Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục

19:20 | 28/03/2025
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Các vấn đề tiền lương, nghỉ hưu sớm, dạy thêm, học thêm... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Tác động sau một tháng triển khai Bảo đảm chất lượng, tiến độ sửa đổi 3 Luật quan trọng của ngành Giáo dục

Cần có các quy định để nâng cao chất lượng

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho hay, theo dự thảo Luật, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính, sự nghiệp và nhiều chính sách về phụ cấp khác và ông tán thành rất cao với quy định này.

“Để chính sách được thực thi hiệu quả, tôi đề nghị việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù về tiền lương, thì trong quá trình thi hành luật cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Từng bước xây dựng đội ngũ thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp. Do đó, tôi cũng đề nghị dự thảo Luật giao cho Chính phủ có lộ trình để rà soát, sắp xếp, tuyển chọn, thu hút để nâng cao chất lượng của nhà giáo”, đại biểu nêu rõ.

Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Đại biểu phân tích, không phải cứ ép học sinh học thêm là xấu. Bởi vì, có nhiều học sinh, nhiều giáo viên thấy rằng, có những học sinh học rất yếu và khả năng không theo kịp được bạn bè, thường những học sinh yếu đó, giáo viên mà tâm huyết thì yêu cầu học sinh này ở lại cuối giờ để học thêm, để chỉ bảo thêm và thậm chí những học sinh này không sẵn sàng, nhiều khi cần phải ép buộc.

“Như vậy, hành vi này không có gì xấu cả, hành vi này rất nhân văn, hành vi này khá phổ biến đối với những giáo viên có trách nhiệm. Vậy tại sao chúng ta lại cấm? Tôi đề nghị chỉ cấm ép buộc học thêm vì vụ lợi, chứ còn nếu không vụ lợi thì như thế rất tốt, cần khuyến khích”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều giáo viên dạy thêm, gia đình viết đơn tự nguyện, nhưng thực chất đấy không phải tự nguyện, mà đấy vẫn là ép buộc một cách trá hình. Vì vậy, cần phải cấm dạy thêm có thu tiền đối với những học sinh đang trực tiếp giảng dạy.

Ông Cường cũng đề cập đến quy định đánh giá đối với nhà giáo, cho rằng dự thảo Luật đang quy định đánh giá giống như đánh giá với viên chức. “Tôi cho rằng việc quy định như thế này chưa đủ, bởi vì việc đánh giá với nhà giáo có một đối tượng đánh giá hết sức quan trọng, hết sức cần, đó chính là người học, gia đình của người học và xã hội đánh giá nhà giáo”, theo đại biểu.

Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

Trên thực tế hiện nay, rất nhiều cơ sở giáo dục đang sử dụng chính người học, gia đình người học đánh giá giáo viên của mình. Nếu chúng ta chỉ quy định đánh giá như viên chức hiện nay, thì việc các cơ sở sử dụng người học để đánh giá sẽ là vi phạm pháp luật.

Do vậy, cần phải ghi rất rõ thêm điều kiện đánh giá, cần phải sửa điều này là thông tin đánh giá nhà giáo từ người học, gia đình người học và xã hội chỉ được công bố cho người có trách nhiệm đánh giá, nhà giáo được đánh giá, không được công bố công khai, không được sử dụng ngoài mục đích đánh giá.

Kiểm tra thực hiện quy định tiền lương tại các cơ sở ngoài công lập

Liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình quy định tiền lương đối với nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương của hành chính sự nghiệp. “Tuy nhiên, việc quyết định này chúng ta biết rằng đã có trong Nghị quyết 29 mười năm nay rồi, nhưng vẫn chưa đi vào thực tế. Bây giờ nếu chỉ quy định như thế này tôi e rằng cũng sẽ khó đi vào thực tế, bởi vì trong hệ thống thang bảng lương chúng ta có ngạch A; B; C, mỗi một ngạch này lại có rất nhiều ngạch nhỏ, mỗi một ngạch nhỏ như thế lại có bậc...

Vậy bây giờ nói rằng xếp thang bảng lương cao nhất là xếp thế nào? Có phải xếp vào ngạch cao nhất và xếp vào bậc cao nhất hay không. Nếu không cẩn trọng, quy định chung như thế này thì cuối cùng không xếp được và cũng chỉ là khẩu hiệu. Do vậy, tôi đề nghị xếp tăng thêm một bậc hay như thế nào, cần quy định rõ thì Chính phủ mới thực hiện được”, ông Cường phân tích.

Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) nhìn nhận, việc xếp lương nhà giáo là cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là một chính sách quan trọng thể hiện sự coi trọng nhà giáo.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của hệ thống giáo dục và cần quy định cụ thể hơn về việc xếp lương đối với các bậc học, cấp học khác nhau, đặc biệt là giáo viên các môn học đặc thù và có vai trò quan trọng trong xã hội.

Đồng thời, cần có sự chi tiết hơn về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định lương tại các cơ sở ngoài công lập nhằm đảm bảo quyền lợi nhà giáo tại các cơ sở này được bảo vệ một cách hợp lý và công bằng...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này