Thuốc giả hậu quả thật

20:51 | 17/04/2025
Thuốc được sử dụng để điều trị, kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, hoặc thuốc kém chất lượng, thì việc điều trị bệnh không những không mang lại hiệu quả, mà còn gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Nhà thuốc gia truyền Khôi Nguyên sẽ bị cấm hoạt động Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả Không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”

Nhiều hậu quả từ thuốc tân dược giả

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ, khởi tố 14 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.

Lực lượng Công an tỉnh đã lập biên bản thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả; thu giữ các nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả. Đây là vấn đề rúng động với người dân, vì liên quan tới vấn đề sức khỏe của người dân.

Thuốc giả hậu quả thật
Công an xem xét các loại thuốc tân dược giả (Ảnh: Báo Nhân dân).

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, thuốc kê đơn (loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ) đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam.

Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng, hoặc giả mạo nhà sản xuất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp thuốc giả là “vũ khí giết người thầm lặng” tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Bác sĩ Hoàng cho biết, có nhiều hậu quả nguy hiểm từ tân dược giả. Hậu quả trực tiếp phổ biến với người bệnh là thất bại điều trị. Đặc biệt, các bệnh lý nguy cấp như nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư, việc bỏ lỡ thời điểm vàng vì dùng thuốc giả đồng nghĩa với mất cơ hội sống. Người bệnh cũng có thể đối diện với tình trạng ngộ độc, dị ứng do nhiều thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, tim mạch hoặc phản ứng phản vệ, có thể gây tử vong.

Sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, thuốc giả dạng tiêm hoặc vắc xin có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Bên cạnh đó, tình trạng người bệnh tử vong sau khi dùng thuốc giả đã được ghi nhận.

“Hậu quả gián tiếp của thuốc giả chính là tình trạng kháng kháng sinh, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian điều trị. Thuốc kháng sinh giả khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thúc đẩy khả năng đề kháng. Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Sự hiện diện của thuốc giả tạo ra vòng xoáy: Thất bại điều trị - biến chứng - chi phí điều trị cao hơn - gánh nặng cho hệ thống y tế và nguy cơ tử vong gia tăng" - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Thuốc tân dược giả còn tác động rất lớn đến ngành dược và quốc gia, đặc biệt với hệ thống y tế sẽ tăng chi phí điều trị do phải xử lý biến chứng; lãng phí nguồn lực từ giường bệnh, nhân lực, thuốc men; tăng chi phí kiểm nghiệm, điều tra cho cơ quan quản lý. Hệ lụy xã hội quan trọng nhất là người dân mất lòng tin vào ngành Y tế.

Dừng ngay nếu không may mua phải thuốc giả

Theo bác sĩ Hoàng cảnh báo, nếu người dân vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách thuốc giả, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời. "Nếu đã uống phải thuốc giả, đầu tiên, mọi người hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi" - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Thuốc giả hậu quả thật
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi. Đặc biệt, người bệnh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế.

"Bên cạnh đó, nếu người bệnh còn bao bì thuốc, mọi người đừng vứt bỏ. Đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả. Cuối cùng, đừng quên báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Hành động này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng" - bác sĩ Hoàng khuyến cáo thêm.

Các loại thuốc tân dược giả gồm:

Các loại tân dược: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion (trị ho, kích ứng).

Các thuốc chữa xương khớp: 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Singapore); 2.285 hộp trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoái hóa tọa cốt đơn.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này