Hà Nội: Dự kiến khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm

08:05 | 06/04/2025
Nhiều công trình giao thông trọng điểm được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 5/2025 như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, Hà Nội dự kiến khởi công dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công trong quý II/2025.
Hà Nội: Gấp rút hoàn thành công trình giao thông trọng điểm nơi cửa ngõ phía Nam thành phố Hối hả trên những công trình chờ ngày về đích Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội sắp được khởi công Nỗ lực hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2025

Chi cục Thống kê Thành phố vừa có thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng 3 và quý I năm 2025. Trong đó, đề cập đến tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,9% kế hoạch vốn.

Hà Nội: Dự kiến khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai mạnh mẽ tại địa phận Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1), có chiều dài 2,3km, mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 50,9% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai cải tạo 21,7km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 16,5% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 24,6% kế hoạch vốn.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m3/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha. Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã cơ bản hoàn thành, trong 6 tháng đầu năm 2025 nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm. Đến nay dự án đã giải ngân 36,4% kế hoạch vốn.

Ngoài ra, Chi cục Thống kê Thành phố thông tin, hiện một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác cũng được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong năm như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào tháng 5/2025; dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công trong quý II/2025.

Với hoạt động xây dựng, theo Chi cục Thống kê Thành phố, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu và các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, là trục liên kết vùng, trở thành “con tàu” kéo cả vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, là trục liên kết vùng, trở thành “con tàu” kéo cả vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước.

Tại Hội nghị giao ban công tác xây dựng cơ bản Quý I/2025 do UBND Thành phố tổ chức, kế hoạch đầu tư năm 2025 là 87,1 nghìn tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024 và bằng 10,5% tổng số vốn của cả nước), trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 42,5 nghìn tỷ đồng (gấp 1,18 lần so với kế hoạch năm 2024); đối với các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn năm nay là 18,2 nghìn tỷ đồng bố trí vốn cho 16 dự án trọng điểm, bằng 20,9% kế hoạch.

Để khắc phục các tồn tại hạn chế của việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bảo đảm việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư phải xây dựng và nỗ lực, quyết tâm triển khai kế hoạch thúc đẩy tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm.

Năm 2025 thành phố Hà Nội có 282 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 233 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 253,7 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2025 là 29,3 nghìn tỷ đồng); có 49 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 6,7 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 2,2 nghìn tỷ đồng).

Một số ngành, lĩnh vực có mức đầu tư vốn lớn như: Lĩnh vực giao thông có 85 dự án với 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 72,6% kế hoạch vốn năm; lĩnh vực bảo vệ môi trường 4 dự án với 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8%; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp 32 dự án với 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5%; lĩnh vực y tế, dân số và gia đình 16 dự án với 1,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%.

Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này