Những điều mẹ bầu cần lưu ý để an toàn trong mùa cúm

06:47 | 10/02/2025
Đối với phụ nữ mang thai, chỉ một trận cúm nhẹ nếu chủ quan cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vắc xin phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được loại vắc xin này.
Không chủ quan khi mắc cúm mùaTăng cường phòng chống dịch cúm mùa tại TP.HCMBộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

Thai phụ mắc cúm phải nhập viện sau 2 ngày ho, sốt

Thai phụ N.T.N.T (26 tuổi, ở Hà Nội), hai ngày trước đi khám, bệnh nhân xuất hiện ho có ít đờm, kèm đau họng, sốt không rõ nhiệt độ, đau mỏi người nhiều, tự dùng thuốc hạ sốt và uống Oresol tại nhà nhưng không đỡ. Lo lắng trước những dấu hiệu bất thường đó, thai phụ đến Phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ thăm khám.

Những điều mẹ bầu cần lưu ý để an toàn trong mùa cúm
Bác sĩ thăm khám cho thai phụ mắc cúm mùa tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.

Với lý do sốt ngày thứ 2 ở thai phụ 10 tuần, bác sĩ tư vấn và giải thích cho bệnh nhân những chỉ định để chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm CRP tăng, cúm A dương tính. Nội soi tai mũi họng, tại họng có tăng sinh tổ chức hạt thành sau, niêm mạch họng sung huyết. Siêu âm hình ảnh thai 11 tuần 2 ngày, nhịp tim thai nhanh 190 chu kỳ/phút. Vì vậy, bệnh nhân có chẩn đoán xác định cúm A/thai 10 tuần và có chỉ định nhập viện theo dõi và điều trị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Giang, Chuyên Khoa Truyền nhiễm, Phó Trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), Phó trưởng Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Hội đồng cố vấn Hệ thống Y tế Medlatec chia sẻ: Trường hợp ở thai phụ này có sốt, có tim thai đập nhanh nên có chỉ định nhập viện để tránh biến chứng về thai như động thai, suy tim thai, thai lưu... Đồng thời, thai phụ cần được tiêm phòng vắc xin cúm, nếu trước khi mang thai chưa tiêm.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua cũng điều trị cho nhiều ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Trong đó, đa phần bệnh nhân nặng là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai...

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do Influenza vi rút gây ra. Vi rút cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, trong khi cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng. Cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người.

Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, suy đa tạng, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm, Hệ thống Y tế Medlatec, sau kỳ nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-40 trường hợp mỗi ngày với các triệu chứng giống cúm như ho, sốt, đau họng và tức ngực.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện khoảng 30-40% trong số đó mắc cúm A. Đối với những ca bệnh thể nhẹ, triệu chứng đơn thuần, bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp biến chứng nặng như viêm xoang nặng, viêm phổi nặng cần nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực.

Khi mắc cúm người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi... Các triệu chứng không đặc hiệu có thể khiến người dân nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.

Thông thường trong điều trị cúm, bệnh nhân sẽ hết sốt trong vòng 24-48 giờ. Nếu sau thời gian này vẫn không cắt sốt hoặc xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tức ngực, viêm phổi thì cần đến viện ngay để được hậu quả để lại.

Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. Vắc xin cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống đỡ được vi rút khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vắc xin cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này