Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều chính sách ưu đãi Xây dựng đơn vị đạt chuẩn văn hóa - kinh nghiệm từ một trường học |
Chương trình “Lắng nghe Bụt bước giữa đời” do nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu dẫn dắt, đã giới thiệu đến người nghe ba tác phẩm cốt lõi: Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông), Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca (Trần Nhân Tông).
Nhà văn Nhật Chiêu cho rằng, nói đến lịch sử thời Lý - Trần là gợi nhớ đến một thời đại anh dũng và hào hùng, rực rỡ và đẹp thơ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đây là thời đại dân tộc hưng thịnh và quốc gia phát triển.
Tại buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tập trung phân tích những tác phẩm của hai nhà vua, thiền sư Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và trò chuyện về cuộc đời kỳ lạ của hai ông. Với tư tưởng “Đạo không tách đời”, các vua Trần đưa Phật giáo thoát khỏi tính huyền bí tách biệt, trở thành con đường sống gần gũi, giàu tính nhân bản. Họ không chỉ tu hành mà còn cầm quân chống giặc, đưa đạo Phật nhập thế một cách đầy sinh động và sâu sắc.
![]() |
Nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu dẫn dắt chương trình. |
Nếu Khóa Hư Lục là hành trình truy cầu giác ngộ trong cương vị một bậc đế vương, thì Cư Trần Lạc Đạo Phú là tuyên ngôn sống thiền giữa trần gian - không rời bỏ đời sống mà hòa nhập nó bằng tâm hồn an nhiên. Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca lại mang lời thì thầm của người đã xuất gia tu hành, là tiếng nói của người xuất gia về sự ngộ đạo, sống giữa thiên nhiên với tâm thế tự tại.
Cả ba tác phẩm trên ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học, triết học và Phật giáo đương đại, nhấn mạnh sự hòa hợp giữa lý tưởng tu hành và đời sống thực tế. Trong xã hội hiện đại, các tư tưởng này vẫn có giá trị, giúp con người tìm kiếm sự bình an, giải thoát trong cuộc sống vốn có nhiều căng thẳng và xung đột.
Từ đây Bụt không còn là một khái niệm nữa mà là đang hiện thân giữa đời sống, như khi các Ngài tuyên bố trong thơ văn. “Bụt ở trong lòng, Bụt là ta” không còn là một cái gì thuộc về lý thuyết, mà là thực nghiệm tâm linh, thực nghiệm đời sống.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhấn mạnh, 800 năm đã qua đi, nhưng những giá trị mà các tác phẩm để lại vẫn còn nguyên giá trị, đó là sự thực hành giữa đạo và đời. Đồng thời ông muốn lan tỏa những giá trị này để công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa dân tộc và có sự thực hành trong hôm nay, khi mà con người đang phải đối diện với những vấn đề cả khách quan và chủ quan của thời đại.
![]() |
Sự kiện thu hút các bạn trẻ đã tham dự để tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng của hai vị vua thiền sư nhà Trần. |
Điều đáng chú ý là sự kiện có sự hiện diện đông đảo của giới trẻ. Hàng trăm bạn trẻ đến không chỉ để nghe, mà còn để cảm nhận, suy ngẫm về những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc giúp họ định hình bản sắc cá nhân và hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong xã hội.
Qua những phân tích về tính hiện đại, mới mẻ và niềm vui trong thơ văn đời Trần của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã khiến các bạn trẻ trong hội trường chăm chú lắng nghe. Có bạn trẻ đã phát biểu, nhiều người trẻ hiện nay vẫn còn đang loay hoay đi tìm cái xa xôi, dần xa vời với những giá trị của dân tộc, hôm nay được quay đầu nhìn lại những giá trị của cha ông mới thấy mình cứ mải miết đi tìm ở đâu đó, mà không biết những giá trị đó hiện diện ở ngay đây.
Bạn Trần Hoàng Hải Anh (sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội), chia sẻ: “Thông qua chương trình em cảm thấy thêm yêu thêm về văn học, lịch sử dân tộc. Trước đây em cứ nghĩ thiền là cái gì đó xa xôi, nhưng khi nghe “Bụt là ta”, em nhận ra sống tử tế, có ý thức, đó là thiền, đó là đạo”.
Nhật Chiêu là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, học giả có uy tín. Ông nguyên là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình dịch thuật - Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII. Uy tín nghề nghiệp của ông còn được khẳng định qua hàng loạt các công trình có giá trị như: Văn học Nhật Bản (biên khảo), Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung)... Ông còn được xem là một hiện tượng của văn xuôi đương đại với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi... Ngoài ra, với vai trò là nhà văn, ông còn được biết tới qua những tác phẩm như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)... Gần đây, tác phẩm nổi tiếng Ba nghìn thế giới thơm của ông vừa được tái bản và bổ sung. |
Phương Ngân
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/hoc-hoi-tu-di-san-cua-hai-vi-vua-nha-tran-188696.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này