-->
![]() |
Cuộc sống hiện đại luôn đầy ắp những bộn bề, nhưng trong những lúc khó khăn, ta vẫn có thể tìm thấy những câu chuyện giản dị mà cảm động về lòng nhân ái. Những gia đình, cá nhân hiến máu tình nguyện là những người như vậy. Họ không chỉ chia sẻ giọt máu của mình, mà còn là những người học theo tấm gương của Bác Hồ, luôn sống vì người khác, vì cộng đồng. Hành động của họ không chỉ cứu sống mà còn gieo mầm yêu thương, đoàn kết trong xã hội. |
![]() |
Tôi từng được nghe một triết lý rất “đời” rằng: “Nếu cuộc đời là chặng đường xa, đó sẽ là con đường kết nối bằng chuỗi dài những lựa chọn. Khi lựa chọn đúng và kiên định với con đường đã chọn cùng rất nhiều khát khao là lúc con người ta trưởng thành thực sự. Vì vậy, chỉ có những ai biết giữ hạt mầm tử tế, thiện lương, tích cực, yêu cái đẹp mới có thể lựa chọn được những gì thuộc về điều ngay lẽ phải”. Quả thực mãi đến khi gặp chàng thanh niên Phạm Văn Hiếu (huyện Thường Tín, Hà Nội), người có hàng chục lần hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu, tôi mới thấy những chia sẻ, đúc rút ấy đúng đắn đến nhường nào. Tôi tình cờ quen anh Phạm Văn Hiếu trong một lần hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết anh Hiếu đã hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu được hơn 90 lần. Hiếu bảo, anh chẳng đong đếm những việc ấy, chỉ nhớ đã thầm lặng trao truyền những mầm thiện từ năm 2010. Đến nay, cứ đủ thời gian, anh lại có mặt ở viện hoặc tại địa phương để tham gia hiến máu. |
![]() |
Anh Hiếu sinh năm 1990, quê tại thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi trong một gia đình nông dân đông con. Học hết lớp 12, Hiếu tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Thời gian quân ngũ, Hiếu được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, được giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần cống hiến nên khi ra quân, Hiếu không chỉ chăm chỉ lao động mà còn cống hiến hết sức cho cộng đồng. Anh chia sẻ, anh học theo tấm gương của Bác Hồ, luôn sống vì người khác, vì cộng đồng. Bởi thế, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, nghề nghiệp chính của anh là đi giao hàng, làm việc không có ngày nghỉ nhưng anh vẫn luôn dành thời gian đi hiến máu. “Tôi học Bác Hồ, những việc gì có lợi lạc cho người xung quanh thì làm. Tôi đam mê hiến máu vì đây là một nghĩa cử cao đẹp. Những giọt máu cho đi sẽ được các bác sĩ mang chữa trị cho mọi bệnh nhân chờ máu. Thấy họ bình phục, khỏe mạnh, bản thân tôi rất hạnh phúc”, anh Hiếu bộc bạch. |
![]() |
Không những hiến máu định kỳ, anh Hiếu còn trở thành "địa chỉ đỏ" của một số bệnh viện mỗi khi cần máu gấp để cấp cứu người bệnh như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương... “Có lần đêm đã khuya, nhận được điện thoại cần máu gấp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để cấp cứu, tôi liền đi ngay vào viện hiến máu. Sau ca cấp cứu, nạn nhân qua cơn nguy kịch, tôi cũng thở phào đi về trong đêm lạnh giá mà lòng thấy ấm áp vô cùng”, anh Hiếu tâm sự. Giống như Hiếu, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng được biết tới với thành tích 124 lần hiến máu và hiến tiểu cầu, là 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023”. Không chỉ vậy, anh Nguyễn Văn Thanh còn được nhận danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” năm 2022 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng; Giấy khen của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Thanh cũng là 1 trong 50 tấm gương tiêu biểu đã từng là nhân vật trong các chương trình “Việc tử tế” (Đài Truyền hình Việt Nam) năm 2022 được Chủ tịch nước biểu dương. |
![]() |
Theo tìm hiểu, Nguyễn Văn Thanh tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 2014 khi vừa tròn 18 tuổi. Từ đó đến nay, Thanh đều đặn hiến máu, hiến tiểu cầu và coi hiến máu, giúp đỡ cộng đồng là niềm hạnh phúc của mình. Tính đến tháng 4/2024, Thanh đã tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu 124 lần. Lý do chuyển từ hiến máu sang hiến tiểu cầu của Thanh cũng thực giản đơn, đó là sau 3 lần hiến máu, được nhân viên y tế tư vấn, lại biết rằng khoảng cách giữa 2 lần hiến tiểu cầu là 3 tuần, nên có thể sẽ giúp được nhiều người bệnh hơn. Bên cạnh hiến máu, Thanh còn tích cực vận động, quyên góp quần áo, sách vở tặng trẻ em vùng cao hay đóng góp cho cộng đồng bằng những việc nhỏ bé, hết sức đời thường, giản dị. |
![]() |
Không chỉ có những cá nhân thầm lặng sẻ chia máu, sẻ chia yêu thương, những năm qua, có rất nhiều gia đình đóng vai trò như những hạt nhân, những người tiên phong vận động những đơn vị máu quý giá giúp người bệnh được điều trị kịp thời. Cựu chiến binh Lê Đình Duật cùng gia đình với 25 năm tham gia hiến máu nhân đạo, là minh chứng sống động cho tinh thần nhân ái và trách nhiệm cộng đồng. Theo đó, hơn 25 năm qua, cựu chiến binh Lê Đình Duật (trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “sứ giả đỏ” - một biểu tượng sống động của phong trào hiến máu nhân đạo. Cho đến nay, dù không thể trực tiếp hiến máu do vấn đề sức khỏe, ông đã kiên trì vận động, thuyết phục hơn 1.450 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đóng góp hơn 1.340 đơn vị máu, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Bà Lê Thị Kim Dinh, vợ ông Lê Đình Duật cho biết, ông Duật vốn là sĩ quan chỉ huy của Bộ đội Tên lửa phòng không thuộc Tiểu đoàn 61, Đoàn Tên lửa Sông Đà anh hùng, ông Lê Đình Duật đã trực tiếp tham gia chiến đấu từ năm 1965 đến năm 1972, cả ở Hà Nội và khu IV. Trong thời chiến, ông đã từng cùng đồng đội cho máu các chiến sĩ bị thương, song vì số người bị thương nhiều hơn số người có thể cho máu nên ông cứ day dứt và tự thấy như có một “món nợ” với đồng đội. |
![]() |
Đầu năm 1991, ông Lê Đình Duật được nghỉ chế độ và bắt đầu tham gia các công tác đoàn thể ở địa phương nơi sinh sống. Năm 1999, địa phương bắt đầu có phong trào hiến máu nhân đạo, ông đã tình nguyện đăng ký tham gia, nhưng bác sĩ từ chối vì bị bệnh huyết áp. Ông buồn nhưng không nản, với vai trò là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành của Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thanh Xuân Trung, ông xác định sẽ cố gắng vận động mọi người tham gia hiến máu. Bà Lê Thị Kim Dinh tâm sự, thời gian đầu, bà và ông đã chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân trong viện. Họ rất khổ mà bản thân bà cùng gia đình không có tiền để giúp cho họ nên ông bà đã vận động con cháu cùng nhau đi hiến máu để giúp cho người bệnh. Cứ theo lẽ tự nhiên như thế, cả gia đình ông bà cùng tích cực tham gia, cho đến nay đã hiến được 273 đơn vị máu an toàn. Gia đình ông Lê Đình Duật đã trở thành “gia đình hiến máu tiêu biểu” của Hà Nội. Con trai ông đã tham gia hiến 105 đơn vị máu, còn con gái thứ hai của ông đã hiến 130 đơn vị máu. Mỗi khi có đợt hiến máu, các thành viên trong gia đình ông luôn tham gia tích cực như chia sẻ của anh Lê Quyết Thắng, con trai ông Duật. Sau khi chứng minh cho mọi người thấy việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, anh đã vận động thêm được nhiều người bạn và đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu nhân đạo. Đến nay, trong gia tài hiến máu đồ sộ của gia đình ông có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực của hai ông bà. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, 3 người trong gia đình gồm: ông, bà và cô con gái thứ 2 được vinh danh “Người tốt, việc tốt Thủ đô”. Sự tham gia hiến máu tích cực của gia đình ông cùng với việc nhìn thấy nhiều bạn trẻ cùng hiến máu đã lan tỏa, thúc đẩy nhiều người dân địa phương tham gia phong trào. |
![]() |
Giống như gia đình cựu chiến binh Lê Đình Duật, gia đình chị Vũ Thị Kim Ngân (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Bàn B) cũng là một trong nhiều gia đình tích cực tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Theo tìm hiểu, suốt nhiều năm nay chị và chồng đều đặn đi hiến máu giúp người. Chị Ngân tâm sự, mỗi lần đi hiến máu, vợ chồng chị đều cho con gái nhỏ đi cùng. Qua những lần ấy, tình yêu thương cũng được “gieo” vào lòng con trẻ. Chị Ngân cho rằng, cuộc sống hạnh phúc sẽ đúng với ý nghĩa của nó khi chúng ta biết đủ và biết cho đi. Chúng ta ở đây để biết mình đã may mắn hơn biết bao người ngoài kia. Nên nếu được, hiến máu vẫn luôn là hoạt động của cả gia đình - là nơi bố mẹ được dạy các con sự tử tế, dạy các con làm người tốt, sống trong niềm hạnh phúc. Ngoài đi hiến máu tình nguyện, gia đình chị Ngân còn có một lớp học tiếng Anh thiện nguyện miễn phí cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn tại một ngôi chùa ở Thái Bình. Cứ mỗi cuối tuần, cả nhà lại cùng nhau về chùa để dạy học và tận hưởng niềm hạnh phúc bình dị từ những hoạt động đầy tính nhân văn. Hiến máu nhân đạo không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn là hành động thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ từng dạy: "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Hiến máu chính là một việc làm tốt, là bông hoa của lòng nhân ái, góp phần dựng xây một xã hội giàu tình yêu thương. Câu chuyện của những người, những gia đình như cựu chiến binh Lê Đình Duật, chị Vũ Thị Kim Ngân, anh Nguyễn Văn Thanh, anh Phạm Văn Hiếu… là minh chứng sống động cho việc học tập theo Bác. Nếu mỗi người đều sẵn sàng sẻ chia, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Hãy cùng nhau lan tỏa hành động ý nghĩa này, bởi một giọt máu cho đi là một sự sống được níu giữ! |
![]() |
--------------------------------- Nội dung: Giang Nam - Thiết kế: P.Thắng |