-->
Sau hơn hai tháng chi viện chống dịch Covid-19 cho thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, gần 24.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế từ miền Bắc, miền Trung đã lần lượt trở về khi dịch bệnh ở đây được kiểm soát, hoàn thành “sứ mệnh” cứu chữa người bệnh. Với các chiến sĩ áo trắng, những ngày tháng vừa qua là một cuốn hồi ký khó quên trong suốt quãng đời còn lại… |
Sau hơn hai tháng "chiến đấu" với Covid-19 ở tầng điều trị cao nhất, cứu sống hàng trăm bệnh nhân nặng, gần 500 y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến 16 đã trở về thực hiện cách ly và đoàn tụ với gia đình sau bao ngày xa cách. Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Hồi sức cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh đã nhiều lần tới thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần chi viện này, khi bước ra khỏi sân bay, anh đã ngỡ ngàng khi trên đường không bóng người, chỉ có vài con chim đang đậu. "Đây là cú sốc đối với tôi, không hiểu chuyện gì xảy ra thế này" - bác sĩ Hùng nhớ lại. Bác sĩ Hùng là một trong những người có mặt ở tất cả các điểm nóng Covid-19 trong hơn 1 năm qua, từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và giờ là thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đầu tiên Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân từ các tuyến chuyển đến, bác sĩ Hùng cho biết, lúc đó anh mới nhận ra, tất cả các đợt đi chống dịch từ trước đến nay chỉ giống như cuộc tập dượt. Đây mới là trận đánh đích thực. Bệnh nhân nặng rất nhiều khiến anh và các đồng nghiệp choáng váng ở khoảng thời gian đầu tiên. "Trong thâm tâm chúng tôi luôn lo sợ liệu mình có đủ sức không. Chỉ lo có nhân viên y tế chẳng may bị lây nhiễm, công việc lại dồn cho đồng nghiệp, cứ thế thì lấy đâu ra nhân viên y tế để điều trị? Tôi không lo sợ lây nhiễm, mà chỉ sợ mình nhiễm bệnh thì công việc của mình lại dồn cho đồng nghiệp. Nhưng may mắn, sau một thời gian chúng tôi đã ổn định được và làm việc đúng theo quy trình" - bác sĩ Hùng nói. Trong trận chiến khốc liệt đó, bác sĩ Hùng cho biết, các nhân viên y tế hoạt động đến 300% công suất, áp lực và mệt mỏi, nhưng đều cố gắng đáp ứng đầy đủ công tác chuyên môn. Mặc dù có 15 năm kinh nghiệm điều trị hồi sức cấp cứu, nhưng bác sĩ Hùng phải thừa nhận, đây là lần đầu tiên anh thấy nhiều bệnh nhân phải thở máy như vậy. Và tâm trạng của bác sĩ Hùng trong những ngày đầu hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là tâm trạng chung của nhiều y, bác sĩ Nam tiến chống dịch đợt này. Bác sĩ Nguyễn Hiền Dung (Bệnh viện Bưu Điện) tâm sự: “Lần đầu đặt chân đến Thành phố mang tên Bác đúng như mơ ước, nhưng sự thật lại không phải như mơ. Thương lắm Thành phố mùa đại dịch cảnh vật hiu hắt, đường phố vắng tanh, sự sống mong manh…”. Đối với với bác sĩ Dung, gần 50 ngày làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, là gần 50 ngày nghiêm túc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”; là từng đó thời gian ngày đêm vật lộn tại khu B Trung tâm Hồi sức; gần 50 ngày đêm trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí hoảng sợ… ngay cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. “Rồi không biết từ bao giờ tôi đã quen với cảm giác ngoài trời không mưa mà trong người thì ướt đẫm bởi “mưa mồ hôi” mỗi khi khoác trên người trang phục phòng hộ cá nhân. Quen với cả những cơn đau đầu, ù tai bởi tiếng ồn của dòng oxy cao áp, của máy thở; cả những cử chỉ ra hiệu, trao đổi của đồng đội khi không còn có thể nói to cho nhau nghe thấy...” - bác sĩ Dung kể lại. Trở về sau hơn hai tháng chi viện thành phố Hồ Chí Minh, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khốc liệt nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Khi tiễn đoàn lên đường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện giao nhiệm vụ đã nói "Chuyến đi lần này rất khó khăn, mục tiêu là làm sao đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong đoàn và làm sao phải cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất". Trong hơn hai tháng "chiến đấu" tại Trung tâm Hồi sức tích cực, đoàn công tác đã hoàn thành "mục tiêu kép" mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện giao cho. Hơn 2 tháng điều trị, nhân viên toàn đoàn đều xét nghiệm âm tính". Mặc dù chuyên về ngoại khoa, nhưng thời gian qua, cùng với lực lượng y tế trên cả nước, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã góp sức không nhỏ vào công cuộc phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Minh chứng rõ ràng nhất, sau hai tháng thành lập, tới ngày 13/10, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đã tiếp nhận 971 bệnh nhân nặng, rất nặng từ các bệnh viện tầng dưới chuyển đến. Đến nay Trung tâm đã điều trị khỏi và cho xuất viện hơn 600 bệnh nhân, hiện còn 36 F0 với 12 người đang thở máy, 21 người cần trợ thở oxy, 3 người đã ổn định chờ xuất viện được bàn giao lại cho Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản. Đó là những thành quả rất đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi với tinh thần làm việc quên mình, vượt qua gian khó giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân trước "lằn ranh sống chết". Có mặt ở Trung tâm Hồi sức từ những ngày đầu thiết lập, hơn hai tháng "chinh chiến" trong khu điều trị bệnh nhân nặng và thở oxy dòng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch. Chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng, bác sĩ Hạnh không giấu được những giọt nước mắt. Có đêm, bác sĩ Hạnh phải trực tiếp chỉ huy ca trực ép tim để cứu sống bệnh nhân trước "cửa tử". Theo bác sĩ Hạnh, ca trực đó, có hai bệnh nhân cùng trở nặng một lúc, trong khi cả hai bệnh nhân này đều còn rất trẻ. Bởi vậy cả ê kíp đã quyết định cho hai người đặt ống thở nội khí quản, chỉ cách nhau 5-10 phút. Sau đó, có một bệnh nhân đột ngột có diễn biến nặng, có dấu hiệu ngừng tim, nên cả ê kíp đã nhanh chóng ép tim để cấp cứu. “Tình thế lúc đó rất nguy cấp, mục tiêu của chúng tôi là phải cố gắng ở mức cao nhất để cứu sống bệnh nhân. Rất may mắn sau khoảng 10-15 phút cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định trở lại… Mọi người đều rất xúc động và thở phào vì đã vượt qua được khoảnh khắc sinh tử cùng với bệnh nhân" - bác sĩ Hạnh xúc động chia sẻ. |
Thời điểm các nhân viên y tế vào hỗ trợ chống dịch tại các bệnh viện dã chiến khi dịch Covid-19 đang dữ dội nhất. Với lượng bệnh nhân đông, diễn biến nặng nhanh, trong khi nhân lực còn hạn chế, bởi vậy dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn có bệnh nhân tử vong. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hạnh cho hay, khi vào đây, chị và đồng nghiệp đều xác định có nhiều khó khăn, nhưng đến nơi rồi mới thấy áp lực công việc nặng nề và khốc liệt hơn tưởng tượng rất nhiều. “Có những buổi trực rất là buồn. Không chỉ bác sĩ, mà cả các điều dưỡng đều buồn và xúc động, bởi sau bao ngày chiến đấu, cố gắng chăm sóc mà vẫn không giành giật được sự sống cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe khả quan hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại rơi vào nguy kịch lần thứ hai và không qua khỏi” - bác sĩ Hạnh ngậm ngùi chia sẻ. Còn bác sĩ Hùng, khi kể về gần hai tháng tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến 16, anh cho biết có quá nhiều hoàn cảnh bệnh nhân thương tâm và xúc động. Có những gia đình cả nhà đều bị nhiễm Covid-19 và cả nhà đều không qua khỏi. Đến khi bệnh nhân tử vong, nhân viên y tế cũng không biết phải gọi điện thông báo với ai nữa, vì mất hết cả rồi. |
Được biết, Bệnh viện dã chiến 16 là tầng cuối điều trị bệnh, nên bệnh nhân nặng ở các tuyến đổ về rất nhiều và hầu hết là phải thở máy. Lượng bệnh nhân nhập viện đông, trong khi nhân lực mỏng, nhất là nhân viên hồi sức tích cực thì ít, nên các y, bác sĩ luôn phải căng sức làm việc. Bởi vậy, đôi khi chính các y, bác sĩ cũng cảm thấy bất lực vì không cứu hết được người bệnh, dù đã cố gắng hết sức. “Khi chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi là một điều khiến cho các bác sĩ cảm thấy rất day dứt, vì không biết mình cố gắng như vậy đã hết sức hay chưa? Tình trạng bệnh nhân này còn khả năng cứu chữa được hay không. Và tầng tầng lớp lớp bệnh nhân ở xung quanh như vậy, thì các bác sĩ luôn phải đặt câu hỏi làm như thế nào? Chứng kiến bệnh nhân nặng quá nhiều và áp lực của nhân viên y tế, đã có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không vượt qua được” - bác sĩ Hùng thẳng thắn chia sẻ. Cũng trong những ngày đầu vào chống dịch, không riêng bác sĩ Hùng, đã có rất nhiều nhân viên y tế bị mất ngủ và rơi vào trạng thái stress. Và nhiều y, bác sĩ đã phải có sự trợ giúp của những đồng nghiệp chuyên khoa về tâm thần để hỗ trợ thêm. Bác sĩ Hùng bộc bạch: “Những ngày điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, tôi luôn luôn bị ám ảnh. Về tới nhà rồi vẫn không có cảm giác, người lúc nào cũng lâng lâng như ở trên mây. Ở Bệnh viện dã chiến hầu hết là bệnh nhân phải thở máy, chính vì vậy nên lúc nào đầu óc cũng phải nghe tiếng tít tít của máy thở, tiếng máy báo động gây ra tình trạng stress liên quan đến vấn đề âm thanh cũng rất là lớn". Không chỉ công việc vất vả, áp lực, mà các nhân viên y tế còn rất nhớ nhà. Gần hai tháng Nam tiến hỗ trợ chống dịch và nhiều người còn lâu hơn thế, cũng là từng đó thời gian họ xa gia đình, người thân… Nhưng đã đi chống dịch là xác định sẽ vất vả và hy sinh, các nhân viên y tế luôn xác định đây là công việc và nhiệm vụ của người thầy thuốc phải làm. Nên đôi khi chính những người thầy thuốc phải tự dặn lòng mình là không được phép mệt mỏi và không được thể hiện sự mệt mỏi cho người khác thấy, bởi như vậy dễ khiến người khác “ngã lòng”. Phải cố gắng tự mạnh mẽ lên một chút để còn hỗ trợ cho các đồng nghiệp. |
Mặc dù tâm lý luôn bị đè nặng, nhưng vượt lên trên tất cả, các nhân viên y tế đã và đang sống “chiến đấu” từng phút, từng giờ trong các bệnh viện dã chiến để giành giật sự sống cho người bệnh. Có nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão, cháy bỏng khát vọng cống hiến… Và động lực giúp các nhân viên y tế cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong công việc đó chính là thấy người bệnh đỡ hơn, đáp ứng điều trị. “Có một ngày chúng tôi đi buồng bệnh, bệnh nhân ra hiệu và viết vào một tờ giấy hỏi chúng tôi “bao giờ em chết”? Trong khi bệnh nhân đó tiên lượng xấu, dù trẻ tuổi nhưng phổi bệnh nhân bị xơ hóa nhiều cả hai bên, đang phải thở máy” - bác sĩ Hùng kể lại. Câu hỏi của bệnh nhân đã tác động cực kỳ mạnh mẽ tới các y, bác sĩ đang điều trị. Theo bác sĩ Hùng chia sẻ, “Không biết câu hỏi của người bệnh là gửi gắm niềm hy vọng hay tuyệt vọng”. Nhưng là một người thầy thuốc, bác sĩ Hùng luôn hiểu đằng sau mỗi một con người đều có gia đình, đều có người thân mong chờ. Chính vì vậy các y, bác sĩ càng phải cố gắng và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nữa để họ có cơ hội được trở về với gia đình. Và sau rất nhiều cố gắng, chiến đấu, giành giật sự sống từ tay “tử thần”, bệnh nhân trên đã chiến thắng, hồi phục một cách ngoạn mục để được trở về với gia đình thân yêu. Bác sĩ Hùng tâm sự, nhìn các bệnh nhân ra viện thực sự rất là vui, vì chính bản thân nhân viên y tế giống như được trút đi gánh nặng và đưa được một cuộc đời về với gia đình của họ. “Chỉ cần nghĩ cũng giống mình thôi, mỗi lần đi công tác xa về, có người nhà đứng chờ cửa đó là một điều vô cùng vui và hạnh phúc. Bởi vậy, nếu bệnh nhân ra được viện và về với vòng tay của gia đình thì đó là niềm hạnh phúc không gì có thể đo đếm được” - bác sĩ Hùng chia sẻ thêm. Đồng quan điểm trên, gần 50 ngày "đồng cam cộng khổ" cùng các đồng nghiệp từ các bệnh viện khác nhau trong Bệnh viện dã chiến 13, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Đoàn công tác Bệnh viện Bưu điện chia sẻ niềm vui lớn nhất là thấy bệnh nhân được đoàn tụ cùng gia đình. Theo bác sĩ Linh, cũng trong quá trình hỗ trợ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, có vất vả, nước mắt, hy sinh… có cả sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y, bác sĩ với người bệnh, giữa người bệnh với người bệnh và giữa các y, bác sĩ với nhau. "Trong gian khó, thì tình người, tình đời và triết lý nhân sinh “cho đi là còn mãi” hiển hiện rất rõ rệt. Nhất là những niềm vui mỗi khi các y, bác sĩ và người bệnh chiến thắng bệnh dịch, được tiễn người bệnh ra viện trở về nhà. Tất cả những ký ức đó chẳng thể phai nhoà đối với mỗi nhân viên y tế chúng tôi - những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này" - bác sĩ Ngọc Linh nói. Trước ngày được trở lại Thủ đô, về với công việc, cuộc sống hàng ngày, điều khiến điều dưỡng Trần Thị Quỳnh, Khoa Sản, Bệnh viện Bưu điện và rất nhiều thành viên trong Đoàn nhớ mãi là bức thư cảm ơn của người mẹ và cậu con trai trong một gia đình cả nhà nhiễm Covid-19 từng nằm điều trị tại Bệnh viện dã chiến 13. Trong thư, người mẹ viết: “Mẹ ơi, nhìn các y, bác sĩ ở đây như những nhà du hành vũ trụ ấy” - Đây là câu nói của cậu bé con tôi khi bước chân vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Việt Đức cùng mẹ và ông bà ngoại. Thời gian được điều trị ở đây như một thước phim mà gia đình tôi sẽ không thể nào quên. Chúng tôi được tập thể các bác sĩ, điều dưỡng nhà N9 quan tâm, chữa trị rất tận tình, chu đáo. Những hoang mang, lo lắng dường như dần biến mất mỗi ngày mà thay vào đó là sự tin tưởng, yên tâm và niềm hy vọng. Không chỉ là những phác đồ điều trị, những lần truyền nước hay những lần tiêm mỗi ngày mà đó còn là những lời thăm hỏi, động viên, sự tận tình chăm sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ từ “những nhà du hành vũ trụ”. Gia đình chúng tôi như được tiếp thêm liều thuốc tinh thần để mạnh mẽ và để chiến thắng…”. Cùng với những lời cảm ơn và sự trân quý sâu sắc từ trái tim, cuối thư của người mẹ ấy gửi tới là những dòng nắn nót của cậu con trai: “Con là Vĩnh Khang, con xin cảm ơn các “nhà du hành vũ trụ” đã chữa trị cho gia đình con khỏi bệnh Covid-19. Con kính chúc cô chú khỏe mạnh, đánh bại Covid-19 và sớm trở về trái đất ở Hà Nội”. |
Đại dịch đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đó là dấu lặng buồn, nhưng chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh. Và hôm nay, khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, các chiến sĩ áo trắng hỗ trợ chống dịch đã hoàn thành nhiệm vụ, họ đã nỗ lực hết mình, hồi sinh cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, góp phần "chữa lành" cho Thành phố mang tên Bác. Mang theo tình cảm nồng ấm của người dân thành phố Hồ Chí Minh trước khi trở về Hà Nội để tiếp tục công việc của mình, nhiều y, bác sĩ đã không giấu được sự xúc động, tự hào khi đã cống hiến một phần thanh xuân tươi đẹp vào những tháng ngày lịch sử không bao giờ quên trong cuộc đời. |
Nội dung: Minh Khuê Đồ họa: Đức Hà |
|
.