm “Giáo dục thông minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, những năm qua, ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học. Các giáo viên trực tiếp giảng dạy thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng phần mềm giáo dục, sử dụng AI… giúp việc quản lý soạn bài, xây dựng kế hoạch giáo dục, nhận xét đánh giá học sinh trở nên thuận tiện, dễ dàng.

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.900 trường học với gần 2,3 triệu học sinh. Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, thời gian thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường tăng cường ứng dụng AI trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống thư viện số toàn ngành; khai thác hiệu quả kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành và ngân hàng câu hỏi trực tuyến…

Thảo Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này