“Giữ lửa” kinh tế tư nhân Khơi thông các "điểm nghẽn" để kinh tế tư nhân phát triển Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng |
Năm 2010, khi Hà Nội còn “sơ khai” các tòa nhà cao ốc, thì tại địa chỉ số 74 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Hà Nội bắt đầu khởi công khu đô thị mang tên Vincom Mega Mall - Royal City. Đến gần cuối năm 2013, khi đi qua nơi này đã thấy một khu đô thị sừng sững chính thức đi vào hoạt động. Với quy mô lên tới hàng héc ta, lại có tới 3 tầng hầm thế mà tốc độ thi công chưa đến 3 năm đã xong toàn bộ dự án. Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng phải thừa nhận một thực tế, nếu để doanh nghiệp nhà nước triển khai, ít nhất cũng gần chục năm mới hoàn thành. Tương tự, năm 2015, sân bay tại Vân Đồn do Tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư tiến hành khởi công thì đến ngày 30/12/2018 sân bay đã được đi vào khai thác. Hai dự án này không chỉ đẹp về hình thức, nhanh về thời gian thi công mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, hiện đại hóa bộ mặt đô thị.
![]() |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt và chụp ảnh lưu niệm với các doanh nhân tiêu biểu ngày 11/10/2024. |
Dẫn chứng trên không phải để “đánh bóng” hình ảnh doanh nghiệp mà muốn nói rằng cùng một cơ chế, chính sách nhưng dự án do các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư đa số đều triển khai nhanh và hiệu quả hơn.
Mặc dù, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, cơ chế, chính sách để phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, trong đó có kinh tế tư nhân, nhưng phải thừa nhận số lượng các doanh nghiệp lớn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp “vẫn không chịu lớn” như đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Điều đáng nói, trong số các tập đoàn, doanh nghiệp tương đối lớn hiện nay; thậm chí là doanh nghiệp có quy mô vừa, tỷ lệ liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn lớn. Số doanh nghiệp liên quan đến công nghệ, sản xuất sản phẩm chủ lực đếm trên đầu ngón tay, tiềm lực tài chính và năng lực nghiên cứu vẫn rất giới hạn.
Để “giải phóng” kinh tế tư nhân, tại buổi làm việc với Ban Chiến lược - Chính sách Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân. Kỳ vọng tới đây, khi Nghị quyết được ban hành, Quốc hội sẽ cụ thể hóa Nghị quyết bằng luật, đi kèm với các hành lang pháp lý thông thoáng, kinh tế tư nhân sẽ phát huy tinh thần dân tộc, tinh thần “Bạch Thái Bưởi”- chủ động tiến quân vào những lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ… để tạo động lực cùng đất nước hiện thực hóa mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường.
Lê Hà
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giai-phong-kinh-te-tu-nhan-186796.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này