Hà Nội: Quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi

17:05 | 28/03/2025
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 1.275 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận/huyện/thị xã, 328 xã/phường/thị trấn, trong đó có 1 trường hợp tử vong do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện Hà Nội vẫn đang quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi.
Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đảm bảo trẻ em được tiêm vắc xin sởi kịp thời 3 nhóm đối tượng nguy cơ cao nên tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức giao ban công tác khám và điều trị bệnh sởi. Tham dự có các chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm, nhi khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng của các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế; trung tâm y tế các quận/huyện/thị xã trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội: Quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hiệu quả.

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 1.275 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận/huyện/thị xã, 328 xã/phường/thị trấn (1 trường hợp tử vong). Hà Nội đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt 96,3% và đang quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.

Phát biểu tại buổi giao ban, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trước tình hình dịch sởi trên cả nước cũng như trên địa bàn Hà Nội có xu hướng gia tăng, để sẵn sàng ứng phó, đáp ứng cho công tác thu dung, khám, điều trị bệnh sởi, các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch sởi.

Đồng thời, cần thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi.

Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh và có biện pháp ứng phó kịp thời; cần tăng cường hệ thống giám sát từ thành phố đến xã/phường/thị trấn nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu người bệnh, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về giám sát, phân luồng, cách ly, chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ mắc sởi, các biện pháp phòng chống bệnh sởi và lợi ích tiêm chủng vắc xin phòng bệnh...

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn đã trình bày về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội, công tác tiêm chủng vắc xin phòng sởi và dự báo dịch sởi năm 2025; Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội trình bày về chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị trẻ mắc sởi, chuyển tuyến và hội chẩn chuyên môn trong điều trị bệnh sởi; công tác dự phòng và tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện... Đặc biệt lưu ý nguyên tắc điều trị, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, người bệnh mắc sởi cần được cách ly, phát hiện và điều trị sớm biến chứng...

Đồng thời, hội nghị dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm khám, sàng lọc, phân luồng, chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm sởi; quy trình tiếp nhận, kiểm soát nhiễm khuẩn. Song song với thực hiện tốt công tác điều trị, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi, hưởng ứng đưa con em tham gia tiêm chủng vắc xin sởi đúng lịch và đủ liều.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này