-->
Multimedia
07/08/2022 08:49
Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

07/08/2022 08:49

Phụ nữ là lực lượng lao động chủ chốt trong ngành kinh tế nông nghiệp của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn; nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.
Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Phụ nữ là lực lượng lao động chủ chốt trong ngành kinh tế nông nghiệp của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn; nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Là doanh nghiệp phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ tại huyện Đông Anh, Hợp tác xã (HTX) Ba Chữ đã vận dụng thành công các giải pháp công nghệ trong sản xuất, cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Một trong những giải pháp đưa sản phẩm phát triển bền vững và lan tỏa, chính là phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong việc phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc HTX Ba Chữ cho biết, năm 2016 HTX được thành lập với mô hình Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS (Hệ thống đảm bảo có sự tham gia - ghi chép sản xuất). Có ban quản lý gồm 4 thành viên, 149 hộ tham gia, với 120 lao động chính chủ yếu là chị em hội viên phụ nữ. Cung cấp khoảng 50 sản phầm rau ăn lá, củ, quả theo mùa như cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, rau ngót, rau dền, bắp cải, bí, mướp,…

HTX sản xuất theo mô hình PGS sử dụng chế phẩm và phân hữu cơ tái sử dụng khô dầu đậu tương, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, gừng, tỏi, ớt, xả để xua đuổi côn trùng đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường an toàn, không chất bảo quản mà có thể để được 2 đến 3 ngày. Rau được trồng và sử dụng 70% là phân hữu cơ, 15% lá sinh học, 15% đạm từ khô dầu đậu tương.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Hiện nay, HTX đang cung cấp tới gần 20 bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng, đến tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua mạng xã hội zalo, facebook, fanpage của HTX và của các cấp Hội phụ nữ, các sản phẩm rau an toàn của HTX Ba Chữ vẫn được khách hàng tin tưởng ủng hộ.

Cùng tham gia vào nền kinh tế xanh của Thủ đô, bà Nguyễn Thị Mây (thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) đã đứng ra giữ vai trò “thủ lĩnh” của mô hình kinh tế tập thể. Năm 2003 bà phối hợp với các chi hội, chi đoàn vận động nhân dân thôn, xã chuyển đổi từ cấy lúa sang thả cá ở các khu đồng luôn ngập, úng, năng suất lúa và hiệu quả thấp như khu Đồng Trầu, Cửa Miếu, Đầm Mực,… được nhiều gia đình đồng thuận. Đến nay, nhiều hộ dân đã theo bà chuyển đổi từ cấy lúa sang thả cá, cả thôn lên tới 29 ha, hiệu quả kinh tế thu hoạch gấp 1,5 lần cấy lúa.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Từ nguồn kinh doanh có lãi của HTX, bà tiếp tục đề xuất đầu tư sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như cải tạo toàn bộ bờ, mương nội đồng. Bà vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng vào thâm canh; chuyển đổi cấy lúa năng suất thấp sang trồng rau, hoa; tiếp nhận và tổ chức tập huấn cho xã viên về chăm sóc cho lúa, cấy lúa theo phương pháp Sri, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn nên lúa thu hoạch năng suất cao.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, sức lao động, cùng với sự đam mê và ý trí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) đã "gieo hương" lên mảnh đất phù sa ven sông Hồng bằng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập cao. Vùng đất bãi nơi sông Hồng chảy qua xã Vạn Phúc cho đất đai màu mỡ, bà Oanh nhận thấy mảnh đất này rất thích hợp cho phát triển mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản.

Và từ chính kinh nghiệm được tiếp cận từ những khóa tập huấn kỹ thuật phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và được đi thăm quan mô hình thực tế do xã tổ chức, bà đã vận dụng lắp đặt hệ thống đường ống tưới tự động chạy theo các luống cây trồng để thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới cây, giảm bớt chi phí và công sức lao động.

Đến năm thứ 2 kể từ khi thành lập mô hình, sản phẩm thu hoạch được từ trang trại đã cho doanh thu 100 triệu đồng. Năm thứ 3 bà Oanh quyết định trồng cây cam đường canh ăn quả và cây ổi, mít đu đủ các loại. Vườn cây ăn quả, vườn rau sạch, ao thả cá gia đình bà phải thuê thêm 2 người có kỹ thuật để chăm sóc. Sau 2 năm, mô hình đã cho thu hoạch sản phẩm bán tại ruộng được 250 triệu đồng, trừ chi phí còn thu 150 triệu đồng.

Với đà phát triển của vườn cây và ý tưởng làm giàu trên từ sản xuất nông nghiệp, bà Oanh mạnh dạn thuê thêm đất canh tác, mở rộng diện tích cây trồng. Năm 2018 bà học hỏi và áp dụng mô hình nuôi giun chùn quế để lấy nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm và lấy nguồn phân bón cho trồng rau sạch hữu cơ. Năm 2020, qua nắm bắt về nhu cầu của thị trương cũng như điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng thích nghi với trồng cây ăn quả, bà trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi, mở rộng diện tích 0,6 ha trồng rau sạch hữu cơ kết hợp chăn nuôi. Hàng năm lợi nhận thu được từ trồng cây ăn quả, trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi từ 250 - 350 triệu đồng.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Từ kết quả sản xuất, bà Oanh đã mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại như máy cày làm đất và lắp đặt hệ thống tưới tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021 bà Oanh đã quyết định đi học mô hình nuôi cua biển sinh học khép kín, thuê chuyên gia hướng dẫn xây dựng hệ thống bể và tập huấn kỹ thuật nuôi cua biển để thực hiện mô hình này. Bước đầu bà cũng gặp không ít khó khăn, song với lòng kiên trì, tâm huyết, quyết tâm cao bà đã nuôi thí nghiệm lứa đầu thành công và cho thu nhập cao.

Mô hình nuôi cua biển sinh học của bà Oanh đang được mở rộng qui mô tại trang trại. Không chỉ làm giàu cho gia đình, HTX do bà Oanh làm chủ còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng; tham gia giúp đỡ 20 hộ dân trong thôn về vật tư, giống, vốn và kỹ thuật sản xuất.

Chúng tôi đến với xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn vào một buổi sáng mùa hè nắng nóng, giữa vạt chè xanh mướt, chị Đào Thị Quý đang xem xét từng búp chè non vào vụ hái. Chị Đào Thị Quý là Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bắc Sơn. Theo chị, cây chè là cây trồng chính của xã Bắc Sơn, tuy nhiên để phát triển cây chè bền vững và tạo dựng được thương hiệu chè Bắc Sơn như hiện nay người dân đã phải trải qua rất nhiều gian nan.

Nguyên nhân là do cây chè được trồng từ lâu đời, có nhiều giống chè cũ, cây già cằn cỗi và được các hộ dân canh tác nhỏ lè, manh mún, cho năng suất, chất lượng thấp. Từ khi Bắc Sơn phát triển các mô hình trồng chè an toàn, nhất là mô hình thâm canh và tiêu thụ chè an toàn giữa Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội với Hợp tác xã nông lâm Bắc Sơn thì nơi đây mới thay da đổi thịt, phát huy được thế mạnh của vùng nguyên liệu.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Theo chị Đào Thị Quý, cây chè ở Bắc Sơn có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thứ nhất là bởi do khí hậu và thổ nhưỡng, chỉ có cây chè là chịu “vươn lên” giữa những khắc nghiệt, gió sương. Thứ hai, cây chè là cây trồng truyền thống lâu năm ở Bắc Sơn, bà con cũng đã quen với nghề truyền thống, có kỹ năng canh tác, thu hái và kinh nghiệm làm ra chè ngon. Thứ ba, lợi thế của cây chè chính là chỉ vất vả lúc ban đầu khi cải tạo đất, khi đã trồng ổn định thì không phải mất công chăm bón nhiều, trong khi các loại cây khác như ngô, khoai, sắn, mít, bưởi… thì chỉ có vụ mùa, nếu mất mùa thì mất trắng, thu hoạch xong lại phải loại bỏ trồng cây mới.

“So với các loại cây khác thì chè mang lại lợi nhuận cao hơn, vì mỗi năm, chè vẫn thu hái được từ 8-10 tháng. Tôi cho rằng, cây chè là loại cây có lợi thế về kinh tế và là loại cây kinh tế nhất trong các cây trồng nông nghiệp”, chị Quý khẳng định.

Từ khi có thương hiệu thì việc quản lý và tiêu thụ chè từ hợp tác xã có nhiều lợi thế hơn so với các hộ trồng chè khác. Khi tham gia vào hợp tác xã, các hộ được tập huấn, hướng dẫn trồng chè sạch mang lại năng suất và hiệu quả cao, đồng thời tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người tiêu dùng.

Nữ thủ lĩnh của Chè Bắc Sơn cũng cho biết, từ năm 2012, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGap khép kín từ trồng, chăm sóc, đến chế biến nên sản phẩm chè sạch của người dân xã Bắc Sơn được đánh giá cao. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường, góp phần phát triển nền kinh tế xanh của Thủ đô.

Phụ nữ chiếm trên 50% dân số, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi gia đình và cộng đồng. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực. Đối với Hà Nội, lĩnh vực kinh tế do Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%.

Còn nhiều mô hình kinh tế do nữ làm chủ đang “phủ xanh” trên khắp các quận, huyện của Hà Nội, cho thấy vai trò của nữ chủ doanh nghiệp đóng góp vào kinh tế Thủ đô. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên bên cạnh những cố gắng, lỗ lực và thuận lợi, thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có những “điểm tựa” bền vững từ các cấp, ngành, đoàn thể xã hội để tiếp tục cuộc hành trình hướng tới nền kinh tế xanh.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Công ty cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì nằm dưới chân núi Ba Vì, tiền thân là cơ sở sản xuất sữa Thực Huyền - hiệu “Chị Vàng” ra đời vào năm 2004 theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi từ cơ sở lên doanh nghiệp. Năm 2019, Công ty cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì ra đời, vận hành nhà máy trên nền tảng tiếp nhận những bí quyết kĩ thuật tích lũy từ cơ sở cùng với nguồn nguyên liệu sữa tươi dồi dào từ địa phương để sản xuất ra những sản phẩm tươi ngon, giữ trọn dòng sữa thuần khiết mang thương hiệu Chị Vàng. Hiện tại, công ty đã có gần 20 sản phẩm từ sữa và có 8 sản phẩm được đánh giá đạt OCOP 4 sao.

Tận dụng lợi thế từ nông sản có sẵn, Công ty cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì đã liên kết với hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa để sản xuất, chế biến ra sản phẩm được làm từ sữa như sữa tươi, sữa thanh trùng, sữa chua, bánh sữa, caramen,... Cơ sở sản xuất của công ty rộng 1.000m2 ,với 17 công nhân đã được Công ty đóng bảo hiểm xã hội .

Thủ lĩnh của Chị Vàng Ba Vì chính là doanh nhân Phạm Thị Thanh Huyền. Mặc dù đã đưa doanh nghiệp phát triển và đứng vững trên thị trường, nhưng chị Huyền cũng cho biết, đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn như khó tiếp cận nguồn đầu tư, xây dựng mạng lưới hỗ trợ bởi phần lớn các doanh nghiệp lớn được dẫn dắt bởi nam giới, do vậy phụ nữ gặp trở ngại trong việc đẩy mạnh kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do nữ làm chủ thường hoạt động trong những ngành có thế mạnh thu hút được nhiều lao động nữ hơn.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

“Khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã nhận được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương và các cấp quản lý, đặc biệt được tham gia chương trình OCOP của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, nữ doanh nghiệp chúng tôi cần được giao lưu học hỏi từ các doanh nghiệp lớn và cần được hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm và đào tạo chuyên sâu”, doanh nhân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ LHPN huyện Thanh Oai cho biết, nhiều hội viên phụ nữ đã được tập huấn sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Từ những mảnh ruộng cấy một vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ, đã được các cấp Hội tuyên truyền vận động chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất. Các mô hình chuyển đổi điển hình được phụ nữ thực hiện như mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, trứng vịt xã Liên Châu, các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư xã Liên Châu, Tân Ước, Đỗ Động.

Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi đã được nâng lên gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Cá biệt có nơi giá trị thu nhập từ chuyển đổi gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; góp phần không nhỏ trong quá trình tiến tới mục đích đưa huyện, các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn số khó khăn, thách thức. Sự vào cuộc của một số đơn vị chưa thường xuyên; việc xây dựng quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và quy hoạch khác ở một số xã còn thiếu đồng bộ.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào trong sản xuất còn chậm; sản xuất liên kết theo chuỗi còn rất ít và hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chủ yếu tự tiêu thụ, việc sơ chế, chế biến cũng rất hạn chế nên giá trị sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ. Do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hưu cơ...

Để phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, đại diện HTX Ba Chữ cũng nêu lên một số khó khăn và kiến nghị: Cần có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội; các ban ngành phát huy vai trò của mình để thúc đẩy phát triển và thực hiện tốt việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội, ngày 18/4/2018 Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội chủ trì thực hiện.

Hơn 4 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ hàng ngàn phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp và trực tuyến.

Từ đó các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp xây dựng ngân sách Thủ đô. Nhằm tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn hỗ trợ tiếp cận Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cũng đã đề xuất một số kiến nghị để có thể đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố. Đó là các đơn vị, trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Hà Nội tạo nguồn lực tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến làm thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới kế nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống tổ chức Hội, các hoạt động sự kiện quảng bá, gioi thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Bà Nguyễn Thị Hảo cũng đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát kiểm tra giám sát quy trình sản xuất của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Kiểm tra chặt chẽ việc cho phép lưu hành các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để người nông dân được đảm bảo an toàn khi tiếp cận sản phẩm đưa vào sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn thực sự cho người tiêu dùng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, các cấp Hội phụ nữ Thành phố đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc vận động, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của các cấp Hội phụ nữ vẫn còn một số hạn chế, khó khăn.

Hiện nay, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoạt động của các cấp Hội cũng đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao (nhất là công nghệ sinh học) trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ thiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Nữ doanh nhân với hành trình phát triển “Kinh tế xanh” Thủ đô

Tại Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội", bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho biết, Sở Công Thương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, trong đó công tác kết nối cung cầu hàng hóa được đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Qua các giải pháp thực tế, hiệu quả, đã kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị với các vùng sản xuất nông sản Hà Nội có sản phẩm mùa vụ sản lượng lớn kịp thời tiêu thụ. Sở Công Thương cũng chủ trì, phối hợp cung cấp thông tin yêu cầu, tiêu chuẩn của các kênh phân phối đối với chất lượng, quy cách sản phẩm, hàng hóa để các cơ sở sản xuất chuẩn bị phương án sản xuất phù hợp.

Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa