-->
Multimedia
04/08/2022 08:24
Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

04/08/2022 08:24

Cùng với Đảng bộ và chính quyền, nông dân các xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) đã trở thành những người đi tiên phong, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí về thu nhập, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là 5 xã đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Cùng với Đảng bộ và chính quyền, nông dân các xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) đã trở thành những người đi tiên phong, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí về thu nhập, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là 5 xã đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Việc 5 xã đầu tiên thuộc huyện Đan Phượng về đích nông thôn mới kiểu mẫu là một thành công, dấu mốc đáng ghi nhận, để lại kinh nghiệm cho các xã của thành phố Hà Nội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng. Huyện Đan Phượng giờ đây đã được khoác lên mình chiếc áo mới với những những tuyến đường hoa rực rỡ, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên trong cái không gian xanh biêng biếc đến nhẹ lòng của vùng nông thôn đổi mới. Và trong tấm áo mới ấy, là hình ảnh những người nông dân đang ngày đêm miệt mài sản xuất kinh doanh, góp phần tạo sức bật cho kinh tế địa phương.

Xã Song Phượng là xã điểm xây dựng nông mới của thành phố Hà Nội. Gắn với nền kinh tế thị trường thương mại ngày càng phát triển, số hộ kinh doanh tại xã ngày càng tăng, giao thông nội đồng được đầu tư kiên cố hóa.

Với mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, xen canh, chú trọng đảm bảo chất lượng bền vững, nông dân xã Song Phượng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó nông dân còn phát triển các đàn gia súc, gia cầm phấn đấu giá trị sản xuất hàng năm đạt 600 triệu/ha.

.Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Song Phượng có mô hình trồng bưởi của Chi hội thôn Thuận Thượng với tổng số 42 hội viên nông dân tham gia. Mô hình hợp tác xã trồng nấm với 11 thành viên với tổng số vốn điều lệ 250 triệu đồng. Cùng với đó là mô hình Tổ hội nghề nghiệp về làm kẹo lạc, mô hình thí điểm sử lý rác thải nhờ chế phẩm AEM… Đều được xây dựng trên tiêu chí về thực phẩm, nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Hội đã tập trung vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hội cũng đẩy mạnh việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Xã cũng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp nâng cao chất lượng giá trị trên 1 ha canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, xen canh, đảm bảo chất lượng bền vững.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Từ những mục tiêu trên, nông dân xã Song Phượng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó nông dân còn phát triển các đàn gia súc, gia cầm phấn đấu giá trị sản xuất hàng năm đạt 600 triệu/ha. Gắn với nền kinh tế thị trường thương mại ngày càng phát triển, số hộ kinh doanh trong xa ngày càng tăng, giao thông nội đồng được đầu tư kiên cố hóa.

Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã đã cùng với hội viên tham gia xây dựng tuyến đê kiểu mẫu của xã tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp; nêu cao vai trò là nông dân Thành phố thanh lịch văn minh. Song Phượng là nơi quê hương cách mạng là xã điểm xây dưng nông mới của thành phố. Được thành phố và trung ương nhiều lần trao tặng bằng khen, giấy khen và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua.

Góp phần vào nền kinh tế nông nghiệp của Thủ đô không thể không kể đến xã Tân Hội. Mặc dù nghề chủ yếu của cư dân trong xã là nghề mộc, giò chả, nhưng với quyết tâm tham gia nền kinh tế nông nghiệp của huyện, nông dân xã Tân Hội đã cải tạo đất hoang hóa trồng lúa hữu cơ, gieo trồng thành công 2 loại lúa hữu cơ chất lượng, năng suất cao, đó là CS 6 và Lai Thơm 6.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Mô hình được dùng chế phẩm sinh học hữu cơ Sumitri để xử lý tàn dư đất cho cây lúa Lai thơm 6 và CS 6, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất. Các đơn vị cũng xây dựng quy trình, sổ nhật ký để hướng dẫn cho hộ nông dân từ chăm sóc cho cây lúa, khâu ngâm ủ giống, gieo trồng đến khi thu hoạch với mục tiêu sản xuất “sạch” cho môi trường và sản phẩm nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Quý Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội cho biết: “Phương châm sản xuất hữu cơ là không làm tổn hại đất canh tác, làm cho đất đai có thể phục vụ canh tác lâu dài; dùng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư đất cho cây lúa, kích hoạt hệ vi sinh vật có sẵn trong đất giúp người nông dân sản xuất không phải tiếp xúc với các chất nguy hiểm độc hại cho sức khỏe của chính mình. Sản phẩm sạch sản xuất từ canh tác hữu cơ sẽ ngày càng có giá trị cao và dễ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”.

Những năm qua, xã Đan Phượng luôn là điểm sáng, lá cờ đầu của huyện và Thành phố trong công tác xây dựng nông thôn mới. Ngay từ năm 2018, xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 đạt kết quả cao, về đích trước thời hạn, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là một trong 3 xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Không dừng lại ở đó, Đảng bộ, chính quyền xã Đan Phượng đã tích cực, chủ động với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội quyết tâm xây dựng xã nông thôn thôn mới kiểu mẫu trước khi trở thành phường.

Nông nghiệp ở xã tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, áp dụng công nghệ cao và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng ổn định và nâng cao thu nhập của nông dân. Đến nay, cơ bản hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo hướng chuyên canh và lập các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, từng bước hình thành chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao chiếm trên 60% tổng diện tích gieo trồng. Giá trị bình quân trên một héc-ta canh tác tăng cao, ước đạt trên 374 triệu đồng. Điển hình là 6 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao có hiệu quả với tổng diện tích 13,3ha trồng rau hữu cơ, nấm, đông trùng hạ thảo cho giá trị kinh tế cao.

Với các tiêu chí đạt được trong 5/7 lĩnh vực về tổ chức sản xuất và thu nhập; y tế, giáo dục, du lịch và an ninh trật tự, hành chính công, xã Đan Phượng đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đến vườn nho Hạ Đen của gia đình ông Nguyễn Hữu Hợi (chủ vườn nho Hạ Đen Hợi Hường), xã Đan Phượng vào buổi sáng đầu tháng 7, khi nho đang thời kỳ cho thu hoạch, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi từng hàng nho thẳng tắp sai trĩu quả. Tháng 7, nắng nóng, không khí oi ả nhưng rất đông người dân có mặt ở đây khá sớm để tham quan, chụp ảnh và tự cắt những trùm nho chín mọng mang về làm quà. Ông Hợi nhiệt tình hướng dẫn khách cách cắt nho, giới thiệu về vườn nho của gia đình. Trưa muộn, lượng khách đến tham quan vườn vắng hơn, ông Hợi mới có thời gian nán lại và tranh thủ chia sẻ với chúng tôi về mô hình trồng nho của gia đình.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Nho Hạ Đen là cây dây leo nên tốc độ phát triển rất nhanh. Để có giàn nho đạt chất lượng, ông Hợi luôn tập trung và tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, cắt tỉa. Đồng thời, nho Hạ Đen là loại nho khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý nên yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Cây tương đối mẫn cảm với thời tiết, nhiều loại sâu bệnh, chủ yếu các loại nấm nên phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, đúng liều lượng.

Mặc dù là cây trồng mới tại Đan Phương nhưng mô hình trồng nho Hạ Đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Nho Hạ Đen không hạt cho những trái quả thơm, giòn, ngọt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nho Hạ Đen, ông Hợi cho biết, 600 gốc nho đầu tiên được trồng vào tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 cây bắt đầu cho thu hoạch quả, gia đình ông thu được 3 tấn nho, trừ hết các khoản chi phí giống, phân bón, nhân công... gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, năm 2021 gia đình ông mở rộng diện tích trồng, từ 600 gốc nho ban đầu, hiện tại gia đình ông Hợi có 1.500 gốc trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt 4-5 tấn.

Ông Hợi cho hay: “Giống nho này trồng sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chu kỳ sinh trưởng của cây từ 10-15 năm, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ quả. Vụ đầu tiên từ tháng 6 đến tháng 7, vụ sau từ tháng 10 đến tháng 11. Là mô hình cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu nên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Thành phố, sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây từ Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, các loại thuốc sinh học, thảo mộc và được hỗ trợ 50% vật tư, cây giống”.

Để sản phẩm nho Hạ Đen có uy tín, chỗ đứng trên thị trường, huyện Đan Phượng cũng chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu. Điều đáng mừng là hiện nay, thị trường tiêu thụ nho rộng mở, sản lượng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Từ việc kết hợp trồng nho và mở cửa cho khách tới tham quan đã giúp gia đình ông Hợi giới thiệu nho đến nhiều du khách gần xa, từ đó bán được nho tại vườn, tăng doanh thu cho mô hình kinh tế này.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đến xã Đan Phượng, ít ai không biết đến mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao của chị Đặng Thị Cuối, bởi mô hình Hợp tác xã Cuối Quý được xếp là một trong 125 mô hình tiêu biểu toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn.

Với giấc mơ làm chủ nông nghiệp hiện đại, theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, chị Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã quyết tâm thực hiện dự án sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao tại xã Đan Phượng. Từ một hộ gia đình khó khăn về kinh tế, giờ đây chị trở thành một "tỷ phú nông dân" theo cách gọi của nhiều người.

“Chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả rất lớn của sản xuất rau hữu cơ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Họ chỉ có hơn 1 ha đất vườn, nhưng áp dụng tiến bộ khoa học và đầu tư công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín. Nó khác xa so với những gì tôi vẫn nghĩ về cây rau. Nước tưới rau phải đưa qua máy lọc. Trước mỗi mùa vụ đất đai được “khò” qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón”, chị Cuối chia sẻ.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Với quyết tâm làm kinh tế, xây dựng nông thôn giàu đẹp, hai vợ chồng chị Cuối thống nhất và tập trung tìm mọi cách tổ chức sản xuất với diện tích quỹ đất của gia đình và thuê thêm một số diện tích nhỏ của người dân xung quanh để triển khai sản xuất.

Được sự ủng hộ, động viên của Hội Nông dân huyện, vợ chồng chị Cuối tiến hành thực hiện dự án sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao với mục tiêu sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên: Không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen; đất trồng và nguồn nước tưới đảm bảo nghiêm ngặt; ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới giỏ giọt,… Chất lượng sản phẩm rau làm ra an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài thuê đất, gia đình chị còn đầu tư khoảng 4.000 mét nhà màng, nhà sơ chế, đường giao thông nội đồng…

Qua hơn 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, trên nền sản xuất rau, củ quả an toàn, Hợp tác Cuối Quý đã cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ thường xuyên từ 2 - 3 tấn cho các bếp ăn, trường học, khu công nghiệp, các nhà hàng trong và ngoài huyện; đặc biệt là nơi cung cấp rau thường xuyên cho chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch do thành phố Hà Nội quản lý với thương hiệu Bác Tôm. Doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng, số lao động thường xuyên là 12 lao động có thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ thuê thêm từ 5 người trở lên với mức 200 nghìn đồng/người/ngày.

Còn rất nhiều mô hình kinh tế do nông dân đi tiên phong, làm chủ, như mô hình Nấm Song Phượng xã Đan Phượng, Nho xã Phương Đình, Bưởi xã Thọ Xuân, Đào xã Tân Lập, Hồng Hà; Rau hữu cơ xã Liên Hà, Thịt lợn Trung Châu,…Thông qua các mô hình nhằm giúp nông dân có thêm kiến thức, tạo sự liên kết, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đồng thời giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái bền vững.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2022 đã đi được hơn nửa chặng đường để đạt các mục tiêu nông nghiệp kỳ vọng, nông dân huyện Đan Phượng vẫn đang trên đà bứt tốc để áp dụng các biện pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với quy hoạch.

Để quá trình sản xuất nông nghiệp được hiệu quả, nông dân huyện Đan Phượng triển khai toàn diện các hoạt động từ mô hình kinh tế đến bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các công tác hỗ trợ nông dân vay vốn làm nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mặc dù trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao, kéo theo thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí phân bón tăng, giá một số nông sản lại giản, nhưng người nông dẫn vẫn quyết tâm bám đất làm nông nghiệp theo đúng định hướng.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân hàng năm đạt 1.955 ha, trong đó diện tích lúa đạt 527 ha, ngô 287 ha, đậu tương 18 ha, rau các loại 450 ha, hoa 530 ha, cây màu khác 143 ha. Trong những tháng đầu năm nay, Hội tích cực vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đảm bảo phù hợp với quy hoạch, bền vững với diện tích chuyển đổi thêm được thêm 16,5 ha (gồm hoa 14,5 ha, rau 2ha).

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Về chăn nuôi, các hộ vẫn đang tích cực phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Các hộ nông dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để phát sinh trên diện rộng.

Hội chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cơ sở đăng ký 6 công trình, phần việc thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về liên kết sản xuất, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng lúa tại các xã Hồng Hà, Đồng Tháp, Trung Châu, Đan Phượng, Hạ Mỗ; đăng ký 3 mô hình Dân vận khéo về tuyến đường hàng cây, đoạn đường hoa nông dân tại xã Đan Phượng, xã Thượng Mỗ; tuyến đê kiểu mẫu sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn tại xã Liên Trung, xã Hạ Mỗ...

Để hỗ trợ hội viên nông dân làm kinh tế, Hội cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ vay vốn. Thông qua các nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ có việc làm, thu nhập, dự kiến góp phần giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, cận nghèo, giảm hàng tỷ đồng chi phí cho nông dân so với lãi suất phải đi vay ngân hàng thương mại, góp phần hạn chế tín dụng đen; nhìn chung các nguồn vốn cho vay có chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn.

“Trong những tháng cuối năm, các hộ nông dân Đan Phượng đang tiếp tục hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các mô hình nông nghiệp để tăng năng xuất sản phẩm, quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp; phát huy vai trò giai cấp nông dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chung sức phấn đấu xã lên phường, huyện lên quận trong những năm tới”, ông Thiều Văn Son nhấn mạnh.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, 5 xã của Đan Phượng đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực. Trong đó, xã Đan Phượng đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong 7 lĩnh vực: môi trường, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch.

Xã Liên Hà là 5 lĩnh vực: an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất; xã Song Phượng là 4 lĩnh vực: an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế... Từ việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã đã có những đổi thay rõ nét, trở thành “điểm sáng” của huyện và thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã yêu cầu các xã bám sát Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11-7-2019 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, các xã lựa chọn, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời bảo đảm các tiêu chí chung như: Thu nhập bình quân đạt 76,5 triệu đồng/người/năm trở lên và không có hộ nghèo; không để nợ xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện các tiêu chí...

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: 5 xã của huyện Đan Phượng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả đạt được là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của 5 xã trong việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hướng đến những vùng quê đáng sống cho mọi người dân.

Việc 5 xã đầu tiên thuộc huyện Đan Phượng về đích nông thôn mới kiểu mẫu là một thành công, dấu mốc đáng ghi nhận, để lại kinh nghiệm cho các xã của thành phố Hà Nội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng.

Nông dân tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa