-->
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Nam Từ Liêm hiện đang quản lý và chỉ đạo 398 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với 27.730 công nhân lao động và 25.130 đoàn viên công đoàn. LĐLĐ quận luôn xác định xây dựng CĐCS vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Qua đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. |
Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên tham gia. Mới đây nhất, Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn Trung tâm Bảo trợ xã hội III tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhân kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023) và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Buổi giao lưu có màn văn nghệ vô cùng đặc sắc đến từ các đoàn viên công đoàn thuộc hai đơn vị. Những lời ca tiếng hát và những điệu múa uyển chuyển đã đem lại bầu không khí vô cùng ấm áp và vui tươi. Ngoài ra, hai đơn vị cũng tổ chức giao lưu thể dục thể thao với môn cầu lông và kéo co. Bằng tinh thần đoàn kết, học hỏi, các vận động viên đã thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả nhiều pha cầu hay, hấp dẫn. Được biết, thời gian qua, ngoài tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho đoàn viên công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đã chủ động và tích cực phối hợp với Ban Giám đốc thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động như: Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ, đoàn viên; thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở; xây dựng cơ quan Xanh - Sạch - Đẹp. |
Bên cạnh đó, phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động do LĐLĐ quận Nam Từ Liêm phát động cũng được Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội triển khai và chỉ đạo thực hiện với nhiều nội dung phong phú, có sức lan tỏa, có nhiều hình thức đổi mới, qua đó nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng hàng năm, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác tuyên truyền, giáo dục cũng được tăng cường với các hình thức phong phú, thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên. Kết quả đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của quận Nam Từ Liêm. 5 năm liền Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội luôn đạt Công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội cho biết, để tổ chức tốt các phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đã xây dựng một số giải pháp. Trong đó, Công đoàn phối hợp với chính quyền quán triệt, chỉ đạo của LĐLĐ quận tổ chức các phong trào, hoạt động một cách có hiệu quả. “Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đoàn viên hiểu được trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng và triển khai hoạt động cụ thể, các phong trào thi đua cần tổ chức với nội dung phong phú, hấp dẫn hơn, phù hợp với trình độ, sở trường của từng cán bộ, đoàn viên”, ông Tuấn cho biết. |
Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, cán bộ Công đoàn cũng cần có phương pháp làm việc khoa học, phải gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, tham mưu cải cách hành chính, gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các phong trào thi đua với những kế hoạch cụ thể, chi tiết từ đó phân công trách nhiệm rõ ràng, coi trọng dân chủ, tôn trọng tiếp thu ý kiến của đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cán bộ Công đoàn cũng cần tạo không khí cởi mở, thẳng thắn, công khai, xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau; tránh các biểu hiện bất hòa trong nội bộ. Ngoài ra, phải đảm bảo việc kiểm tra, giám sát để thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho đoàn viên, thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, sức khỏe của đoàn viên thông qua các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nghỉ dưỡng, thăm hỏi. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào nhằm phát hiện, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, đánh giá chính xác các kết quả hoạt động qua từng giai đoạn; bàn giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế. |
Là một đơn vị doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong những năm qua, bên cạnh việc hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động của LĐLĐ quận, Công đoàn Công ty cổ phần FECON luôn chủ động triển khai các phong trào có nội dung phù hợp và sát với tình hình hoạt động thực tế tại đơn vị và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, “Lao động sáng tạo” được Công đoàn phối hợp với Ban lãnh đạo công ty tổ chức phát động và cụ thể hóa thành phong trào thi đua đạt danh hiệu công nhân giỏi, phong trào “Sáng kiến cải tiến”, đã diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần FECON còn tích cực tham gia nhiều các hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trao quà tặng khuyến học cho trẻ em nghèo học giỏi để bồi dưỡng các tài năng trẻ, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ các công đoàn viên trong Công ty có hoàn cảnh khó khăn,... Những hoạt động trên chính là minh chứng cho việc Công đoàn Công ty luôn ưu tiên quan tâm đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Đó cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng, khiến Công ty cổ phần FECON được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp vì người lao động do LĐLĐ Thành phố trao tặng năm 2022. Để hoạt động công đoàn phát huy được hết vai trò cũng như thế mạnh, giúp những quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên được đảm bảo, giúp người lao động yên tâm công tác, bà Phùng Nguyệt Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần FECON cho biết: “Để hoạt động công đoàn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động để họ yên tâm công tác, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trình độ năng lực. Đội ngũ này phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động, từ đó chủ động đề xuất, tham mưu, tham vấn với Ban lãnh đạo công ty để thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên tục đổi mới hình thức, sáng tạo nội dung đối với các hoạt động tập thể, để các hoạt động luôn mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Thứ ba, Công đoàn Công ty tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Ban Giám đốc để tổ chức có hiệu quả các phong trào, xây dựng hệ thống thang bảng lương, bám sát thực hiện thương lượng Thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đó giúp khích lệ, động viên đoàn viên, người lao động yên tâm công tác”. |
Có thể khẳng định, CĐCS là nơi trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, kế hoạch của Công đoàn cấp trên, là nơi diễn ra các hoạt động trực tiếp tuyên truyền vận động, tập hợp công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn. CĐCS chính là nền tảng, hạt nhân, CĐCS có vững mạnh thì tổ chức Công đoàn mới vững mạnh và phát triển. Để những hoạt động đó thực sự hiệu quả, là cơ sở, điều kiện chủ yếu quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống Công đoàn thì công tác xây dựng CĐCS vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được LĐLĐ quận Nam Từ Liêm thường xuyên quan tâm triển khai nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 6A/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS”. Chính vì vậy, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, bổ sung và hoàn thiện tiêu chuẩn CĐCS vững mạnh cho từng loại hình để làm căn cứ đánh giá, xếp loại hàng năm. Tích cực triển khai tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 04/NQ-LĐLĐ của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước; số CĐCS xếp loại Hoàn thành Tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt 58,5 %, Hoàn thành đạt 41,4%, Không hoàn thành 0%. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn thường xuyên được quan tâm, tập trung vào những nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình, gắn lý luận với thực tiễn. Trong đó, hình thức bồi dưỡng có nhiều đổi mới, tạo điều kiện cho cán bộ CĐCS được học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cụ thể, thời gian qua, LĐLĐ quận đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận và Trường Trung cấp nghiệp vụ và dạy nghề Công đoàn Hà Nội tổ chức 22 lớp tập huấn nghiệp vụ các chuyên đề công tác Tài chính, Tổ chức, Tuyên giáo, Chính sách Pháp luật, Kiểm tra, Nữ công và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho hơn 1.000 lượt cán bộ chủ chốt các CĐCS và trường học trực thuộc… Có thể nói, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở quận Nam Từ Liêm luôn đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh để Công đoàn thực sự là tổ chức đại diện của người lao động, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. |
Nội dung: Bùi Phương; Thiết kế: Bảo Thoa |