Cần có sự phân quyền mạnh của Trung ương cho Hà Nội

11:30 | 01/08/2023
Cần có sự phân quyền mạnh của Trung ương cho Hà Nội là phát biểu của TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội tại Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật Thủ đô, diễn ra sáng 1/8.
Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô" sẽ có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng tham gia Sáng nay (1/8), 350 đại biểu dự Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi

Trình bày tham luận “Chủ trương, chính sách của Đảng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và sự cần thiết quy định về đô thị vệ tinh”, TS Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội trong những năm qua đã phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước bối cảnh mới, Thủ đô cần có bước phát triển đột phá, vì vậy việc nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

“Hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai”, TS Chu Mạnh Hùng nói.

Cần có sự phân quyền mạnh của Trung ương cho Hà Nội
TS Chu Mạnh Hùng trình bày tham luận tại hội thảo

Với Thủ đô Hà Nội, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 15-NQ/TW là: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội” .

Trên cơ sở định hướng của Đảng, Luật Thủ đô sửa đổi đã xác định 9 nhóm chính sách cần sửa đổi, đây là các chính sách được hình thành và hoàn thiện cùng với quá trình tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, đánh giá tác động, xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Theo TS Chu Mạnh Hùng, nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng nhưng vận dụng trong thực tiễn lại là sự linh hoạt để phát huy đúng và đủ vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần có sự phân quyền mạnh của Trung ương cho Hà Nội
Các đại biểu dự hội thảo

“Chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển Thủ đô đã rõ, đặt ra trách nhiệm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong đó có các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, đội ngũ trí thức trên địa bàn Thủ đô đối với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhận thức rằng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tuân thủ Hiến pháp và đặt trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phản ánh được những đặc thù, vượt trội của Hà Nội với tính chất là Thủ đô và yêu cầu của quản trị đô thị trong bối cảnh mới; nhất là những đặc thù về tổ chức bộ máy, thu hút nguồn nhân lực; chế độ chính sách, tài chính - ngân sách… Phân quyền mạnh cho địa phương cũng như Hà Nội để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước”, TS Chu Mạnh Hùng nói.

Đề cập đến đô thị vệ tinh, TS Chu Mạnh Hùng cho rằng, để quản lý các đô thị vốn đa dạng thì phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chức năng và tạo đòn bẩy chính sách cho các đô thị vệ tinh. Khác với đô thị thông thường, đô thị vệ tinh thường được gắn với một chính sách kinh tế nhất định, có nhiệm vụ giải tỏa áp lực đô thị hóa cho địa phương, cho vùng.

TS Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa. Các đặc trưng đó chi phối đến qui hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô.

Vì vậy, phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị, chức năng của đô thị với các đặc điểm của vị trí địa lý, sắc thái văn hóa, tập quán dân cư, mối quan hệ tương tác trong vùng… đảm bảo thiết kế phù hợp dựa trên nguyên lý chung về tổ chức không gian đô thị đồng thời tính toán được những đặc trưng của đô thị Hà Nội. Đây là những vấn đề vĩ mô cần được thể chế thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như những nội dung pháp lý về đô thị vệ tinh và thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này