Quận Hoàn Kiếm thông tin tiến độ giải phóng mặt bằng tòa nhà “Hàm cá mập” Hà Nội: Triển khai ngay phòng họp không giấy Bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực |
Sáng 28/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình 06-CTr/TU là 1 trong 10 Chương trình công tác của của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, với 18 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
![]() |
Quang cảnh Hội nghị. |
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thiên tai (Bão Yagi) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm, thu nhập, sức khỏe của nhân dân, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Công tác triển khai, quán triệt thực hiện Chương trình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền; sự tích cực hưởng ứng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện Chương trình. Kết quả, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành hằng năm, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa được Thành phố quan tâm, đẩy mạnh, bám sát yêu cầu thực tiễn, đã ban hành 31 nghị quyết chuyên đề. Rất nhiều các cơ quan, đơn vị đã chủ động, cụ thể hóa những chủ trương lớn của Chương trình, Nghị quyết 09-NQ/TU, Hội nghị Văn hóa toàn quốc thành những chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị, từ đó đã có những mô hình mới, cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả, mở ra nhiều hướng đi mới có thể áp dụng được ở nhiều địa phương, đơn vị. Đóng góp quan trọng vào việc phát triển hoạt động dịch vụ, đặc biệt thúc đẩy du lịch phát triển, song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, trong đó có đời sống văn hóa và tinh thần. Bước đầu huy động được các nguồn lực từ xã hội, từ các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân... cùng tham gia với Thành phố trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa và đạt được kết quả theo chiều hướng tích cực.
Đáng chú ý, Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc, hoàn thành 7 nhiệm vụ Tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Ban Tổ chức quốc gia phân công và thi đấu 18 môn thuộc Đại hội được Trung ương và bạn bè quốc tế đánh giá cao và nhân dân cả nước ghi nhận. Thể thao Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tại 2 kỳ SEA Games 31 tại Hà Nội và SEA Games 32 tại Campuchia góp phần quan trọng vào thành tích đoàn thể thao Việt Nam.
![]() |
Trưng bày không gian văn hóa tại Hội nghị. |
Thành phố Hà Nội đã vinh dự được giải thưởng: “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2024”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á 2024” do Tổ chức World Travel Awards lần thứ 3 liên tiếp trao tặng qua các năm 2022, 2023, 2024 và nhiều giải thưởng khác. Từ đó, khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội trên trường quốc tế, hướng tới thu hút phục hồi khách du lịch quốc tế đến Thủ đô trong những năm tới.
Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý; chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn Thành phố luôn được chú trọng. Chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
![]() |
Biểu diễn văn nghệ tại không gian văn hóa. |
Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao. Công tác củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin luôn được Thành phố tập trung chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Các hình thức thông tin được chú trọng, bảo đảm chất lượng thông qua hệ thống báo chí, đài phát thanh từ thành phố đến cơ sở, cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền...
Cùng với đó, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định; kết quả học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi với 264 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia; 144 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động. “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” hằng năm, trong đó có chỉ số thành phần là “Chỉ số đào tạo lao động” được các doanh nghiệp đánh giá cao (năm 2021 và 2023), Hà Nội 2 lần đứng thứ Nhất toàn quốc.
![]() |
Trình diễn làm gốm Bát Tràng tại không gian văn hóa. |
Đặc biệt, đào tạo lao động là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của Thành phố để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Với việc chỉ số đào tạo lao động của Thành phố đứng thứ Nhất toàn quốc cho thấy công tác đào tạo nghề của Thành phố đã có những bước phát triển mạnh, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước.
Thông qua triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, không ngừng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trong thực thi Chương trình. Việc cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình phải thiết thực, bám sát yêu cầu thực tiễn, chú trọng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương, đơn vị, tạo nên những sản phẩm cụ thể mang đặc trưng, bản sắc riêng, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trên các lĩnh vực, giữa các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị; tăng cường liên kết vùng, đa ngành... nhất là trong phát triển công nghiệp văn hóa, thiết kế các không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo, tái thiết đô thị, giáo dục sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”.
Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động thực hiện, đặc biệt Ban Chỉ đạo và bộ phận thường trực ở các quận, huyện, sở, ngành cần tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình ở địa phương, đơn vị.
![]() |
Trưng bày sách tại Hội nghị. |
Coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Quan tâm vấn đề phát hiện, xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến thuộc các lĩnh vực. Tăng cường, quan tâm hơn nữa đến hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cần tăng mức đầu tư các nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; chú trọng thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực. Đồng thời quan tâm, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Thủ đô.
Hoàng Phúc
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ha-noi-hoan-thanh-1818-chi-tieu-cua-chuong-trinh-06-ctrtu-187241.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này