Chủ động phòng bệnh não mô cầu cho trẻ Tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu Nam thanh niên 22 tuổi nguy kịch do nhiễm não mô cầu |
Nguy kịch vì mắc não mô cầu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa cho biết, trong tuần, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp mắc não mô cầu tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân. Trường hợp mắc là trẻ nam, 3 tháng tuổi, chưa tiêm vắc xin phòng não mô cầu. Đây cũng là ca mắc não mô cầu đầu tiên tại Hà Nội từ đầu năm 2025 đến nay.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thăm, khám cho bệnh nhân mắc não mô cầu. |
Theo CDC Hà Nội, trẻ khởi phát bệnh ngày 29/3 với biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém, nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 30/3. Xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định. Cộng dồn năm 2025, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Trong tuần, CDC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân điều tra dịch tễ, xử lý dịch ca bệnh não mô cầu trên.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do nhiễm não mô cầu. Người bệnh là anh P.T.Đ, 22 tuổi, hiện đang làm việc và sinh sống tại Bắc Ninh.
Trước khi nhập viện, anh Đ có biểu hiện sốt, đau đầu. Sáng ngày vào viện, bạn cùng phòng phát hiện anh lơ mơ, gọi hỏi không đáp, nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện kiểm tra. Tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ thăm khám thấy bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ viêm màng não, nên anh Đ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng có biểu hiện viêm màng não rõ, hôn mê sâu gây ứ đọng và suy hô hấp, cần được hỗ trợ thở máy. Bệnh nhân có xuất hiện ban xuất huyết rải rác trên da gợi ý khả năng căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu. Các xét nghiệm được chỉ định và nhanh chóng xác định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tích cực và tình trạng bệnh cải thiện rõ rệt...
Tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Nhiễm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc giọt bắn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong”.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Thư cũng cho biết thêm: Các triệu chứng nhiễm não mô cầu thường khởi phát đột ngột như sốt, đau đầu, đau họng, buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện ban xuất huyết hoại tử hình sao trên da. Nếu tiến triển nặng, bệnh nhân có thể hôn mê, co giật, mất ý thức, nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng.
Những đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, thanh thiếu niên và người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh dễ bùng phát ở môi trường tập thể như trường học, ký túc xá, doanh trại, khu công nghiệp. Nghiên cứu cho thấy, có tới 5-25% người lành mang vi khuẩn này trong mũi họng mà không biểu hiện triệu chứng.
Liên quan tới căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: Viêm não mô cầu có khả năng lây lan rất nhanh, không thua kém bệnh sởi. Vì thế, nếu như Bệnh viện gặp 1 bệnh nhân não mô cầu thì sẽ tiến hành báo động cả bệnh viện. Bệnh viện sẽ phải có luồng vận chuyển bệnh nhân riêng giống như bệnh nhân sởi và sẽ phải cách ly. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin não mô cầu khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ phải dùng thuốc dự phòng.
“May mắn là vi khuẩn não mô cầu còn nhạy với các kháng sinh mà chúng tôi đang điều trị, vì thế nếu thực hiện tốt việc kiểm soát và khoanh vùng dịch tốt, thì nguy cơ bùng dịch khá là thấp. Nếu chúng ta chủ quan và bỏ qua thì sẽ có khả năng xảy ra thành các cụm dịch nhỏ”, bác sĩ Đức thông tin.
Để phòng bệnh hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh não mô cầu chủ động và hiệu quả nhất hiện nay. Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh và sử dụng thuốc dự phòng nếu có nguy cơ phơi nhiễm. Do bệnh diễn tiến rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao nên người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Minh Khuê
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/khong-chu-quan-voi-benh-nao-mo-cau-188186.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này