Đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp: Tôn trọng yếu tố lịch sử, văn hóa |
![]() |
Ảnh minh họa |
“Hé mở” nội dung này, mới đây tại Hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã báo cáo Dự thảo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố xin ý kiến các đại biểu. Theo đó, việc đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp được đề xuất theo 2 cách. Một là đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, cần xác định tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp không chỉ là câu chuyện danh xưng, mà cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...
Phương án 2 là đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hoá lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn một đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).
Bình luận vấn đề này, một số người dân cho rằng, để “công bằng” và không tạo ra những tranh cãi không cần thiết, phương án tối ưu nhất là đặt tên xã, phường mới theo tên quận, huyện cũ, như Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2… Vì thực ra, đối với cư dân, tên quận, huyện đã ăn sâu trong tâm trí họ, còn tên phường, xã chỉ là phần nhỏ. Nên khi đặt tên phường, xã mới lấy theo tên quận, huyện cũ, ai cũng có một địa danh lịch sử mà mình từng hoặc đã, đang sinh sống. Tuy nhiên, việc đặt tên không nhất thiết phải cứng như thế, vì đối với những quận, huyện có những địa danh đặc thù như Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc thì cũng có thể xem xét để lại tên.
Hiện các cơ quan chức năng đang lên phương án trình Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố, sau khi thông qua sẽ báo cáo Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, với cách đặt tên như dự thảo nhìn nhận góc độ khoa học và dư luận nhân dân là hợp lý.
Đăng Hà
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/dat-ten-don-vi-hanh-chinh-moi-khong-chi-la-danh-xung-187833.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này