-->
Multimedia
13/04/2025 17:12 Chia sẻ
Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

13/04/2025 17:12

Công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người học đưa ra những lựa chọn đúng đắn về ngành nghề và con đường học tập. Việc tư vấn, hướng nghiệp đúng, trúng và hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho việc đào tạo được nguồn nhân lực, nhân tài, góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có năng lực chuyên môn, tay nghề cao, từ đó thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người học đưa ra những lựa chọn đúng đắn về ngành nghề và con đường học tập. Việc tư vấn, hướng nghiệp đúng, trúng và hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho việc đào tạo được nguồn nhân lực, nhân tài, góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có năng lực chuyên môn, tay nghề cao, từ đó thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Việc chọn trường, chọn ngành học là quyết định hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người, là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của xã hội. Thời gian qua, có không ít người học tỏ ra tiếc nuối vì không được hướng nghiệp đầy đủ dẫn đến thiếu cách nhìn tổng quan, hiểu biết nghề nghiệp không đủ rõ ràng dẫn đến lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp. Tình trạng sinh viên đang học đại học năm nhất, năm hai, thậm chí đã đi làm nhưng bỗng cảm thấy mông lung, muốn thi lại ngành khác hoặc làm trái ngành không phải là chuyện hiếm.

Câu chuyện của chị Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1986, ở quận Long Biên), hiện đang làm chuyên viên tổ chức sự kiện cho một công ty truyền thông trên địa bàn Hà Nội là một ví dụ. Trước đó, chị tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến lữ hành, hướng dẫn du lịch của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Chia sẻ lý do tại sao lại không làm đúng ngành nghề được đào tạo, chị Hạnh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi đã có khoảng 2 năm làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi cảm thấy đây là công việc khá thú vị, thu nhập tương đối cao nhưng nhiều lúc thật sự vất vả. Vất vả ở đây không chỉ về thể chất mà là còn cần một tinh thần “thép” để bỏ ngoài tai những cám dỗ của nghề, những thị phi được - mất. Cùng đó, tôi không có nhiều thời gian dành cho gia đình, thời gian dành cho bản thân cũng ít đi và đặc biệt là mức độ đào thải của công việc này cũng cực kỳ cao”.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Lựa chọn một công việc mới phù hợp với bản thân, chị Hạnh phải cố gắng hơn nhiều lần để tự học, tự bù đắp cho mình những kiến thức thiếu hụt, mất nhiều công sức để làm quen, tiếp cận một lĩnh vực mới.

Chuyện chọn ngành học của chị Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1993, ở huyện Đông Anh) cũng đầy trắc trở. Chị Linh tâm sự: “Năm 2011, tôi quyết định chọn học kinh tế vì thời điểm đó, kinh tế là một ngành rất “hot”, được người người học, nhà nhà học với mong muốn sau khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, đến khi học vào những môn chuyên ngành thì tôi mới thấy mình không phù hợp. Có những môn học mà tôi không hiểu gì, chỉ cố gắng vớt vát để qua môn. Bởi vì không thật sự yêu thích, đi học theo số đông, cũng không có chuyên môn và kinh nghiệm nên sau khi ra trường, tôi quyết định không đi xin việc mà ôn thi lại vào ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện, tôi đang làm giáo viên tiểu học cho một trường quốc tế trên địa bàn quận Tây Hồ”.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai
Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Phạm Hồng Minh (học sinh lớp 12 một trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ về sự phân vân trong việc lựa chọn ngành học. Bố mẹ Minh đều là bác sĩ và có định hướng Minh theo học ngành Y. Tuy nhiên, Minh không hề có hứng thú với ngành học này mà lại thích những ngành liên quan đến truyền thông, mạng xã hội. “Hiện tại, em đang không biết sắp tới nên đăng ký nguyện vọng như thế nào. Nếu học ngành Y theo lời bố mẹ thì chắc chắn sau này em sẽ có công việc ổn định hơn và có sự hỗ trợ nhiều hơn từ bố mẹ. Nhưng nếu không học theo ngành mà mình yêu thích thì em sợ mình sẽ thấy nản và không kiên trì học tiếp được”, Hồng Minh chia sẻ.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Chọn đúng trường học, ngành học là bước ngoặt quan trọng cho tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp sau này. Một ngành học phù hợp không chỉ mang lại kiến thức, kỹ năng cần thiết mà còn giúp người học hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động, phát triển sự nghiệp. Khi được học ngành mình yêu thích, người học sẽ có động lực, đạt được kết quả cao trong học tập và phát triển toàn diện. Ngược lại, việc chọn sai ngành sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, chi phí, cơ hội, thậm chí còn gây khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp.

Tuy nhiên, không phải người học nào cũng dễ dàng xác định được ngành học mà mình yêu thích. Qua ghi nhận, hiện nay có không ít người học chọn ngành học theo phong trào, theo “hot trend” mà không quan tâm đến việc ngành học đó có phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân hay không. Cùng đó, cũng có những người học chọn ngành học hoàn toàn theo định hướng của gia đình hoặc mong muốn của bố mẹ. Đặc biệt, những năm gần đây còn xuất hiện xu hướng người học chọn vào những trường học, ngành học phù hợp với điểm thi của mình (nghĩa là chọn đại một chỗ học đại học mà không quan tâm đến việc có phù hợp với mình hay không)… Hệ quả của những lựa chọn này khiến nhiều người học rơi vào trạng thái chán nản, thiếu định hướng, mục tiêu, không tìm thấy niềm vui, sự say mê với nghề nghiệp tương lai. Một số người học cố học cho xong 4 năm đại học. Bên cạnh đó, một số người học khác lại quyết định “làm lại từ đầu” bằng cách xét tuyển vào những ngành học khác phù hợp với năng lực của bản thân.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh tăng cường tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Việc tư vấn, hướng nghiệp đúng, trúng và hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho việc đào tạo được nguồn nhân lực, nhân tài, góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có năng lực chuyên môn, tay nghề cao, từ đó thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Theo ghi nhận, thời gian qua, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh đã được các đơn vị, nhà trường thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động thông qua: Hoạt động giảng dạy, trải nghiệm; Cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật; Ngày hội STEM; Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp… Trong đó, Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được đông đảo đơn vị, nhà trường tổ chức. Thông qua việc được cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, nhu cầu thị trường, mức lương, môi trường, cơ hội phát triển của các ngành nghề, các học sinh sẽ có cơ sở nghiên cứu lựa chọn ngành học phù hợp, đảm bảo việc làm sau khi ra trường, hạn chế tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành nghề đã học.

Tại Ngày hội hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh đại học năm 2025 của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), Lại Phương Linh (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) cho biết, em tham dự Ngày hội để tìm hiểu thông tin về ngành Ngôn ngữ Trung cũng như một số ngành học khác phù hợp với năng lực của bản thân. “Ngoài những ngành, trường đã có ý định từ đầu, em cũng muốn thêm cơ hội xét tuyển vào những ngành, trường khác. Khi nghe chuyên gia và đại diện các trường đại học tư vấn, em hiểu hơn về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Em sẽ suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn ngành nghề của mình sau này”, Phương Linh bày tỏ.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều Lê Trung Kiên, hướng nghiệp từ sớm có ý nghĩa không chỉ với bản thân học sinh mà còn với gia đình và xã hội. Các học sinh sẽ hiểu rõ phẩm chất, năng lực, sở thích của bản thân, điều kiện hiện tại, nắm bắt nhu cầu xã hội về các ngành nghề, để từ đó có những lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động hướng nghiệp còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về một số nhóm ngành nghề cơ bản, làm cơ sở để định hướng, chọn lựa nghề nghiệp.

“Chúng tôi tổ chức hướng nghiệp cho cả học sinh lớp 11 thay vì chỉ học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Các học sinh được cung cấp thông tin về những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Với hơn 20 trường đại học, cao đẳng uy tín đăng ký tham gia Ngày hội, các học sinh đã được tư vấn trực tiếp; lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia về xu hướng ngành nghề trong tương lai; tìm hiểu về cơ hội học tập, việc làm và phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp...”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Mong muốn con đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội trong năm học tới, anh Phạm Huy Khoa (phụ huynh học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) cho rằng nhà trường hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 là việc cần thiết bởi gia đình cũng rất cần có thông tin để định hướng cho con, nhất là những điểm mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT được áp dụng từ năm 2025.

Tương tự Lại Phương Linh, Trần Nguyễn Thái An (học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) cũng tham gia Ngày hội hướng nghiệp 2025 do Trường THPT Cầu Giấy - nơi em theo học - phối hợp đơn vị, cơ sở đào tạo tổ chức. Thông qua Ngày hội, dưới sự tư vấn của các cơ sở đào tạo, Thái An đã có định hướng riêng của bản thân, định hình công việc mà em sẽ lựa chọn, theo đuổi trong tương lai và lấy đó làm động lực, mục tiêu phấn đấu. “Em đã đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cụ thể để có thể vào được ngôi trường mình mong muốn. Ngoài ra, quá trình chọn nghề em cũng hướng đến lựa chọn đầu ra việc làm sau này tránh tình trạng chọn theo đám đông rồi thất nghiệp”, Thái An bày tỏ.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh càng sớm càng tốt là quan điểm của Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) Bùi Thùy Linh. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp học sinh nhận ra đam mê, sở thích và năng lực của bản thân có phù hợp với công việc hay không, từ đó quyết định về ngành nghề một cách chính xác, giảm tình trạng làm trái ngành, hay chán nản, bỏ ngang khi theo đuổi các ngành học không phù hợp. Các học sinh sẽ dễ dàng phát triển, thành công hơn trong công việc vì công việc đó phù hợp với sở trường và năng lực của các bạn khi đã có sự tìm hiểu kỹ càng.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh đưa ra những lựa chọn đúng đắn về ngành nghề và con đường học tập. Hàng triệu học sinh trên cả nước đã được tiếp cận thông tin chính thống, đáng tin cậy về kỳ thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng cũng như xu hướng nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi. Không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về sở thích, năng lực của bản thân, giảm thiểu tình trạng chọn sai ngành, sai trường; công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đã góp phần định hình tư duy của học sinh theo hướng chủ động, tự tin và có trách nhiệm với tương lai của chính mình.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm 2025 là một cột mốc đặc biệt, khi những học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây không chỉ là kỳ thi quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành trong hành trình học tập mà còn là bước ngoặt để các em định hình con đường lập nghiệp phía trước. Trước sự đổi mới này, Bộ GD&ĐT cũng đã có dự kiến những định hướng đổi mới trong công tác tuyển sinh nhằm tăng tính minh bạch, công bằng và cải thiện chất lượng dạy học trong các trường phổ thông ngày một tốt hơn.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Việt Nam cần những thế hệ trẻ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn linh hoạt, sáng tạo và có khả năng thích ứng với sự biến động không ngừng. Lựa chọn ngành nghề hôm nay không chỉ là quyết định của cá nhân mà còn là cách các em góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường, hội nhập sâu rộng với thế giới. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên đam mê, năng lực của bản thân và cả những nhu cầu thực tiễn của xã hội trong tương lai.

“Hãy chủ động trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết: Năng lực ngoại ngữ để hội nhập quốc tế, năng lực số để làm chủ công nghệ, tư duy phản biện để giải quyết vấn đề và tinh thần học tập suốt đời để không ngừng tiến bộ. Các em không chỉ là những người học hôm nay mà còn là những người dẫn dắt, sáng tạo và kiến tạo tương lai của đất nước mai sau”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Theo nhà giáo Đặng Thị Tách (Phó Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Hà Đông, quận Hà Đông), chọn ngành học là việc rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Để chọn được ngành học phù hợp với bản thân, học sinh cần dựa trên các cơ sở: Năng lực, đam mê, thực tế… sau đó chia sẻ với bố mẹ. “Bố mẹ thường có suy nghĩ là mình lo cho tương lai của con, muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con nên mới định hướng con vào nhiều ngành nghề, bất kể con có thích hay không. Trên thực tế, chính con mới là người làm chủ nghề nghiệp của mình, là người sống với nghề, thực hành nghề, có năng lực, tâm huyết với nghề chứ không phải bố mẹ”, nhà giáo Đặng Thị Tách chia sẻ.

Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc nên chọn ngành học theo xu hướng xã hội hay đam mê cá nhân, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Đinh Xuân Hiển cho rằng, việc lựa chọn ngành học phù hợp không chỉ giúp mỗi cá nhân phát triển bền vững mà còn tạo ra giá trị cho xã hội. Bốn tiêu chí quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp bao gồm: Việc bạn giỏi, việc bạn thích, việc làm ra tiền và việc xã hội cần.

Theo chuyên gia Đinh Xuân Hiển, việc bạn giỏi là lựa chọn một nghề nghiệp dựa trên thế mạnh của bản thân giúp bạn phát huy tối đa năng lực và đạt được thành công lâu dài. Các bạn hãy tự đánh giá điểm mạnh của mình thông qua quá trình học tập, trải nghiệm và phản hồi từ người khác. Một người có khả năng giao tiếp tốt có thể phù hợp với lĩnh vực kinh doanh, trong khi người giỏi tư duy logic có thể phát triển trong ngành công nghệ.

Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai

Việc bạn thích ý nói đến đam mê trong một lĩnh vực cụ thể. Đam mê là yếu tố quan trọng giúp bạn kiên trì và sáng tạo trong công việc. Khi làm điều mình thích, bạn có động lực học hỏi và phát triển không ngừng. Tuy nhiên, đam mê cần đi kèm với thực tế, tức là cần được rèn luyện và phát triển để mang lại giá trị. Việc làm ra tiền tức là một công việc ổn định và có thu nhập tốt giúp bạn đảm bảo cuộc sống và có động lực cống hiến. Nghề nghiệp không chỉ cần phù hợp với sở thích mà còn phải có tiềm năng tài chính. Vì vậy, các bạn hãy tìm hiểu xu hướng thị trường để lựa chọn công việc có cơ hội phát triển.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu cá nhân, nghề nghiệp lý tưởng cũng cần có giá trị với xã hội. Những công việc như: Công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường… luôn có nhu cầu cao và mang lại lợi ích cộng đồng. Khi làm một công việc hữu ích, bạn không chỉ phát triển bản thân mà còn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. “Nghề nghiệp lý tưởng là sự giao thoa giữa điều bạn giỏi, điều bạn thích, điều giúp bạn kiếm tiền và điều xã hội cần. Hãy cân nhắc cả bốn yếu tố này để đưa ra quyết định sáng suốt cho tương lai”, chuyên gia Đinh Xuân Hiển đúc kết.

Việc lựa chọn nghề nghiệp đúng đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện, không có câu trả lời đúng hay sai mà chỉ có lựa chọn phù hợp nhất với từng cá nhân.

----------------------------------

Nội dung: Thảo Nguyên

Trình bày: P. Thắng