-->
Trên những dấu tích các cửa ô chứng kiến bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa. |
Theo các tư liệu cũ, cửa ô chính là cửa xẻ qua tường thành đất ngoài cùng bao bọc lấy kinh thành Thăng Long. Theo sử sách ghi lại, đến đầu thế kỷ 20, Hà Nội có 5 cửa ô là: ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác và ô Quan Chưởng. Không chỉ đơn thuần là dấu tích của thành lũy bảo vệ kinh thành, bao bọc nhân dân Thủ đô, 5 cửa ô còn là nơi ghi dấu những biến thiên của lịch sử. Trong đó, các cửa ô như là chứng nhân của đoàn quân chiến sĩ nối nhau tiến vào Hà Nội, giải phóng Thủ đô năm 1954 sau những tháng ngày trường chinh chống Pháp. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, ngày 10/10/1954, đại quân ta từ 5 cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô Hà Nội. Hướng Tây Bắc, theo đường số 32, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, đơn vị chiến thắng anh dũng ở Liên khu 1 trong 60 ngày đêm mở đầu Toàn quốc kháng chiến vinh dự được dẫn đầu hàng quân trở về giải phóng Thủ đô. Trung đoàn xuất phát lúc 8 giờ từ Quần Ngựa theo Ô Kim Mã, tiến qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi tiến vào thành Hà Nội qua đường Phan Đình Phùng. |
Hướng Đông Nam, theo đường số 1A, một mũi bộ binh liên quân gồm Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36, từ Việt Nam học xá, lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, chợ Hôm, hồ Hoàn Kiếm, đến tập kết ở hai khu vực Đồn Thuỷ và Đấu Xảo. Hướng Tây Nam là Đoàn chỉ huy tiếp quản gồm 100 xe hơi, xuất phát từ Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng, một bộ phận đi theo Nhà thương Bạch Mai lên Ô Kim Liên rồi lên Hàng Lọng, cùng với cánh quân từ phía Cầu Giấy tiến vào Cửa Nam rồi đi theo đường Hàng Bông, Hàng Gai tiến lên Bờ Hồ. Bộ phận còn lại là đoàn xe chỉ huy từ Ngã Tư Vọng đi dọc theo đường Đại La sang Ngã Tư Trung Hiền, lên Ô Cầu Dền, phố Huế, Hàng Bài và hội quân với hai cánh kia ở Bờ Hồ. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Chỉ huy trưởng Chiến khu 11, người vạch kế hoạch và chỉ huy quân và dân Hà Nội chiến đấu oanh liệt mở đầu Kháng chiến toàn quốc 8 năm trước đây trực tiếp chỉ huy đội quân trùng điệp trở về tiếp quản giải phóng Thủ đô. Tiếp theo là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố, rồi đến xe của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308. |
Qua những lời kể lịch sử, không khí reo vui nơi cửa ô Thủ đô. Đó là lời ca, tiếng lòng của người dân ngày Thủ đô được giải phóng: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…”. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Hai mươi vạn nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng. Ký ưc tiến về Hà Nội qua những cửa ô đã khiến những người chiến sĩ không giấu được nỗi bồi hồi. Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước, năm nay gần 100 tuổi không khỏi xúc động: “Sau khi tiếp quản, Đại đội 263 (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô) chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tổ chức chốt ở 2 đầu cầu, tuần tra kiểm soát. Trong ngày 10/10/1954, nhận tiếp quản cầu Long Biên, chúng tôi trực tiếp treo cờ Tổ quốc lên cầu, trong lòng trào dâng niềm tự hào. Đứng trước lá cờ, chúng tôi đã thề, dù khó khăn đến đâu, vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Ông Nguyễn Tiến Hà - Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954), Phó Trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu mỗi lần nhớ không giấu được sự tự hào. |
“5 giờ sáng, Ủy ban quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới mở cuộc hành quân lịch sử từ các cửa ô tiến về Hà Nội. Không khí vô cùng nhộn nhịp. Buổi sáng ấy, những người nông dân còn ở dưới ruộng, khi thấy Đoàn quân giải phóng với lá cờ đỏ sao vàng hùng dũng hành quân về trung tâm Hà Nội, liền vui mừng, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội. Người dân đứng hai bên đường chật ních trong không khí vui sướng, vỡ oà vì hạnh phúc, những cô cậu học sinh quần áo nghiêm trang cầm theo cờ đỏ sao vàng vẫy chào. Đoàn quân giải phóng đi qua trên phố trong tiếng hò reo của mọi người”, ông Nguyễn Tiến Hà nói. Lễ tiếp quản Thủ đô đã diễn ra long trọng tại sân vận động Cột Cờ, với sự có mặt của nhiều lãnh đạo và quân dân Hà Nội. Theo đó, vào lúc 15 giờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Lời thư thân mật tha thiết, trong lòng mọi người đều xúc động rưng rưng nước mắt, lời đọc vừa dứt tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên biểu thị tấm lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô. |
Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành một dấu mốc son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân ta, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, tự do của Nhân dân Thủ đô và cả nước. Không chỉ mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô còn là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. |
Trải qua biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh đã xóa đi nhiều dấu tích cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Tháng 10, trong cái tiết trời trong xanh, nắng vàng ươm và se se lạnh của mùa thu, với lòng biết ơn, tri ân hướng về những năm lịch sử hào hùng, chúng tôi đến cửa ô duy nhất còn lại đến ngày nay - Ô Quan Chưởng. Dấu tích cửa ô sừng sững với thời gian, uy nghi giữa đất trời Hà Nội, là bằng chứng đanh thép nhất về tinh thần kiên cường của con người Thủ đô và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Việt. Chọn Ô Quan Chưởng làm nơi ngắm nhìn Hà Nội trọn một ngày, chúng tôi nhận thấy rõ, 24 giờ dưới mái vòm Ô Quan Chưởng tựa như một lát cắt nhỏ trong nhịp sống hối hả của người Hà Nội và những người dân tứ xứ đang tất tả mưu sinh ở đất Hà thành. Ở nơi đây, nếu mang một chút để tâm, một chút cảm nhận có thể thấy được ẩn hiện những hơi thở gấp gáp của cuộc sống, đó có thể là những cảnh tắc đường ở cổng tam quan hay những chiếc xe máy, xe đạp, gánh hàng rong đang chen chúc nhau và đều cố “nhoài người” về phía trước. Gắn bó với cửa ô duy nhất còn lại của Thủ đô, ông là Tạ Văn Nhân (phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hàng ngày không quản nắng mưa vẫn cần mẫn quét dọn, trông coi Ô Quan Chưởng. Năm nay đã 77 tuổi, nhưng 365 ngày ông làm đủ cả. |
Ông Nhân chia sẻ: “Công việc hàng này của tôi chủ yếu là quét dọn hoa, lá rụng; nhắc nhở những gánh hàng rong không được tụ tập gây mất trật tự; nhắc các hộ kinh doanh xung quanh để xe của khách đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Với tình cảm sâu nặng với Hà Nội, tôi sẽ chăm sóc, giữ gìn cửa ô này đến khi không còn sức. Để nhắc nhở cho con cháu ta biết rằng, Hà Nội có một nơi đi vào lịch sử rực rỡ chiến công, gắn bó và chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày của con người Hà Nội”. Những cửa ô xưa, nếu giờ chú ý vẫn có thể thấy nó ẩn hiện trong nhịp phát triển. Riêng Ô Quan Chưởng còn nguyên “hình hài” thì địa giới xưa của Ô Đống Mác giờ đây còn mang tên phố. Cách Ô Đống Mác không xa là Ô Cầu Dền, nơi giao nhau của các phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Phố Huế - và đê Tô Hoàng. Phố Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân chính là dấu tích xưa của Thành Đại La. Ô Chợ Dừa nằm ở khoảng ngã tư các con phố La Thành - Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng. Khu vực này gần đây khi mở đường Kim Liên kéo dài đã phát hiện ra dấu tích Đàn Xã Tắc (đàn tế) thời Lý, Trần, Lê. Cửa ô thứ tư được người Hà Nội nhắc đến nhiều nhất là Ô Cầu Giấy. Có quan điểm cho rằng Ô Cầu Giấy không đồng nhất với vị trí Cầu Giấy ngày nay mà nằm lui lên phía bến xe Kim Mã. Tuy nhiên, nếu sông Tô Lịch xưa được xem là hào ngoài của thành Đại La thì Ô Cầu Giấy nằm trước cửa sông, tức vị trí Cầu Giấy ngày nay mới là hợp lý. |
Tạm gác lại những nhịp sống hối hả, nơi những cửa ô xưa cũ nay phần lớn đã trở thành những trục giao thông rộng rãi, thênh thang. Những trục đường mới nơi cửa ô xưa vẫn vậy, vẫn đóng vai trò kết nối, thông thương, mang lại sự phồn thịnh cho mảnh đất Kinh kỳ. Những chứng tích năm nào như Chùa Bộc, Thái Thịnh, Thái Hà; những Láng Hạ, Láng Trung lại nhớ đến pháo đài Láng năm xưa - bắn phát đại bác bắt đầu cuộc kháng chiến toàn quốc... Chợ Đồng Xuân sau hai lần xây dựng lại to đẹp, sầm uất, nhộn nhịp bán mua. Sống giữa Thủ đô hôm nay, những con đường từ năm cửa ô đổ về trung tâm - Hồ Gươm đã mọc lên những ngôi nhà mới, tầng cao, tầng thấp đủ kiểu Âu - Á, Tây, Đông. |
Người Hà Nội hôm nay trân trọng các cửa ô vì tinh thần chiến thắng qua con số 5 ý nghĩa. Xuất phát từ ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho mọi tầng lớp nhân dân, hình tượng hóa Hà Nội thành đóa hoa 5 cánh thơm ngát, 5 cửa ô hùng dũng bước vào nhịp điệu hành quân của bộ đội từ mọi hướng về với trung tâm của Tổ quốc. Tất cả làm nên biểu tượng sức mạnh của không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội mà còn là dân tộc Việt Nam. Xưa kia cha ông đã tiến về Hà Nội để “quét sạch giặc thù”. Còn hôm nay, lớp lớp kế cận tiếp nối tinh thần ấy vào trong công cuộc dựng xây Thủ đô, và xa hơn là một quốc gia hùng cường “sánh vai năm châu”. Đó chính là khúc “khải hoàn ca” thời bình rực cháy nồng nàn trong trái tim mỗi người dân Thủ đô, mỗi khi tháng 10 tràn về các khu phố. |
Các cửa ô chứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Những định hướng Quy hoạch Thủ đô của Đảng và Nhà nước đã giúp Hà Nội phát triển vững trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999); là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019). TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận định, Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Hiện nay, Hà Nội phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. |
Trong suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt trên 12,13%. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư và có tính kết nối cao. Hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và hiện đại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo tuyệt đối. |
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng (nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Thành phố xây dựng 714 căn nhà cho người nghèo). Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thành phố cũng đã quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô, như: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. |
Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt triển khai khép kín các đường vành đai, các cầu lớn qua sông Hồng, các trục hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ, các dự án liên kết vùng, các dự án trọng điểm của thành phố... Nổi bật là đã khởi công, triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đề ra. Có thể thấy, Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Nhìn về thuở xưa, thấy rõ hiện nay - thủ đô Hà Nội vẫn xứng đáng là trung tâm chính trị kinh tế và văn hoá của cả nước, xứng đáng là mảnh đất nghìn năm văn vật. Giải phóng Thủ đô, trong những năm tháng in hằn vết lịch sử những cửa ô Hà Nội đã rộng mở để đón đoàn quân giải phóng tiến về trong hân hoan của tự do và niềm kỳ vọng ở tương lai… thì hiện tại, cũng vẫn với khí thế này, nền kinh tế Thủ đô vẫn đang không ngừng bứt phá và phát triển. Từ những cửa ô, cửa ngõ Thủ đô, luồng sinh khí từ những tỉnh thành, địa phương lân cận với Hà Nội và rộng hơn là với các nước trong và ngoài khu vực được thổi bùng mạnh mẽ. |
-------------------------------- Nội dung: Phương Ngân – Lê Thắm; Thiết kế: P.Thắng |