Ông Hà Việt Phong, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy Sơn Tây cho biết, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), sắp sếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và mục tiêu phát triển của đất nước, cũng như yêu cầu trong xây dựng chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.
![]() |
Sau sắp xếp, dự kiến Sơn Tây chỉ còn 3 đơn vị hành chính với tên gọi là Sơn Tây, Tùng Thiện và Đoài Phương. |
Theo ông Hà Việt Phong, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây dự kiến chia làm 3 đơn vị hành chính cấp xã với quy mô, tên gọi là Sơn Tây, Tùng Thiện và Đoài Phương (hoặc Đông Sơn).
Cụ thể, với đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây, địa giới hành chính sẽ bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của phường Phú Thịnh, Ngô Quyền, Viên Sơn, xã Đường Lâm; phần lớn diện tích và dân số của các phường Sơn Lộc, Trung Hưng; một phần diện tích và dân số xã Thanh Mỹ. Diện tích tự nhiên là 23,44km2, quy mô dân số khoảng 51.000 người.
Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn hoá, lịch sử gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Sơn Tây - xứ Đoài, trọng tâm là Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền Và. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định (Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15)
Về tên gọi Sơn Tây là để lưu giữ dấu ấn văn hoá, lịch sử của một cùng đất cổ với danh xưng 556 năm, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất giầu truyền thống cách mạng, trung tâm chính trị - hành chính, văn hoá - lịch sử của vùng đất xứ Đoài xưa. Đảm bảo yêu cầu theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15: Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Với đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện, địa giới hành chính sẽ gồm toàn bộ diện tích và dân số của các phường Xuân Khanh, Trung Sơn Trầm, xã Xuân Sơn; một phần diện tích và dân số của phường Trung Hưng, Sơn Lộc; phần lớn diện tích và dân số của xã Thanh Mỹ. Diện tích tự nhiên là 32,78km2, quy mô dân số khoảng 43.400 người.
Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị sinh thái trong tương lai gắn với phát huy tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, sinh thái của hồ Xuân Khanh và các xã Xuân Sơn, Thanh Mỹ; phát triển y tế, giáo dục cấp vùng. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định (Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15)
Về tên gọi Tùng Thiện: Đáp ứng nguyên tắc đặt tên xã, phường hình thành sau sắp xếp của UBND thành phố Hà Nội là ưu tiên đặt tên theo tên gọi đã có trước đây, cũng như phù hợp với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hoá của địa phương. Huyện Tùng Thiện được đổi tên từ huyện Minh Nghĩa năm 1853, nay là phần phía nam thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì. Huyện Tùng Thiện tồn tại đến năm 1968 sáp nhập với một số đơn vị hành chính để thành lập huyện Ba Vì.
Như vậy, địa danh “Tùng Thiện” mang dấu ấn lâu đời theo tiến trình thay đổi địa lí hành chính thị xã Sơn Tây trong lịch sử. Các địa phương được sáp nhập thành đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện cơ bản trước đây đều thuộc huyện Tùng Thiện. Như vây, việc đặt tên đơn vị hành chính cơ sở Tùng Thiện là phù hợp với yếu tố lịch sử phát triển của thị xã Sơn Tây và các địa phương.
Về đơn vị hành chính cơ sở Đoài Phương (hoặc Đông Sơn), địa giới hành chính sẽ bao gồm toàn bộ diện tích và dân số xã Kim Sơn, Sơn Đông; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Đông. Diện tích tự nhiên là 57,20 km2, quy mô dân số khoảng 45.000 người.
![]() |
Sơn Tây là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa. |
Việc thành lập đơn vị hành chính cơ sở Đoài Phương phù hợp định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tập trung, công nghệ cao; khai thác tiềm năng, thế mạnh của hồ Đồng Mô, phát triển các khu nghỉ dưỡng ven hồ gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tâm linh, sinh thái, văn hoá… với định hướng hình thành khu vực du dịch trọng điểm Quốc gia. Đảm bảo yêu cầu sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định ( Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15)
Về tên gọi Đoài Phương, có thể hiểu, trong văn hoá phương Đông thì Đoài phương tĩnh nhất khu có nghĩa là vùng đất yên tĩnh phía tây, ít bị ảnh hưởng bởi những biên cố lịch sử, tự nhiên. Đoài là sự khẳng định dấu ấn đậm nét của một vùng văn hoá (Xứ Đoài) mà Sơn Tây là trung tâm, là hạt nhân. Đoài còn có ý nghĩa là hồ, đầm, đây là yếu tố đặc thù của 3 địa phương có hồ Đồng Mô và nhiều ao, hồ.
Như vậy tên gọi Đoài Phương có nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hoá, phù hợp với lịch sử phát triển của Sơn Tây và điều kiện văn hoá, lịch sử, tự nhiên của 3 địa phương.
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/son-tay-du-kien-con-3-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-188591.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này