Cần một “bệ đỡ”

11:18 | 11/05/2023
Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo nhiều đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, rất cần có bàn tay của Nhà nước làm bệ đỡ giúp doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn.
Thị trường trái phiếu đang dần hồi sinh Tiếp tục chỉ đạo, định hướng các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho doanh nghiệp Để doanh nghiệp ở lại thị trường

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra.

Liên quan vấn đề giá điện, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp, cùng với các giải pháp chính sách vĩ mô khác để hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cần một “bệ đỡ”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế xã hội. Ảnh: Quốc hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, 2 chỉ tiêu không đạt đều là các chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc tăng giá điện khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.

“Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu, đồng thời đề nghị làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị báo cáo cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Đầu năm 2023, báo cáo đánh giá là có chuyển biến tích cực trong trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Phương, qua khảo sát, làm việc với các đơn vị, dòng tiền vẫn còn bị nghẽn ở đâu đó. Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng, là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại, từ đó đánh giá cho đúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp, người dân đang bị bào mòn. “Tôi đi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp nói rất thẳng thắn điều này, người ta đã dùng hết những đồng tiền cuối cùng dự trữ trong 2 năm chống dịch vừa rồi, giờ không còn dư địa gì nữa”, ông Phương nêu.

Trong bối cảnh khó khăn, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, “bàn tay” của Nhà nước lúc này rất cần thiết trong dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Theo bà Thanh, cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp, khó lường của thực tiễn; đồng thời phối hợp điều hành linh hoạt chính sách tài khoá, tiền tệ; giải pháp trọng tâm, trọng điểm giúp đỡ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, bất động sản,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền khi điều hành tín dụng “lúc thả nhanh, lúc siết lại”. “Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết, đã bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán. Đây là điều rất đáng lo ngại khi chỉ bán bằng 50% giá thực, còn người mua thì toàn là người nước ngoài. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về câu chuyện thâu tóm”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là tâm lý của thị trường, niềm tin của xã hội và tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp.

Diên Vĩ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này