-->
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ người lao động. Trong đó, khẩn trương thành lập “Tổ An toàn Covid-19” với tinh thần mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Đây là cách làm hay, điểm nhấn đáng ghi nhận trong thời gian qua. |
Thực hiện Văn bản số 271/LĐLĐ ngày 14/5/2021 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về việc thành lập “Tổ An toàn Covd-19” tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động trong việc tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, 100% Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở đã triển khai hướng dẫn thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. 30/30 quận, huyện và Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo của chính quyền về việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp. Tính đến hết ngày 3/6/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 10.270 “Tổ An toàn Covid-19” được thành lập với sự tham gia của 45.956 thành viên. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã “thần tốc” trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã có những chủ trương rất đúng và trúng, tiêu biểu là việc thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp. “Đến nay, số lượng các “Tổ An toàn Covid-19” đã không ngừng tăng cao, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Thực tế cho thấy, việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” đã được các doanh nghiệp ủng hộ, là mô hình sáng tạo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trên cả nước học tập triển khai”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh. |
Đồng hồ vừa điểm 11 giờ, chị Phạm Thị Tuyết Minh, Tổ trưởng Tổ lập kế hoạch, Xưởng sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Paint Việt Nam (Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) nhanh chóng gác lại công việc đang làm, cùng nhân viên y tế bắt đầu đi kiểm tra, giám sát việc đo thân nhiệt cho người lao động đang làm việc tại phân xưởng của mình. Đây là công việc thường xuyên được chị cũng như các thành viên trong “Tổ An toàn Covid-19” bắt tay vào thực hiện trong suốt gần 1 tháng qua. Chị Tuyết Minh chia sẻ, đặc thù của công ty, nhất là bộ phận sản xuất rất đông nhân lực, do đó việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ người lao động tham gia sản xuất. “Trước đó, khi nghe thông tin số lượng lớn công nhân trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh mắc Covid-19, người lao động chúng tôi đã cảm thấy hơi lo lắng, bất an. Tuy nhiên, với những biện pháp quyết liệt của các cấp chính quyền, các cấp Công đoàn và công ty trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi đã cảm thấy an tâm hơn, tích cực tham gia sản xuất và phòng, chống dịch”, chị Tuyết Minh chia sẻ. Với sự vào cuộc quyết liệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Paint Việt Nam đã thành lập được 9 “Tổ An toàn Covid-19”. Theo đó, Tổ trưởng các tổ này có nhiệm vụ cập nhật thông tin, quy định từ công ty và triển khai với cán bộ công nhân viên; kiểm tra giám sát người lao động, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch. Ngay từ khi thành lập, các “Tổ An toàn Covid-19” đã tham mưu cho Ban Giám đốc bố trí lịch nghỉ luân phiên cho người lao động. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, bố trí cồn, dung dịch sát khuẩn tay tại nhiều vị trí trong xưởng; phân chia giờ ăn ca cho người lao động bảo đảm giãn cách. Trong điều kiện phải hạn chế tập trung, tiếp xúc, các “Tổ An toàn Covid-19” cũng đã tận dụng mạng xã hội để phân công, đôn đốc công việc của từng thành viên. Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Paint Việt Nam Lê Thị Thì cho biết, nhờ có “Tổ an toàn Covid-19”, công tác phòng, chống dịch được triển khai đến từng đoàn viên, người lao động nên hạn chế tình trạng chủ quan. Mô hình này thật sự hữu ích trong thời điểm hiện nay, giúp sản xuất không bị đình trệ. Tương tự, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Asti Hà Nội (huyện Mê Linh) chú trọng. Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân cho biết, Công đoàn công ty đã tham mưu với Ban Giám đốc thành lập 12 “Tổ An toàn Covid-19” gồm 47 thành viên. Bên cạnh việc đôn đốc người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, công ty cũng đã lắp đặt các vách ngăn nhựa tại khu vực bếp ăn của công ty để hạn chế tiếp xúc, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch tại các bếp ăn tập thể cho người lao động. |
Còn tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Motor N.A Việt Nam, các “Tổ An toàn Covid-19” gồm cán bộ Công đoàn, y tế, công nhân lao động trực tiếp chính là mắt xích quan trọng, hỗ trợ đắc lực doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, cứ đầu giờ sáng mỗi ngày, các thành viên trong tổ có mặt tại các điểm ra - vào công ty để hướng dẫn sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt cho người lao động. Sau khi kiểm tra sức khỏe tại cổng vào, “Tổ An toàn Covid-19” tiếp tục theo dõi, nhắc nhở người lao động thực hiện đeo khẩu trang và giãn cách trong suốt quá trình làm việc. Có thể thấy, tại các doanh nghiệp, người lao động rất đồng tình và tích cực tham gia “Tổ An toàn Covid-19”. Tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh, Công đoàn Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội đã tham mưu Ban lãnh đạo công ty thành lập 9 “Tổ An toàn Covid-19” tại 9 tổ, phòng, ban. Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội Ngô Minh Sơn cho biết, hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” được người lao động trong Công ty ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tại Công ty, công nhân lao động của công ty cũng thực hiện các khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế tại nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. |
Được sự tham gia nhiệt tình của người lao động, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang được Công ty Trách nhiệm hữu hạn SWCC SHOWA Việt Nam triển khai tới từng tổ sản xuất và mỗi người lao động. Hoạt động của từng “Tổ An toàn Covid-19” dựa trên mục tiêu, phương châm của Ban lãnh đạo Công ty và hướng dẫn của Liên đoàn Lao động Thành phố. Cụ thể, trước giờ làm việc, các thành viên của “Tổ An toàn Covid-19” phải đến sớm ít nhất 10 phút để kiểm tra các điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc. Trong giờ làm việc, các thành viên “Tổ An toàn Covid-19” có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện, nhắc nhở các công nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nếu phát hiện trường hợp công nhân lao động không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, “Tổ An toàn Covid-19” sẽ ghi lại thông tin tên người lao động và báo cáo cho Tổ trưởng “Tổ An toàn Covid-19” để Tổ trưởng thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch công ty có biện pháp xử lý. Đánh giá về vai trò của “Tổ An toàn Covid-19” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại công ty, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: “Trong thời điểm cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19 thì việc triển khai thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” tại các công ty là yêu cầu cấp thiết. Thông qua hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”, ý thức chấp hành phòng, chống dịch của công nhân lao động đã được nâng lên đáng kể. Việc thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” là chỉ đạo đúng đắn của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tại các công ty, doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại”. |
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này ở Việt Nam hết sức phức tạp. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thực hiện tốt công điện của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố về việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, đặc biệt là các “Tổ An toàn Covid-19” trong các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác tại các Khu Công nghiệp. Ví dụ, tại Khu Công nghiệp Quang Minh, chúng tôi đã thành lập nhóm Zalo với tên “Khu Công nghiệp Quang Minh phòng, chống dịch Covid-19” với sự tham gia của các Chủ tịch Công đoàn các công ty, doanh nghiệp. Qua theo dõi và báo cáo nhanh, “Tổ An toàn Covid-19” thực sự là lá chắn thép để bảo vệ đoàn viên và người lao động. Sau khi được thành lập, “Tổ An toàn Covid-19” hoạt động hết sức hiệu quả, thực hiện theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động Thành phố nhắc nhở người lao động thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế”, ông Thắng chia sẻ. Cũng là một trong những đơn vị triển khai tốt việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ cho biết, thực hiện chủ trương của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về việc thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận ban hành văn bản thành lập “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận. Qua theo dõi, các “Tổ An toàn Covid-19” đã và đang hoạt động có hiệu quả, từng bước nâng cao nhận thức cho người lao động về việc phòng, chống dịch Covid-19. “Tổ An toàn Covid-19” đã làm tốt thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch tới từng công nhân lao động trong tổ. Cùng đó, tổ cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công nhân lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. |
Thực hiện Văn bản số 271/LĐLĐ ngày 14/5/2021 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về việc thành lập “Tổ An toàn Covd-19” tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Liên đoàn Lao động các quận, huyện, ngành, khu công nghiệp đã có văn bản đề nghị các Công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp hướng dẫn thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Theo đó, tại các doanh nghiệp, “Tổ An toàn Covid-19” do người sử dụng lao động ban hành quyết định thành lập và có quy chế hướng dẫn hoạt động. Tổ được tập huấn kiến thức phòng, chống dịch cũng như kỹ năng, phương pháp hoạt động. Nhiệm vụ của Tổ là vào đầu ca sản xuất tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trước khi làm việc; giám sát chặt chẽ công nhân lao động thực hiện khai báo y tế và các biện pháp phòng dịch, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi nhiễm báo cáo kịp thời. Trong giờ làm việc, Tổ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp về phòng, chống dịch đến toàn thể người lao động; phát hiện và báo cáo kịp thời khi có vấn đề phát sinh tại nơi làm việc. Cuối ca làm việc, Tổ nhắc nhở công nhân làm vệ sinh, lau dọn, sát khuẩn tại khu vực làm việc của mình, nhất là các bề mặt, tay nắm, nút bấm… Căn cứ các nhiệm vụ trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đưa ra bảng tự đánh giá hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” với thang điểm cao nhất là 100 điểm. |
Có thể thấy, cho đến nay, việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” đã được các doanh nghiệp ủng hộ, là mô hình sáng tạo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành phố triển khai, áp dụng. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, các cấp Công đoàn Thủ đô cần đẩy mạnh việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, khuyến khích các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, doanh nghiệp đông lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc quan tâm thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, các cấp Công đoàn Thủ đô cần tập trung nâng cao chất lượng, đưa hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” đi vào thực tế và phát huy tối đa hiệu quả. Liên quan đến nhiệm vụ này, Liên đoàn Lao động Thành phố đã có hướng dẫn chi hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng/Công đoàn cơ sở thuộc khu vực doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”. Song song với việc thành lập và phát huy hiệu quả của “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch trong công nhân, viên chức, lao động và trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn. Qua đó, tạo thành phong trào chống dịch trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của tổ chức Công đoàn và tạo tiền đề để thành lập Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. |
Có thể thấy, thời gian qua, bên cạnh điểm nhấn là việc thành lập các “Tổ An toàn Covid-19”, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch; đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong các cấp Công đoàn Thủ đô thông qua báo Lao động Thủ đô, trang Web của Liên đoàn Lao động Thành phố, Fanpage Công đoàn Hà Nội và các nhóm Zalo Công đoàn… Tin tưởng rằng, với những cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. |
Nội dung: Kim Tiến - Lương Hằng Thiết kế: Đức Hà |
...