-->
Trong suốt 70 năm đồng hành cùng nhân dân Hà Nội sau ngày giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Y tế Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, vươn lên hoàn thành sứ mệnh đặc biệt: "Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân". Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã từng bước nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai tại các cơ sở y tế, đặc biệt là hiện thực hóa ước mơ ghép tạng từ người cho chết não, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. |
Sở Y tế Hà Nội được thành lập tháng 10/1954 và gánh vác nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu… Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, cho đến nay Y tế Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện hạng I, 32 bệnh viện hạng II và 2 bệnh viện hạng III; 2 chi cục; và 5 trung tâm chuyên khoa. Kể từ ngày 1/10/2024, 30 trung tâm y tế được chuyển giao về các quận, huyện, thị xã quản lý. Tổng số nhân lực đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội là 27.155 người. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp đáng kể vào thành tựu chung và là niềm tự hào của ngành Y tế Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao động Thủ đô về sự phát triển vượt bậc của ngành Y tế Thủ đô sau 70 năm giải phóng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND thành phố Hà Nội, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, suốt chiều dài 7 thập kỷ qua, đặc biệt là 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Y tế Thủ đô đã có những bước tiến dài. Hà Nội hiện là một trong hai trung tâm Y tế lớn của cả nước, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Và mỗi giai đoạn phát triển, Hà Nội đều có những bác sĩ tiêu biểu, những lương y có tài luôn nêu cao y đức của người thầy thuốc trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đúng như lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”. Nhờ vậy những năm qua, nhân dân trên địa bàn Thủ đô được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tốc độ phát triển dân số được kiểm soát; chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến y tế được quan tâm, đầu tư và đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. |
Theo đó, sau 70 năm giải phóng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước đã kiện toàn được hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương. Riêng tại Hà Nội, thành công nhất trong việc xây dựng hệ thống y tế được thể hiện rõ trong công cuộc phòng, chống và đẩy lui dịch Covid-19. Đây là một minh chứng sống, khẳng định hệ thống Y tế Thủ đô hoạt động hiệu quả. Đồng thời, lãnh đạo ngành Y tế Hà Nội qua các thời kỳ đã thể hiện rất rõ vai trò điều tiết hoạt động chuyên môn và gắn kết nhịp nhàng giữa các tuyến khám bệnh, chữa bệnh để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Ngành Y tế Thủ đô định hướng chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở, cụ thể là từ trạm y tế xã. Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở góp phần quan trọng trong việc quản lý sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm số bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến, qua đó góp phần giải “bài toán quá tải” cho các bệnh viện tuyến trên. |
Theo đó, các mô hình Trạm Y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo bệnh nhân tới khám, chữa bệnh thay vì phải vượt tuyến. Song song với đó, để tăng cường hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai thành công mô hình "Bệnh viện Chị - Em". Bước đầu được thí điểm giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và đang từng bước nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Sở Y tế Hà Nội cũng đang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới từ “cầm tay chỉ việc” đến giảng dạy online, theo văn bằng, chứng chỉ; khuyến khích cán bộ đi học nước ngoài nâng cao trình độ chuyên môn… Đơn cử, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất, yêu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội xây dựng quy trình, kỹ thuật quản lý hai bệnh tăng huyết áp và tiểu đường - hai bệnh cơ bản nhất của y tế cơ sở. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng thành bộ tài liệu, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nội dung trên cho bác sĩ, nhân viên y tế các trung tâm y tế trên địa bàn. Khi thông báo mở lớp đào tạo, đã có hơn 1.000 cán bộ các trung tâm y tế đăng ký tham gia, đợt 1. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các đầu ngành khác sẽ xây dựng chương trình để đào tạo y tế cơ sở, như đầu ngành về: Ngoại khoa, nhi khoa, phụ sản… |
Nhờ được đầu tư trang thiết bị và nhân lực chất lượng, nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu đã được các bệnh viện của Hà Nội thực hiện thành công. Liên tiếp, dồn dập trong những ngày thu này, các thầy thuốc của ngành Y tế Thủ đô đã gieo những niềm vui, niềm tự hào cho nghề y khi hồi sinh cuộc sống mới cho nhiều người bệnh tưởng như đã không còn cơ hội tiếp tục sự sống. Điền hình như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa qua đã tiến hành lấy và ghép tạng từ bệnh nhân chết não hiến tặng. Đây là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng được triển khai tại một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trường hợp chết não hiến tạng này là một thanh niên ngoài 30 tuổi bị tai nạn giao thông rất nặng, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để tiếp tục cấp cứu, điều trị. Tuy nhiên, nạn nhân không thể phục hồi, rơi vào chết não. Sau ba lần chẩn đoán chết não và được sự đồng ý hiến tạng của gia đình, chiều 24/8 người hiến đã được đưa vào phòng mổ để lấy tạng. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã "chạy đua" xuyên đêm để hoàn thiện quy trình thực hiện. |
Được biết, từ nhiều năm nay, kể từ khi thành công trong việc ghép thận từ người cho sống, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn qua nhiều thời kỳ đã quyết tâm thực hiện lấy và ghép tạng từ người cho chết não. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, được đề cập đến nhiều lần trong kế hoạch phát triển hàng năm của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, để hiện thực hóa ước mơ ghép tạng từ người cho chết não, nhiều năm qua, cán bộ, y bác sĩ bệnh viện đã tham gia nhiều hội thảo, khóa tập huấn về tư vấn hiến tạng, chẩn đoán, hồi sức chết não, phẫu thuật lấy và ghép tạng. Trong các công tác chuẩn bị, đặc biệt khó khăn nhất là tư vấn thuyết phục để người nhà bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn quyết tâm, không nản lòng và duy trì thường quy công tác tư vấn vận động hiến tạng. |
Với sự quyết tâm và kiên trì vào ngày 23-24/8 đã đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử phát triển của ngành Y tế Thủ đô, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành bệnh viện đầu tiên của Hà Nội vận động hiến tạng từ người cho chết não thành công, thực hiện đồng thời cả kỹ thuật lấy và ghép mô tạng từ người cho chết não. Một thành tích được tạo dựng từ rất nhiều công sức và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cùng sự phối hợp của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia, các bệnh viện và chuyên gia đầu ngành trong cả nước. Với hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lá gan được ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hai giác mạc được sử dụng cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, trái tim của người bệnh được chuyển thẳng trong đêm vượt qua quãng đường gần 2.000 km để tiếp tục sự sống cho một người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng vừa thực hiện thành công 3 ca ghép thận cùng huyết thống. Sau thành công của 3 ca ghép này, bệnh viện sẽ đưa kỹ thuật ghép thận vào triển khai thường quy. Có thể nói, những sự hồi sinh sự sống cho các trường hợp hy hữu trên là kết quả viên mãn của các thầy thuốc ngành Y tế Hà Nội. Đây là minh chứng rõ nhất của sự phát triển y học kỹ thuật cao không ngừng của ngành Y tế Thủ đô. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng đánh giá ghép tạng là một kỹ thuật khó, là một bước đường dài, cần phải có sự chuẩn bị đồng bộ và kỹ lưỡng. “Để thực hiện được một ca ghép tạng thì các đơn vị phải có sự đồng bộ, đa chuyên khoa. Thành công của ghép tạng là thành công của một e kip làm việc tâm huyết. Hiện, Hà Nội sẽ tiếp tục định hướng cho một số bệnh viện hướng tới kỹ thuật ghép tạng. Như giao cho Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sắp tới nghiên cứu và triền khai thêm kỹ thuật ghép giác mạc, tế bào gốc…” - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh. |
Nhìn vào thực tiễn phát triển của ngành Y tế Hà Nội thời gian qua cho thấy, liên tiếp trong nhiều năm nay, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc khám chữa bệnh, trên nhiều “mặt trận” khác nhau. Toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện như: Phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp, kỹ thuật can thiệp bào thai... trong khám chữa bệnh cho nhân dân. Thậm chí nhiều kỹ thuật cao đã sánh ngang tầm các nước có điều kiện kinh tế và nền y học phát triển. Có lẽ vì thế mà Việt Nam đã thành sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân nước ngoài, hay các chuyên gia y tế đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong khu vực và trên thế giới. |
Không những vậy, bắt nhịp xu thế chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, ngành Y tế Hà Nội đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu trong thăm khám, điều trị và quản lý. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm quá tải và phục vụ cho người bệnh ngày càng tốt hơn. Có thể nói trong năm 2023, cuộc “cách mạng” lớn nhất của ngành Y tế Thủ đô là chuyển đổi số. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, ngành Y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện… Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Đồng thời, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (Kiosk tự phục vụ) tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, và 1 Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Đống đa. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai thí điểm Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Hòe Nhai. |
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp các bệnh viện ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, từng bước giảm tải cho tuyến trung ương. Với sự đồng bộ các giải pháp, ngành Y tế Hà Nội đang phấn đấu để mọi người dân Thủ đô tiếp tục được thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại. Những nỗ lực của ngành Y tế Thủ đô, của các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng những phần thưởng, danh hiệu cao quý cho tập thể, cũng như các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. |
Nội dung: Minh Khuê | Đồ họa: Quốc Nam |