Hiệp hội Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

15:43 | 25/08/2022
Trước thông tin về việc thiếu vốn, “siết” tín dụng gần đây, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liệu trường có được hoàn thiện ? Nhà ở xã hội: Vẫn câu chuyện thiếu vốn Chậm hoàn thành dự án đưa điện về nông thôn do thiếu vốn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vì không có tài sản thế chấp

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết, với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề chính hiện nay là vốn. Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không có.

Bên cạnh đó, dù có báo cáo tài chính từ 2-3 năm liền có lãi nhưng qua dịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lãi nên hồ sơ tài chính vẫn không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng với thị trường bấp bênh như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó để thực hiện được việc này.

Hiệp hội Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vì không có tài sản thế chấp (Ảnh minh họa)

Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đáp ứng được. “Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được; còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng”, luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết.

Do đó, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận vì những lý do trên. Còn một lý do nữa là ngân hàng “không muốn”, “không dám” cho vay. “Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong. Do đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, cần hỗ trợ làm sao cho ngân hàng an toàn, ngân hàng cho vay rồi mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro”, ông Phạm Ngọc Hưng thông tin.

Cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa không áp dụng 4.0, chuyển đổi công nghiệp xanh để không lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng? Theo vị luật sư này, muốn làm được chuyển đổi số, thì cần vốn. Vì vậy, theo ông Phạm Ngọc Hưng, cần có cơ chế tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong Luật có 2 định chế là Quỹ hỗ trợ và Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP. Hồ Chí Minh chưa thấy quỹ này. Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ở TP. Hồ Chí Minh có nhưng không bảo lãnh được vì yêu cầu của Bộ Tài chính là phải có tài sản đảm bảo. Vì vậy, Bộ Tài chính cần thay đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng.

Cần tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, vốn tín dụng của ngân hàng rất quan trọng và cần thiết trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân. Có nhiều đơn vị vay vốn rất cao tại ngân hàng. Vốn cho doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ ngân hàng có 2 chính sách: tín dụng và lãi suất.

Ông Nguyễn Hoàng Minh phân tích: Về tín dụng, năm 2022 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14%, mục tiêu này là rất phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, room tín dụng còn xấp xỉ 150.000 tỷ đồng.

Với cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất đang triển khai rất chậm. Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022, đẩy nhanh, đẩy mạnh và đúng đối tượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, các ngân hàng thương mại ở TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được quy trình nội bộ để cho vay và sẽ đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Sắp tới, các ngân hàng sẽ triển khai nhanh và cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù lãi suất.

“Tôi có thể khẳng định các đơn vị không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các đơn vị có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay” - ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.

Về chính sách lãi suất, hơn 20 năm nay, cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vẫn được duy trì và điều kiện dựa trên căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường; mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng. Sau nhiều lần giảm lãi suất thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn với các đối tượng vay thông thường là khoảng từ 5-7%/năm. Các doanh nghiệp đều cho rằng lãi suất của các doanh nghiệp hiện nay rất là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Vấn đề về tài sản thế chấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ gặp khó khăn về tài sản thế chấp ngân hàng. Trên thực tế thì việc vay tín chấp ở từng ngân hàng cũng có quy định riêng và đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mới được vay. Các ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này