-->
Multimedia
01/05/2023 20:17
Tìm ngọc quý trong công nhân lao động

01/05/2023 20:17

Phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” không chỉ dừng lại ở một phong trào mà đã trở thành ý thức tự thân của công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp huyện Thanh Trì. Ý thức ấy được nuôi dưỡng bằng sự khuyến khích, động viên của chính doanh nghiệp và trách nhiệm của mỗi người lao động (NLĐ) thông qua sáng kiến sáng tạo, nâng cao tay nghề…
Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” không chỉ dừng lại ở một phong trào mà đã trở thành ý thức tự thân của công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp huyện Thanh Trì. Ý thức ấy được nuôi dưỡng bằng sự khuyến khích, động viên của chính doanh nghiệp và trách nhiệm của mỗi người lao động (NLĐ) thông qua sáng kiến sáng tạo, nâng cao tay nghề…

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Công ty cổ phần Formach được xây dựng trên nền tảng của Nhà máy cơ khí 19/3, thành lập từ năm 1964 trực thuộc Bộ Lâm Nghiệp. Được “đầu quân” vào một công ty có bề dày truyền thống 60 năm không chỉ là niềm tự hào của người thợ hàn, mà còn là động lực để anh Trần Văn Thanh học hỏi, phấn đấu, yêu nghề và gắn bó với nghề.

Là đơn vị có sản phẩm đa dạng, có tính chuyên nghiệp trong thiết kế và chế tạo, nên tay nghề của người thợ cũng đòi hỏi cao và chuyên nghiệp, chính vì vậy, anh Thanh không ngại khó, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để chất lượng các công trình, sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Phấn đấu và học hỏi kinh nghiệm không quản ngày đêm, anh Thanh đã có trong tay kinh nghiệm của người thợ bậc 7/7. Anh được cấp trên tín nhiệm phân công làm đội trưởng của nhiều công trình lớn, như Đội trưởng hàn, lắp đặt thiết bị nâng hạ 30/5 tấn và Monorail 10 tấn Công trình Thủy điện Nậm Công 5 ở Sơn La; Đội trưởng hàn, lắp đặt bể lắng nước 3000 m3 cho Công ty cổ phần thiết bị xử lý nước Setfil,…

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Anh Thanh chia sẻ: “Người thợ hàn muốn hoàn thành nhiệm vụ phải chấp nhận khó khăn, vất vả, không ngại địa hình, phải chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ công trình. Làm ca xuyên đêm, xuyên ngày là chuyện bình thường. Nhưng tôi yêu hành trình của người thợ hàn và hạnh phúc khi nhìn công trình của mình hoàn thiện”.

Từng đạt giải Khuyến khích nghề Hàn điện trong Hội thi Thợ giỏi do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức năm 2015 và giải Ba vào năm 2021, khi được hỏi “bí quyết” về thành tích này, anh nói: “Hàn điện cũng như sáng tạo nghệ thuật, phải yêu, phải thiết tha mới có thể làm ra sản phẩm hoàn chỉnh và đẹp đẽ. Chỉ có yêu nghề người thợ hàn mới đủ nhiệt huyết để tạo ra những đường hàn an toàn, bền vững”.

Năm 2020, anh được LĐLĐ huyện Thanh Trì tuyên dương Công nhân giỏi của huyện, rồi năm 2021, anh tiếp tục nhận được Giấy khen của Đảng bộ huyện Thanh Trì với thành tích tiêu biểu 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và năm nay, anh tiếp tục vinh dự được LĐLĐ huyện Thanh Trì đề xuất lên LĐLĐ Thành phố tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Anh Thanh cũng chia sẻ, để phấn đấu trở thành công nhân giỏi, tự tin bước vào thời kỳ công nghiệp hóa như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, anh luôn được các cấp Lãnh đạo và Công đoàn công ty tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn, làm chủ tay nghề, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, nâng cao tinh thần làm việc trong “ngôi nhà chung Formach”.

Có thể thấy, công nhân là lực lượng chủ lực làm ra sản phẩm của các đơn vị sản xuất hiện nay. Tùy vào từng lĩnh vực hoạt động mà đội ngũ công nhân sẽ đảm nhiệm công việc liên quan. Có rất nhiều vị trí công nhân được tuyển dụng số lượng lớn, trong đó phải kể đến chính là công nhân đứng máy sản xuất.

Chị Hà Thị Cảnh bắt đầu làm việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn nhựa Bình Thuận từ năm 2020, tuy mới có 3 năm công tác với vị trí công nhân đứng máy sản xuất, nhưng chị đã thể hiện rõ sự vững vàng về chuyên môn, nhiệt huyết trong công việc và sự chuyên tâm, cống hiến hết mình vì Công ty.

Ý thức được công việc của mình là một mắt xích quan trọng đối với sản phẩm cũng như thời gian gia công sản phẩm của Công ty, nên ngay từ khi đầu quân cho Công ty cổ phần Tập đoàn nhựa Bình Thuận, chị Cảnh đã nhanh chóng nắm bắt được quy trình vận hành dây chuyền sản xuất. Làm sản phẩm theo dây chuyền, cần nhất là thao tác phải nhanh. Chị luôn cố gắng làm thao tác nhanh để đạt được sản lượng cao nhất, góp phần giảm bớt thời gian, tiết kiệm chi phí, điện năng, làm lợi cho Công ty.

Với nỗ lực phấn đấu hết mình, chị Hà Thị Cảnh luôn được lãnh đạo Công ty đánh giá cao. Liên tiếp 2 năm 2021, 2022, chị nhận được danh hiệu “Công nhân xuất sắc” tại Công ty. Năm 2022 chị được LĐLĐ huyện Thanh Trì tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp huyện. Và năm 2023, chị được đề xuất tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp Thành phố.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Chị Hà Thị Cảnh tâm sự: “Để đạt được các thành tích trên tôi đã phấn đấu hết sức trong công việc, hoàn thành sản lượng Công ty đề ra, việc khó mấy cũng cố gắng học hỏi và làm tốt. Trong quá trình làm việc ở nhà máy tôi luôn cố gắng làm thao tác nhanh để đạt được sản lượng cao nhất. Để trở thành công nhân xuất sắc tôi đã nỗ lực phấn đấu từ khi vào Công ty làm việc. Bên cạnh đó, tôi luôn được sự hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất của Ban Lãnh đạo và Công đoàn Công ty để tôi được làm việc trong môi trường tốt nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Chị Cảnh cũng mong muốn, thời gian tới tiếp tục được Lãnh đạo Công ty và Công đoàn quan tâm, động viên để chị và anh chị em CNLĐ có động lực tiếp tục cống hiến.

Chị Nguyễn Thị Thúy Mai - Công nhân vệ sinh môi trường Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thanh Trì là điển hình về nghị lực vượt qua khó khăn vươn lên khẳng định bản thân. Hành trình 22 năm kể từ ngày đầu quân vào Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thanh Trì (năm 2001), không biết bao nhiêu nhọc nhằn, cũng không ít niềm vui chị tìm thấy trong công việc. Những “dấu ấn” trong nghề của chị khiến nhiều người cảm phục.

Bản thân không ngừng học hỏi, phấn đấu, mặc dù đã có tay nghề hơn 20 năm, nhưng chị vẫn tự nâng cao kiến thức bằng việc bổ trợ kiến thức về chuyên ngành môi trường tại trường Đại học Khoa học tự nhiên. Thấy chị tâm huyết với nghề, Ban Lãnh đạo công ty và Công đoàn đã tạo điều kiện để chị có thời gian học tập, nâng cao nghiệp vụ.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Có lẽ bởi bất cứ việc gì đến tay chị cũng dành hết tâm huyết để hoàn thành một cách tốt nhất, cho nên trong suốt thời gian cống hiến cho công ty, chị đã có một bề dày thành tích đáng nể. Năm 2017 chị được vinh danh “Công nhân giỏi” cấp Thành phố. Các năm 2916, 2017, 2018 chị đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Người tốt việc tốt” huyện Thanh Trì. Năm 2021, 2022 chị đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Lao động tiên tiến” của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Thanh Trì.

Và năm 2023, chị tiếp tục đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” huyện Thanh Trì, đồng thời được LĐLĐ huyện đề xuất danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp Thành phố. Nhiều năm liền chị là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại công ty.

Hiện nay, với cương vị là Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường số 5, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thanh Trì, chị càng ý thức hơn vai trò và trách nhiệm của mình đối với công việc, với xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, chị tự nhủ càng phải cố gắng hơn nữa trong chuyên môn cũng như trong các hoạt động đoàn thể.

Mặc dù được đề xuất tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp Thành phố năm 2023, nhưng chị Thúy Mai vẫn tâm niệm, còn nhiều đồng nghiệp của chị rất tâm huyết với nghề, cũng rất xuất sắc trong chuyên môn. Bởi thế, bên cạnh phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, chị mong Công đoàn các cấp có nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa để đồng nghiệp ngành môi trường có thêm động lực phấn đấu, cống hiến với nghề, góp phần làm đẹp, làm sạch cho Thủ đô và đất nước.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” từ lâu đã trở thành một “sân chơi” hấp dẫn đối với đội ngũ CNLĐ huyện Thanh Trì. Và năm 2023, LĐLĐ huyện Thanh Trì tiếp tục phát động phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” nhằm tôn vinh lực lượng công nhân trực tiếp lao động sản xuất trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Chia sẻ về phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” trong CNLĐ huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nguyễn Thị Thắm cho biết: Những công nhân giỏi đã được lựa chọn từ các hội thi nâng bậc, thi thợ giỏi và thao diễn kỹ thuật, cùng với những sáng kiến, sáng tạo của công nhân đã được áp dụng trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp. Có trên 760 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và hiệu quả đem lại lợi ích trên 20 tỉ đồng. Thông qua các hội thi tay nghề đã có 330 công nhân được xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Nhiều CNLĐ đã đạt tới bậc thợ cao 7/7, là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào của cơ sở. Bên cạnh đó có rất nhiều công nhân trẻ đã không ngừng học tập, rèn luyện tay nghề. Ngoài những giờ làm việc tại doanh nghiệp, nhiều công nhân còn theo học các lớp đào tạo chuyên môn, học đại học chuyên ngành, tự học hỏi để nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề. “Công nhân giỏi” là những người đã trực tiếp góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện cũng cho biết, hội thi tay nghề tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn huyện cũng được duy trì hàng năm, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” được cổ vũ mạnh mẽ, ý nghĩa, thiết thực hơn. Qua đó, đã động viên, khích lệ công nhân hăng say làm việc, phấn đấu. Từ 172 Công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã đã bình xét được 1.380 “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, chiếm 30,6% trên tổng số công nhân trực tiếp sản xuất. Năm 2023, đã có 58 “Công nhân giỏi” cấp huyện được biểu dương và LĐLĐ huyện cũng đề nghị LĐLĐ Thành phố biểu dương 3 “Công nhân giỏi” Thủ đô.

“Có thể khẳng định, đội ngũ CNLĐ của huyện Thanh Trì là những người sản xuất trực tiếp ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt, với những sáng kiến, sáng tạo đã góp phần nâng cao năng suất lao động, quảng bá hình ảnh ra thị trường. Đã có nhiều tập thể tiêu biểu trong phong trào và cá nhân điển hình đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” trong tổng số hàng nghìn công nhân giỏi của huyện Thanh Trì”, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm nhấn mạnh.

Phong trào đạt được những kết quả đáng phấn khởi như trên là do thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo động viên của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, cùng với đó có sự hưởng ứng tham gia tích cực của CĐCS và CNVCLĐ trong huyện thi đua học tập, hăng say, sáng tạo trong lao động, góp phần hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy, bám sát hướng dẫn của LĐLĐ thành phố, LĐLĐ huyện Thanh Trì đã triển khai kế hoạch tới 100% CĐCS, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo CĐCS, bên cạnh đó cũng được sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ cơ sở, sự phối hợp giữa Ban Giám đốc các doanh nghiệp và Công đoàn, phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” đã được CNLĐ hưởng ứng nhiệt tình.

LĐLĐ huyện đã hướng dẫn CĐCS phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tổ chức phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, bình xét công nhận, tuyên dương khen thưởng những công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở. Đồng thời chỉ đạo CĐCS phát động các đợt thi đua gắn với các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của Thủ đô và đất nước; vận động CNLĐ tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và thành phố.

Trên cơ sở bình xét, biểu dương “Công nhân giỏi” tại cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc các doanh nghiệp xét chọn những “Công nhân giỏi” tiêu biểu đề nghị cấp trên công nhận và biểu dương “Công nhân giỏi” cấp huyện, cấp Thành phố.

Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, cụ thể hoá các tiêu chuẩn thi đua để phù hợp với tình hình thực tế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực, động viên kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình, xuất sắc trong phong trào.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động

Động viên 100% CNLĐ trực tiếp trong các ngành nghề tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất. Tổ chức có hiệu quả phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật trong tất cả các ngành, nghề để đông đảo CNLĐ có điều kiện phát huy tài năng sáng tạo. Trên cơ sở đó bình xét suy tôn danh hiệu “Công nhân giỏi” của đơn vị, lựa chọn những “Công nhân giỏi” tiêu biểu để huyện và Thành phố công nhận, biểu dương.

“LĐLĐ huyện Thanh Trì kêu gọi toàn thể cán bộ, CNVCLĐ trong huyện tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất và có nhiều CNLĐ trực tiếp sản xuất của huyện đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng huyện Thanh Trì trở thành quận trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã đánh cao những kết quả hoạt động của phong trào thi đua “Công nhân giỏi” trong các cấp Công đoàn huyện Thanh Trì. Kết quả đó khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện tối đa của cấp ủy, chính quyền; sự tạo điều kiện của các đơn vị doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để Công đoàn tổ chức tốt nhất các phong trào thi đua.

Đó cũng chính là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với giai cấp công nhân nói chung và lực lượng lao động nói riêng. Đồng thời, những kết quả đó cũng khẳng định sự cố gắng tích cực của chính CNLĐ tại các doanh nghiệp, của các cán bộ, công chức, tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện. Danh hiệu “Công nhân giỏi” là động lực để động viên NLĐ khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hăng say sản xuất.

“Đề nghị LĐLĐ huyện tiếp tục quan tâm phát động các phong trào thi đua để CĐCS hưởng ứng và đặc biệt là NLĐ nhận thấy sự thiết thực của các phong trào, tham gia tích cực hơn, có nhiều tấm gương công nhân giỏi hơn trong các đơn vị, doanh nghiệp”, đồng chí Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Phong trào “Công nhân giỏi”: Tìm ngọc quý trong quần chúng lao động
Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa