Tiêm vắc xin phòng biến chứng nguy hiểm của cúm mùa

17:06 | 04/02/2025
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thông thường, cúm thường diễn biến với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi vi rút xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống cúm mùa Chủ động công tác phòng, chống dịch để đón năm mới Chủ động bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ "dịch chồng dịch"

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong.

Tiêm vắc xin phòng biến chứng nguy hiểm của cúm mùa
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Ngay từ ngày mùng 4 Tết, khi Hệ thống tiêm chủng VNVC hoạt động trở lại, tỷ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin cúm tăng hơn 50% so với những ngày cận Tết. Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao khiến cộng đồng thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch với hàng chục ca mắc. Bệnh do vi rút cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).

Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… khi mắc cúm có nguy cơ cao trở nặng hơn. Một trong những biến chứng nặng của cúm là viêm phổi.

Bác sĩ Chính giải thích bệnh nhân có thể mắc viêm phổi do vi rút cúm hoặc kèm theo bội nhiễm vi rút, vi khuẩn khác như phế cầu hoặc tụ cầu vàng. Ví dụ, người bệnh vừa bội nhiễm vi rút cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần.

Khi trở nặng, người bệnh xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao đối diện nguy cơ tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Vi rút cúm cũng có thể tác động lên các cơ quan khác như xương, tim, hệ thống thần kinh.

Vi rút cúm liên tục biến đổi vì vậy, theo bác sĩ Chính, cách phòng bệnh hiệu quả là tiêm chủng vắc xin hàng năm, đặc biệt ở nhóm có bệnh mạn tính, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Vắc xin giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm.

Để tăng hiệu quả phòng bệnh lây qua đường hô hấp, bác sĩ Chính khuyến cáo, bên cạnh biện pháp vắc xin, người dân cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Mỗi người giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, tránh tự điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này