TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động

08:41 | 17/04/2025
Sáng nay (17/4), tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Gia Lâm, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động”.
Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu? Công nhân chờ đợi các chương trình đối thoại Tăng cường đối thoại, đưa chính sách bảo hiểm đến với người lao động

Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Gia Lâm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ngày Quốc tế Lao động 1/5, hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2025.

Hoạt động này cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội và vấn đề an toàn lao động cho người lao động, qua đây thể hiện phương châm của tổ chức Công đoàn luôn hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo toàn diện cho người lao động.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại, giao lưu.

Tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố; ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô. Đặc biệt, tham dự buổi đối thoại, giao lưu còn có hơn 300 cán bộ công đoàn, CNVCLĐ huyện Gia Lâm.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Đoàn viên, người lao động huyện Gia Lâm tham dự buổi Đối thoại.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), gồm: Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và Sức khoẻ nghề nghiệp Trường Đại học Công đoàn; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I; Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

8h30: Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Bảo hiểm xã hội là bức tường vững chắc bảo vệ người lao động trước những rủi ro không mong muốn trong cuộc sống. Những điều chỉnh mới đây trong chính sách bảo hiểm xã hội đã mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao quyền lợi bảo hiểm, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận các chế độ. Đặc biệt, những điểm mới như chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hay việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và giải quyết chế độ bảo hiểm đang mang lại những chuyển biến tích cực, tạo sự minh bạch, tiện lợi và nhanh chóng.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến.

Về an toàn lao động, theo ông Đinh Tuấn Anh, chúng ta đang chứng kiến những cải cách mạnh mẽ trong các quy định pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động. Các chương trình huấn luyện, giám sát an toàn lao động được triển khai rộng rãi, cùng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động. Đây là những bước tiến đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và các doanh nghiệp đối với người lao động.

“Tuy nhiên, những chính sách dù tốt đẹp đến đâu cũng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi chúng ta có sự đồng lòng, tích cực tham gia từ tất cả các bên liên quan. Chính vì thế, thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn người lao động sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng, đóng góp ý kiến và chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, tôn trọng quyền lợi của người lao động”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đinh Tuấn Anh, hội nghị đối thoại, giao lưu hôm nay không chỉ là nơi để truyền tải thông tin, mà còn là cơ hội để lắng nghe tiếng nói, những tâm tư, nguyện vọng của từng người lao động. Mỗi câu hỏi, mỗi đề xuất từ các anh chị em chính là cơ sở để chúng ta tiếp tục hoàn thiện những chính sách, chương trình thiết thực hơn trong tương lai.

“Tôi tin rằng, với sự đồng lòng, đoàn kết và chia sẻ, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức, xây dựng một môi trường làm việc ngày càng tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều có thể yên tâm lao động, cống hiến và tận hưởng thành quả”, ông Đinh Tuấn Anh bày tỏ.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia buổi Đối thoại, giao lưu.

8h45: Chuyên gia giải đáp câu hỏi của CNVCLĐ

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Các chuyên gia Buổi đối thoại, giao lưu

Chị Nguyễn Ngọc Thịnh, Trường Tiểu học Tiền Phong hỏi: Khi tinh giản bộ máy mà người lao động bị mất việc thì có được hưởng chế độ gì không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi tinh giản bộ máy, nếu người lao động là viên chức, người lao động thôi việc sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp, nhưng nếu công chức không đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được hưởng trợ cấp này. Thay vào đó công chức sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương để tìm kiếm việc làm và sau 1 năm dừng đóng bảo hiểm xã hội người lao động có thể thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần nếu đủ điều kiện.


Chị Trần Thị Thu Hiền (Trường Mầm non Đa Tốn) hỏi: Có đoàn viên bị tai nạn xảy ra ngoài giờ làm việc, phải nghỉ 15 ngày làm việc theo chỉ định. Trường hợp này có được hưởng theo chế độ ốm đau không, chế độ hưởng như thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu trường hợp bị tai nạn bình thường thì được hưởng chế độ ốm đau. Cách tính mỗi ngày nghỉ được hưởng 75% ngày nghỉ. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.


Chị Tạ Thị Lan, Công ty TNHH Hanopro hỏi: Trong quá trình làm việc, người lao động phát hiện nguy cơ mất an toàn lao động thì có được tự ý rời bỏ nơi làm việc hay không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Tạ Thị Lan đặt câu hỏi

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Đây là câu hỏi mà rất nhiều người lao động rất băn khoăn. Trong Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có quy định rất rõ, người lao động có quyền rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, đe doạ đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay với người quản lý trực tiếp mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi

Tuy nhiên, Luật cũng chưa có quy định rõ thế nào là các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Do vậy, để làm rõ được vấn đề này, thì trong doanh nghiệp phải có quy định khi nào thì chúng ta coi là đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và quy trình rời bỏ nơi làm việc khi phát hiện các nguy cơ mất an toàn như thế nào. Tôi nghĩ rằng, tới đây, Luật An toàn vệ sinh lao động khi sửa đổi cũng phải làm rõ việc làm này.


Chị Đào Thái Hậu, Trường Mầm non Đông Dư hỏi: Trong quá trình mang thai, do sức khỏe không đảm bảo, người lao động phải nghỉ làm 1 tháng không lương. Vậy khi sinh con, người lao động có được hưởng chế độ thai sản không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chế độ thai sản người lao động phải bảo hiểm xã hội đóng đủ 6 tháng, trong vòng 12 tháng trước sinh. Tức là tính từ thời điểm sinh trở về trước 12 tháng thì phải có 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Như vậy, đối với những trường hợp người lao động có thời gian phải nghỉ trước đấy nhưng vẫn đảm bảo điều kiện đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh thì vẫn được hưởng chế độ thai sản như bình thường.


TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Đoàn viên, người lao động theo dõi buổi Đối thoại, giao lưu.

Bạn đọc từ Công ty Canon hỏi: Công ty có được xử lý kỷ luật với người lao động đang mang thai hay không? Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động là gì?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Theo quy định, đối với phụ nữ đang mang thai, đang nghỉ chế độ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì không xử lý kỉ luật với những trường hợp này. Sau khi người lao động hoàn thành tất cả các nghĩa vụ trên, căn cứ vào luật, người lao động sai đến đâu thì sẽ tiến hành xử lý luật đến đó.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chuyên gia Luật sư Nguyễn Văn Hà

Về những hành vi nghiêm cấm khi tiến hành xử lý kỷ luật: Theo quy định, khi tiến hành xử lý kỷ luật, chỉ được phép căn cứ vào Bộ luật Lao động, nội quy, để tiến hành xử lý; khi tiến hành biện pháp xử lý thì căn cứ vào tính chất, mức độ từng hành vi để áp dụng kỷ luật khác nhau.

Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động: 1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; 2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; 3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.


Chị Trương Thị Hồng Loan, Trường THCS Cổ Bi hỏi:

1. Người lao động có thể hưởng các chế độ chính sách gì từ khi mang thai đến sau sinh.

2: Khi thông tư 05 có hiệu lực thì cán bộ kiêm nhiệm làm việc trong trường học sẽ được hưởng những chế độ nào?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Trương Thị Hồng Loan đặt câu hỏi với chuyên gia

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nữ lao động được hưởng rất nhiều chính sách từ khi được mang thai. Trong đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, nữ lao động sẽ có 5 lần đi khám thai, mỗi lần 1 ngày, nếu thai bệnh lý, vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn sẽ được 2 ngày. Còn theo Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, nữ lao động sẽ có 5 lần đi khám thai, mỗi lần không quá 2 ngày.

Cũng theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối với trường hợp nữ lao động có thai trên 22 tuần tuổi, nếu không may bị sảy thai sẽ được hưởng chế độ thai sản như sinh con. Tuy nhiên, điều kiện để người lao động được hưởng chế độ là người lao động phải đóng đủ 6 tháng, trong vòng 12 tháng trước sinh. Tức là tính từ thời điểm sinh trở về trước 12 tháng thì phải có 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Đồng thời, nữ lao động không được đi làm trở lại trước 4 tháng.


Anh Hà Minh Hải, Công ty TNHH Lixil Việt Nam hỏi:

1. Theo quy định của pháp luật những bệnh nào thì được coi là bệnh nghề nghiệp?

2. Trước đây tôi có làm việc tại một công ty và có tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc 10 năm liên tiếp, giờ nghỉ việc nếu tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện có được không và cần nộp những giấy tờ gì?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Anh Hà Minh Hải, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi thứ nhất, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi cho biết: Về câu hỏi thứ nhất của anh tôi xin trả lời như sau: Luật An toàn vệ sinh lao động đã có định nghĩa: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hiện nay đã phân loại bệnh nghề nghiệp thành nhiều nhóm với hàng trăm bệnh khác nhau. Còn ở Việt Nam, Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động, gồm có một số bệnh chẳng hạn như: Bệnh bụi phổi Atbet (Amiăng); Bệnh bụi phổi bông; Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp… Gần đây thời gian vừa rồi dịch Covid- 19 phát triển mạnh mẽ thì chúng ta cũng đã đưa vào bệnh Covid nghề nghiệp vào bệnh nghề nghiệp.

Về câu hỏi thứ 2, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Người lao động đã có thời gian 10 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau khi nghỉ việc, ra ngoài tự kiếm việc làm trang trải cuộc sống thì có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và sẽ được cộng dồn hai khoảng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội với nhau để tính chế độ. Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng rất đơn giản: Anh có thể ra bảo hiểm xã hội để đăng ký hoặc đến các tổ chức dịch vụ thu cho cơ quan bảo hiểm xã hội để đăng ký lần đầu, sau đó có thể chọn trích đóng tự động từ tài khoản ngân hàng giống như trả tiền điện định kỳ.


Chị Nguyễn Thị Điệp, Trường Mầm non Bình Minh hỏi: Người lao động vừa điều trị ung thư tuyến giáp có giấy ra viện bác sĩ yêu cầu nghỉ thêm. Vậy người lao động có được hưởng chế độ ốm đau không? Và mức hưởng là bao nhiêu?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Nguyễn Thị Điệp, Trường Mầm non Bình Minh nêu câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp người lao động đi khám chữa bệnh, giấy ra viện yêu cầu nghỉ thêm 4 ngày, thì toàn bộ ngày điều trị tại bệnh viện và 4 ngày nghỉ thêm vẫn được hưởng theo chế độ ốm đau. Nếu như trong năm người lao động chưa nghỉ hết số ngày theo quy định thì vẫn được nghỉ như bình thường và vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán 75% tiền lương.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Đối với bệnh K, mắc bệnh dài ngày thì sẽ có một số điểm mới. Theo Luật Bảo hiểm hiện hành, đối với những bệnh dài ngày có thể được nghỉ 180 ngày/năm. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 thì không còn quy định 180 ngày nữa mà người lao động cũng chỉ được hưởng 30 ngày, 40 ngày, 60 ngày (tùy theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội). Sau thời gian này, mức hưởng lương theo bảo hiểm xã hội từ 75% sẽ tụt xuống 50%, 55%, 65 % (tùy theo thời gian có đóng bảo hiểm xã hội). Và không ấn định thời gian tối đa được hưởng chế độ ốm đau dài ngày.


Anh Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á hỏi: Người lao động được bảo đảm an toàn lao động như thế nào?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Anh Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi với chuyên gia.

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Việc bảo đảm an toàn lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động sẽ được chia ra làm nhóm lao động trong điều kiện bình thường và nhóm làm việc môi trường nguy hiểm, độc hại, hoặc cực kỳ độc hại. Tuy nhiên, người lao động dù làm việc trong bất cứ môi trường làm việc nào đều được đảm bảo an toàn lao động.

Với nhóm làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại sẽ phải có chế độ, quan tâm hơn. Như chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; trang bị bảo hộ cá nhân; thời gian sẽ giảm hơn so với những người làm việc trong môi trường bình thường. Còn đối với người lao động làm việc trong môi trường nghiêm ngặt thì họ có thể được nghỉ hưu sớm hơn so với người làm việc trong môi trường bình thường.


TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố tặng quà cho người lao động tham gia trả lời câu hỏi giao lưu tại Chương trình

Một người lao động gửi câu hỏi: Thời gian nghỉ ăn trưa và nghỉ giữa ca có được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong năm hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Thời gian nghỉ trưa, ăn trưa là ngoài thời gian làm việc nên sẽ không được tính vào số giờ làm thêm.

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi bổ sung: Thông thường trong các doanh nghiệp đang thực hiện thời gian làm việc như sau: Chia làm 2 ca sáng và chiều, trong đó ca sáng sẽ ngắt quãng là sau thời gian làm việc 2 tiếng nghỉ 15 phút sau đó làm việc 2 tiếng thì nghỉ ăn trưa và rồi tiếp tục làm việc 2 tiếng nghỉ 15 phút lại tiếp tục 2 tiếng thì hết ca nên thời gian nghỉ giữa ca đó vẫn tính trong 8 tiếng làm việc còn thời gian nghỉ ăn trưa sẽ không tính trong thời gian 8 tiếng làm việc. Do đó, trong thời gian nghỉ ăn trưa, nếu có những vấn đề gì xảy ra như tai nạn, thương tích thì không được xem là tai nạn lao động.


Anh Đỗ Minh Cường - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam hỏi: Người lao động tham gia giải bóng đá thường niên do công ty tổ chức và bị chấn thương thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Anh Đỗ Minh Cường nêu câu hỏi.

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Theo quy định của pháp luật, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Trong trường hợp này cần phải xem xét rõ: Giải bóng đá thường niên nay có được người sử dụng lao động ký quyết định tổ chức hay không, nếu có thì có thể coi đó là tai nạn lao động và người lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, tuy nhiên nếu là của các đoàn thể trong cơ quan tổ chức thì còn phải cân nhắc.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội nhà báo thành phố Hà Nội tặng quà cho người lao động.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, Công ty Sản xuất xuất khẩu quế hồi Việt Nam hỏi: Tiêu chuẩn nghỉ phép của người lao động trong doanh nghiệp quy định như thế nào? Theo quy định nếu người lao động làm việc 12 tháng thì được nghỉ 12 ngày. Vậy có được tính theo cách làm 3 tháng sẽ được nghỉ 3 ngày, 4 tháng nghỉ 4 ngày hay không, xin chuyên gia giải đáp giúp?

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Chế độ nghỉ phép hàng năm trong Bộ luật Lao động đã quy định rất rõ, người lao động phải làm việc đủ 12 tháng sẽ được nghỉ 12,14, 16 ngày/năm (tùy theo số năm làm việc). Mục đích của việc quy định này là tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, để khi người lao động cống hiến đủ trong 12 tháng mới xứng đáng được nhận số ngày nghỉ phép theo quy định. Do vậy, Bộ luật Lao động không quy định thời gian nghỉ phép tính theo tháng, làm 1 tháng thì nghỉ 1 ngày.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà cho người lao động.

Anh Đỗ Minh Cường, Công ty điện Stanley hỏi: Đối với những thiết bị có quy định yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, nếu không sử dụng nữa thì có cần khai báo không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Những thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt là những thiết bị có nguy cơ rất cao dẫn đến những tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chính vì vậy, chúng ta phải có biện pháp quản lý chặt chẽ. Với những thiết bị này trước khi sử dụng phải có khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi không sử dụng nữa thì cũng phải khai báo, để giảm bớt nguy cơ rủi ro trong môi trường làm việc của người lao động. Sau khi kiểm định lần đầu, thông thường các doanh nghiệp thường chủ quan, không tiến hành kiểm định lần sau, định kỳ. Tuy nhiên, việc kiểm định rất quan trọng, đảm bảo khả năng trang thiết bị tiếp tục hoạt động, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp.


Chị Lê Thị Thực, Công ty cổ phần keo dán Đức Anh hỏi: Do đơn hàng nhiều nên Công ty chồng tôi thường xuyên yêu cầu nhân viên tăng ca làm việc vào ban đêm, chồng tôi có được thanh toán làm thêm giờ không, nếu có thì tính thế nào?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Lê Thị Thực.

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy tại Điều 98, Bộ luật Lao động năm 2019, cách tính tiền lương làm thêm giờ được hưởng dẫn như sau: Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Luật sư Nguyễn Văn Hà.

Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Như vậy có thể nói, việc người lao động đi làm vào ban đêm sẽ được hưởng mức lương rất cao và điều này được quy định cụ thể tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, bạn có thể tham khảo quy định này để rõ hơn.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm trao quà cho người lao động tham gia trả lời câu hỏi giao lưu.

Chị Trần Thị Mến - Công ty TNHH Ladoda hỏi: Người lao động đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản, phải nhập viện điều trị, do người lao động có con nhỏ nên xin điều trị ngoại trú nhưng bác sĩ không đồng ý, không cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động, bác sĩ làm như vậy có sai không? Người lao động có được hưởng chế độ bảo hiểm không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Trần Thị Mến

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc cấp giấy nghỉ ốm thì bảo hiểm xã hội không can thiệp mà là do thể trạng của từng người. Việc người lao động đi khám, bác sĩ chỉ định nhập viện nhưng người lao động không nhập viện do đó bác sĩ từ chối chữa bệnh và không cấp giấy nghỉ ốm thì người lao động sẽ không được hưởng những quyền lợi bảo hiểm. Nếu người bệnh nhập viện điều trị nội trú, có giấy tờ thì sau khi ra viện sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm.


Chị Nguyễn Thị Minh, Nhà máy sản xuất bao bì Jumbo Tú Phương hỏi:

1, Người lao động làm việc trong môi trường độc hại nhưng không trong Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có được người sử dụng lao động thực hiện chế độ không?

2, Hiện nay, có nhiều trường hợp người lao động cố tình nghỉ việc sai quy định, không báo trước, ảnh hưởng đến người sử dụng lao động, hướng xử lý là gì?

Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Người lao động làm việc trong môi trường có các yếu tố nguy hiểm, độc hại vượt quá so với các quy định đặt ra, các công việc này sẽ được quy định trong các danh mục theo quy định. Khi đó người lao động sẽ hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật. Tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ 2 điều kiện sau đây: Làm các nghề, công việc thuộc Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.

Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 1 trong 2 yếu tố sau đây: Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế; tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”.

Theo chị chia sẻ, những trường hợp này, các quy định cũng khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Người lao động dự chương trình

Chị Bùi Thị Nga, Công ty TNHH Điện Stan ley Việt Nam hỏi: Khi người lao động nghỉ chế độ tai nạn lao động 2 tháng thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm gì? Có cần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian này không? Người lao động không nghỉ hết ngày phép năm có được chuyển đổi chi trả thành tiền không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Bùi Thị Nga

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trong thời gian người lao động phải nghỉ điều trị tai nạn lao động, người sử dụng vẫn phải trả đủ tiền lương, tiền công, tiền điều trị y tế cho người lao động. Sau đó, khi sức khỏe người lao động ổn định rồi giám định y khoa, nếu sức khỏe suy giảm dưới 5% thì cơ quan bảo hiểm xã hội không phải phải chi trả chế độ cho người lao động.

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Về việc nghỉ phép năm, hiện nay, Bộ luật Lao động không quy định việc thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ phép mà chỉ quy định những trường hợp chấm dứt hợp đồng do thôi việc thì những ngày không nghỉ phép năm mới được tính thành tiền nhưng pháp luật cũng tạo cơ chế linh hoạt cho người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau. Do đó, Công đoàn có thể thương lượng với chủ doanh nghiệp đưa quy định vào Thỏa ước lao động tập thể để thực hiện đối với việc thanh toán tiền cho những ngày nghỉ phép năm của người lao động.


Độc giả hỏi: Với đối tượng người nông dân từ 75 tuổi trở lên có được hưởng chế độ gì không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người dân 75 tuổi trở lên nếu không hưởng chế độ hưu trí, hay bất cứ chế độ trợ cấp nào sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Để được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội người dân phải có đơn theo đúng quy trình. Tuy nhiên, người dân phải chờ quy định hướng dẫn thực hiện. Vì hiện đang thay đổi cơ cấu tổ chức nên chưa rõ ràng.


Chị Tạ Thị Lan, Công ty TNHH Hanopro hỏi: Người lao động hết thời gian nghỉ sinh nhưng chưa thể quay lại làm việc do phải chăm con nhỏ, vậy trong thời gian này Công ty có cần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không? Có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Chị Tạ Thị Lan nêu câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Quy định chế độ đóng bảo hiểm xã hội khi có làm việc, có hưởng tiền lương, tiền công. Không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Đơn vị có thể căn cứ theo quy định để tính xem có việc đóng bảo hiểm xã hội hay không. Còn người lao động sau khi đi làm trong 30 ngày đầu, thấy sức khỏe không đảm bảo, người lao động có thể tiếp tục nghỉ dưỡng sức.

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, ông Nguyễn Đức Thể - Ủy viên Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm nhận xét: Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau lắng nghe những thông tin cập nhật, những phân tích sâu sắc về những điểm mới trong chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, phiên đối thoại và giao lưu trực tuyến đã diễn ra hết sức sôi nổi với 30 ý kiến được đặt ra và giải đáp một cách thấu đáo. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của anh chị em công nhân, viên chức, lao động đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và an toàn của mình.

TRỰC TUYẾN: Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn lao động
Ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho rằng, những thông tin và kiến thức được chia sẻ tại hội nghị ngày hôm nay sẽ giúp anh chị em công nhân lao động hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó chủ động hơn trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách này tại đơn vị, doanh nghiệp của mình. Đồng thời, những ý kiến đóng góp và những câu hỏi được đặt ra cũng là nguồn thông tin quý báu để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của người lao động.

“Hội nghị đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề hôm nay đã khép lại, nhưng những thông tin và tinh thần trao đổi cởi mở sẽ còn tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng người lao động huyện Gia Lâm. Chúng tôi hy vọng rằng, sau hội nghị này, anh chị em sẽ tiếp tục tìm hiểu, cập nhật thông tin và tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình”, ông Nguyễn Đức Thể nhấn mạnh.

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này